Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần đi học về thăm nhà là cô gái lại chạy qua nhà thăm bác Tư, để được bác... xoa đầu. Chỉ cần như thế thôi, cô gái đã thấy một niềm thương yêu trìu mến dâng trào, vây bủa. Cử chỉ giản đơn ấy khiến cô vui sướng vì biết mình đã được sở hữu một góc tình cảm ấm áp trong trái tim của người thể hiện.
Có thể vì cô sớm mồ côi cha, vì cô quý bác Tư như người trong gia đình nên chỉ là xoa đầu thôi mà cô đã thấy mình được quan tâm. Xoa đầu, không phải để biểu thị một thái độ kẻ cả, trịch thượng như người bề trên đối với kẻ dưới, cũng chẳng phải là sự vô phép của người nhỏ đối với bậc có vai vế lớn hơn mình. Xoa đầu dễ thương lắm! Là thương yêu, là tin tưởng, là che chở, là sẻ chia... Khi mệt mỏi, lo âu, phiền muộn, cô luôn thấy lòng dịu và mềm lại mỗi khi được ai đó xoa đầu. Mọi điều u tối sẽ biến tan nhường chỗ cho sự bình yên bên người yêu dấu. Là cha mẹ, người yêu, bạn bè, anh chị em... ai cũng có thể xoa đầu nhau, miễn có đủ tự tin về cái gọi là yêu thương. Cô nghĩ vậy.
Xoa đầu thể hiện yêu thương. Ảnh: P.QUYÊN |
Cô gái cũng từng xoa đầu nhiều người. Những lúc ấy, cô thấy có một thứ tình cảm dâng lên, tích tụ lại trên đôi bàn tay. Khi vui, xoa đầu là sự âu yếm. Khi buồn, có thể, cái xoa đầu không thể làm mọi chuyện tốt hơn nhưng hẳn người được xoa đầu sẽ biết mình không cô độc và luôn có yêu thương đi cùng... Đôi khi ngôn từ sẽ trở nên vô nghĩa. Chỉ cần ngồi cạnh nhau, nương nhờ bờ vai và cái xoa đầu của một người thân thiết, tất cả sẽ vỡ òa sau sự chia sẻ giản đơn và thầm lặng ấy.
Xoa đầu, đôi lúc sẽ trở thành nét hành xử đáng yêu của một cộng đồng nhỏ, nơi ấy chỉ gồm những người yêu quý. Tự hào lắm và thương lắm khi mình biết cách xoa đầu và được người khác xoa đầu. Niềm vui sẽ tung cao và nỗi đau sẽ dịu lại từ những đôi bàn tay ấy. Hạnh phúc rất đỗi thật thà và giản đơn khi được ai đó vỗ về, xoa dịu bao điều phiền muộn hay đôi khi đó chỉ là dòng tin nhắn: “Ừ, thì xoa đầu cho hết buồn, em nhé!”.