1 Hàn the là gì?
Hàn the còn có tên gọi khác là Bồng sa, Bồn xa, Bàng xa, Nguyệt thạch.
Tên khoa học của Hàn the là Borax.
Hàn the có thể dùng sống, đem tán nhỏ hoặc cho vào nồi hay chảo sao cho đến khi sủi bọt và lấy ra để nguội.
2 Tính chất
Hàn the ở dưới dạng tinh thể hoặc dạng bột màu trắng, không có mùi nhưng vị hơi nồng. Hàn the sau khi tiếp xúc với không khí sẽ bị mất nước và tạo thành bột màu trắng.
Nhiệt độ nóng chảy của Hàn theo là 107 độ C, sau khi nóng chảy sẽ mất nước, phồng lên và tạo thành bàn the nung.
Hàn the có đặc điểm là ít tan trong nước lạnh, tan nhiều hơn khi nước nóng, tan trong Glycerin, không tan trong cồn 90 độ.
3 Thành phần hóa học
Hàn the là Natri borat hay Tetraborat natri có công thức hóa học là B4O7Na2.10H2O.
4 Hàn the dùng để làm gì?
4.1 Trong Y học cổ truyền
Các tài liệu cổ ghi chép rằng, Hàn the có vị mặn, ngọt, tính mát được sử dụng trong các trường hợp sốt, giải độc, sưng viêm.
Hàn the được dùng để trị đau họng, răng lợi sưng loét, đau mắt, đau miệng.
Liều dùng được khuyến cáo là 2-4g mỗi ngày, trong trường hợp dùng ngoài thì không tính liều lượng.
4.2 Trong đời sống
Hàn the có trong thực phẩm nào? Ngoài công dụng để làm thuốc, Hàn the còn được nhân dân sử dụng để thêm vào các loại thực phẩm như giò chả, bánh mứt nhằm mục đích để bột mì có tính dai giòn.
Hàn theo có tính sát trùng nên ngoài mục đích trên, khoáng vật này còn có tác dụng giúp bảo quản thực phẩm, ngăn ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn và nấm mốc, giúp thực phẩm tươi mới như khi vừa chế biến.
Hàn the cũng được dùng để làm phân bón, thuốc trừ sâu.
5 Bài thuốc chữa viêm cổ họng từ hàn the
Sử dụng một lượng bằng nhau 2 vị hàn the và ô mai, đem tán nhỏ sau đó nặn thành từng viên có kích thước bằng hạt ngô hoặc bằng Củ Súng.
Mỗi lần dùng 10 viên để ngậm cho đến khi thuốc tan dần. Đây là kinh nghiệm nhân dân dùng trong các trường hợp viêm hạnh nhân, viêm cổ họng, cổ họng sưng đau.
6 Tác hại của Hàn the
Với đặc tính chống nấm mốc, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn đồng thời giúp cho cấu trúc thực phẩm giòn, dẻo dai mà nhiều người kinh doanh đã bất chấp nhằm mục đích tăng lợi nhuận nhưng không chú trọng đến sức khỏe của người sử dụng.
Borax có độc tính đối với con người, bao gồm độc tính sinh sản và phát triển, độc tính thần kinh và độc tính thận. Mức độ độc tính của borax phụ thuộc vào liều lượng hoặc nồng độ hấp thu.
Các thử nghiệm độc tính gần đây cho thấy rằng, chó mèo sau khi cho dùng Hàn the đã thấy phản ứng phụ là tổn thương gan, chậm phát triển và nguy cơ tử vong tăng lên khi dùng liều cao. Thử nghiệm khi cho súc vật dùng liều thấp nhưng trong thời gian dài của Gounelle và Boudene cũng cho thấy tác dụng liệt dương do teo tinh hoàn, tổn thương gan, tổn thương thận,...
Hàn the có ăn được không? Hàn the sau khi ăn vào sẽ tích lũy tại lớp mỡ dưới da, trong gan và trong não. Người lớn sử dụng 3-4g hàn the đã thấy khó chịu, ăn không ngon, sử dụng lâu dài gây suy nhược cơ thể. Do đó, từ năm 1983, Tổ chức Y tế Thế giới đã cấm sử dụng Hàn the và Acid Boric trong bất kỳ loại thực phẩm nào với bất kỳ liều lượng nào.
Hàn the dùng ngoài cũng cần được kiểm soát cẩn thận.
7 Hàn the có bị cấm không? Mua hàn the ở đâu?
Hàn the bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm với bất kỳ liều lượng nào. Các triệu chứng ngộ độc hàn the bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn,...
Tuy nhiên, hàn the có nhiều ứng dụng khác trong đời sống như dùng làm thuốc diệt nấm mốc, thuốc trừ sâu,... nên không bị cấm buôn bán. Do đó, bạn có thể mua hàn the ở các cửa hàng tạp hóa, qua các sàn thương mại điện tử,...
8 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Hàn the, trang 1039-1040. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024.
Tác giả Malinee Pongsavee (Ngày đăng năm 2009). Effect of borax on immune cell proliferation and sister chromatid exchange in human chromosomes, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024.