Có thể nói, các cụm từ “mãi keo mãi mận” được giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z sử dụng trong hội thoại hàng ngày hoặc trên mạng xã hội với một nét nghĩa vô cùng mới mẻ.
Trước hết, cần phải hiểu, “mãi mận” là cách mà Gen Z sử dụng để nói lái cụm từ “mãi mặn mà”. Dù từ này chưa rõ nguồn gốc xuất xứ từ đâu nhưng vô cùng phổ biến, dùng để khen ngợi về ngoại hình, tính cách hài hước hoặc một hành động có tính giải trí vô cùng cao của một người.
Ví dụ như nếu bạn thấy người bạn của mình có cách nói chuyện duyên dáng, mặn mà hay có ngoại hình đẹp, hành động gây cười hoặc làm việc gì đó đáng ngưỡng mộ,... thì chúng ta có thể sử dụng cụm từ “mãi mận” thay cho lời khen theo cách khá hài hước và tự nhiên.
Có một điều thú vị hơn nữa đó là ngoài “mãi mận” thì gen Z còn chế thành nhiều phiên bản. Trong đó, thay vì sử dụng từ “mận” thì các bạn trẻ sẽ kết hợp các loại trái cây khác như xoài, cóc, ổi và vẫn với ý nghĩa là để khen ngợi một ai đó, nổi bật như câu: “mãi mận xoài cóc ổi” , nghĩa là để khen một người bạn của mình với mức độ: “siêu cấp mặn mà không còn từ gì để nói”
Còn với từ "mãi keo" , đây lại là từ ghép do giới trẻ biến tấu, trong đó “mãi” là mãi mãi, keo là chất keo dính. Do vậy, nghĩa của cụm từ "mãi keo" là dính mãi vào nhau, thân thiết nhau không tách rời. Cụm từ này được lan truyền phổ biến trên mạng xã hội và các nền tảng khác dùng để chỉ tình cảm gắn bó giữa hai hay nhiều người với nhau, và thậm chí độ thân thiết đến mức không thể nào tách rời.
Với những ý nghĩa này thì khi ghép cả cụm từ “mãi mận mãi keo”, giới trẻ sử dụng để diễn tả những mối quan hệ tình bạn giữa hai hoặc nhiều người đã gắn bó từ lâu, tình cảm thân thiết, bền chặt như thể người thân trong nhà.
Có thể nói, đây là cụm từ mà các bạn trẻ ngày nay thường xuyên sử dụng để có thể thể hiện tình cảm gắn bó khăng khít, khiến người ta nhớ mãi nhưng theo cách rất tự nhiên mà không cần dùng những từ ngữ hoa mỹ.
Thăm dò ý kiến: “Mãi keo”, “mãi mận” là những tiếng lóng được thế hệ trẻ GenZ sử dụng nhiều, nhưng các bạn đã thực sự hiểu nó có nghĩa gì chưa?