- “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” là gì?
- Sông càng sâu càng tĩnh lặng
- Lúa càng chín càng cúi đầu
- Ý nghĩa “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
- Nguồn gốc câu nói “Lúa chín cúi đầu”
- Bài học cuộc sống từ câu nói “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
- Ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu nói hay về sự khiêm tốn
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường nghe thấy hoặc đọc được những câu như: Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu; Lúa chín cúi đầu, người khiêm ít tiếng. Vậy có khi nào ta tự hỏi những câu nói ấy có nghĩa là gì hay không? Cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn về câu nói “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” trong bài viết sau đây nhé!
“Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” là gì?
“Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi cầu” thường được kết hợp cùng nhau trong ngôn ngữ đời sống hàng ngày. Thế nhưng, thực tế đây lại là hai câu thành ngữ riêng biệt, do giống nhau về mặt ý nghĩa ẩn dụ nên nhiều người đã ghép hai câu thành một như hiện nay.
Sông càng sâu càng tĩnh lặng
Sông càng sâu càng tĩnh lặng, đó là bản chất tự nhiên của tất cả dòng sông đang chảy trên hành tinh này. Trong hàng vạn con sông, chỉ có những con sông sâu, biết “hạ mình xuống” thì vạn con sông khác mới róc rách chảy về, để nó càng có thêm được nhiều nước hơn.
Trên mặt nước cho dù có “phong ba bão táp” làm sóng trào dâng cuồn cuộn thì những dòng nước ở sâu phía dưới vẫn luôn duy trì tốc độ chảy chậm rãi, thong dong… Và chính vì thế, nó mới dễ lắng đọng phù sa để bồi đắp cho hai bên bờ xanh tươi tốt.
Lúa càng chín càng cúi đầu
Cũng giống như “sông sâu tĩnh lặng”, lúa chín sẽ cúi đầu, đây là bản chất cũng là quy luật của tự nhiên. Khi lúa còn xanh, lúa ngẩng cao đầu chót vót, nhưng bên trong chẳng có gì ngoài hương thơm của lúa non.
Về sau, khi đã trải qua quá trình tích lũy dinh dưỡng, mưa nắng bão bùng, bông lúa dần nặng hạt, những hạt lúa xanh chuyển sang màu vàng óng ả. Đó cũng là lúc những bông lúa chín vàng cúi đầu dần xuống như tỏ lòng biết ơn đất trời.
Ý nghĩa “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
Ý nghĩa câu nói “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” giống như nhịp điệu của cuộc sống chậm rãi và sự trưởng thành của con người.
Bức tranh “Sông sâu tĩnh lặng” đưa ta vào một thế giới của sự bình yên và tĩnh lặng. Dòng nước không vội vã, không biết đến những sóng gió, nó chỉ tập trung vào sự luân phiên chảy trôi của mình, mang theo cuộc sống.
Có lẽ, sự tĩnh lặng này ẩn dụ hình ảnh một loại bình an mà mỗi người chúng ta đều mong ước. Trong những khoảnh khắc, phút giây thư thái, ta có cơ hội để dừng lại, ngẫm nghĩ trong sự tĩnh lặng và lắng nghe tiếng nói bên trong tâm hồn mình.
Khi nhìn đến hình ảnh “Lúa chín cúi đầu”, ta như được đưa đến một vùng đất của sự khiêm tốn. Lúa, dù đã đạt đến đỉnh cao của sự trưởng thành vẫn không hề tỏ ra kiêu ngạo, nó chỉ mỉm cười cúi đầu trước vẻ đẹp của tự nhiên và những ân huệ mà thiên nhiên ban tặng. Hình ảnh như muốn nhắn gửi đến ta rằng, thành công không bao giờ đến từ kiêu ngạo, mà chính từ khiêm tốn và tôn trọng.
Sự kết hợp giữa hai câu nói như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại là một sự hòa quyện hoàn hảo của bình yên và khiêm tốn. Chúng ta, đôi khi cần phải dừng lại, sống chậm đi để tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn, và đôi khi ta cần cúi đầu trước những thành quả mà cuộc sống mang lại.
Nguồn gốc câu nói “Lúa chín cúi đầu”
“Sông sâu tĩnh lặng” và “Lúa chín cúi đầu” là hai câu nói riêng lẻ được kết hợp lại với nhau bởi ý nghĩa của chúng tương đồng và bổ trợ cho nhau.
Khi tìm hiểu về nguồn gốc của hai câu trên, nhiều tài liệu ghi chép, “Sâu sông tĩnh lặng” là câu nói của cổ nhân và những tư liệu liên quan về câu nói này rất hiếm hoi.
Riêng “Lúa chín cúi đầu”, đây là một câu nói xuất phát từ ngạn ngữ trong tiếng Nhật: 実るほど頭を垂れる稲穂かな, có nghĩa đen là “Bông lúa chín là bông lúa biết cúi đầu”.
Người Nhật thường dạy trẻ em về triết lý cây lúa, khi còn là hạt lép phải ngóc đầu lên, lúc chín thì trĩu xuống. Nghĩa là, khi khó khăn, đói nghèo phải biết vượt khó vươn lên, đến khi no đủ giàu sang, thành công thì phải biết khiêm nhường, không được tự cao kiêu ngạo.
Ngoài ra, câu nói trên còn có một cách hiểu khác là: Con người nên học cách nói ít làm nhiều, phải biết cách tạo ra giá trị chứ không phải buông những lời sáo rỗng. Người càng giỏi càng biết khiêm tốn và càng khiêm tốn lại càng giỏi.
Bài học cuộc sống từ câu nói “Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu”
“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” là câu nói hàm chỉ những người tài giỏi, họ sống ung dung, thản đảng. Rõ ràng, người càng thông minh sẽ biết sống khiêm nhường. Họ luôn biết rõ lúc nào nên nói và lúc nào thì cần sự im lặng.
Sống trên đời, chúng ta cần phải xem sự hiểu biết của con người là hữu hạn, có những thứ thuộc sở trường ta có thể rất giỏi, nhưng cũng có những chuyện ta rất dỡ, giống như việc núi này cao thì sẽ có núi khác cao hơn.
Lúc còn trẻ, chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm, điều này khiến ta dễ mắc sai lầm. Khi đã trải qua nhiều vấp ngã, chông gai, ta sẽ học được cách tự đứng lên, học hỏi từ những thất bại để trưởng thành hơn. Lúc đó, ta cũng biết được bản thân phải làm gì để có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Trưởng thành là một quá trình đầy chông gai, nhưng nó sẽ cho ta có thêm trí tuệ, sự hiểu biết, bản lĩnh, kiên cường để từ đó ta sẽ có được dũng khí đối mặt và vượt qua nghịch cảnh với tâm thái bình thản hơn.
Khi trưởng thành, ta sẽ biết khi nào cần tĩnh, khi nào cần động, khi nào cần yên lặng, khi nào cần lên tiếng và một khi lời nói đã thốt ra là đều có “trọng lượng", chứ không phải là những lời nói suông, sáo rỗng.
“Động” và “tĩnh” hay “nhanh” và “chậm” là thuộc về lý tương sinh tương khắc, đất trời cũng vì có chúng mà trở nên cân bằng. “Động” sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, “tĩnh” mới có thể lâu dài. Cho nên, người xưa có câu “tĩnh lặng mới có thể đi xa”.
Và khi trưởng thành có trí tuệ, ta sẽ biết cách nỗ lực trong âm thầm lặng lẽ, để thành công tự “lên tiếng” chứ không cần phải khoe khoang. Người biết mình, biết ta, sống khiêm nhường nghiêm cẩn sớm muộn sẽ nên thành tựu.
Quan trọng hơn hết, càng đứng trên “đỉnh vinh quang” thì càng phải khiêm tốn, phải coi mình chỉ là một hạt cát nhỏ giữa sa mạc bao la, vẫn luôn cần học hỏi thêm nhiều điều hay nữa trong cuộc đời để hoàn thiện mình hơn.
Ca dao tục ngữ, thành ngữ, câu nói hay về sự khiêm tốn
Cuộc sống này là của chúng ta, sống như thế nào là do chính ta lựa chọn, miễn điều đó mang lại cho ta hạnh phúc và sự bình yên. Cùng đến với một số câu nói hay, ca dao tục ngữ, thành ngữ về sự khiêm tốn hay và ý nghĩa:
1. Khiêm tốn bao nhiêu vẫn thấy thiếu
Tự kiêu một chút đã thấy thừa.
2. Sông càng sâu càng tĩnh lặng
Lúa càng chín càng cúi đầu.
3. Người giỏi thật sự luôn khiêm tốn
Kẻ thiếu năng lực thường ba hoa.
4. Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao.
5. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
6. Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại.
7. Nước sâu tĩnh lặng, người khôn kiệm lời.
8. Sông càng sâu càng tĩnh lặng, người càng trí càng tĩnh tâm.
9. Làm người, điều tốt nhất chính là hiểu được tôn trọng. Cho dù bị đối xử thế nào, bạn nhất định phải biết kiềm chế, không nên khoe mẽ hay thể hiện bản thân. Bên ngoài bầu trời còn có bầu trời khác, trên người tài còn có người tài hơn, bởi thế gian này không chỉ riêng bạn đang tồn tại.
10. Làm người, hãy học cách im lặng, đừng nói lời xấu về người, chỉ cần làm tốt việc của mình là đủ. Không cần sâu sắc, chỉ cần đơn giản.
11. Nhân sinh cũng giống như ly trà, đong đầy cũng tốt mà vơi nữa cũng chẳng sao, cần gì phải tranh giành? Nồng đậm cũng tốt mà nhạt nhẽo cũng được, vẫn đều có hương vị riêng. Vội vã cũng tốt mà chậm rãi cũng được, vậy thì đã làm sao? Ấm áp cũng tốt mà lạnh lẽo cũng được, chỉ cần nhìn nhau cười một cái thôi.
Cuộc sống này bởi vì nghi ngờ nên mới tổn thương; vì để tâm nên mới đau khổ; vì xem nhẹ nên mới vui vẻ; vì đạm bạc nên mới hạnh phúc. Chúng ta đều là những vị khách qua đường của đất trời, có rất nhiều việc không thể tự mình làm chủ, vậy nên hãy cứ để “vạn sự tùy duyên” đi.
12. Hãy nói những lời chân thật, hòa thuận để mọi người không bị hiểu lầm và hận thù nhau. Hãy nói những lời tha thứ, xây dựng tình thương để cuộc đời bớt đau thương và mọi người sống vui vẻ bên nhau. Và hãy nói những lời trong sáng để tình người mãi đẹp về sau.
13. Sống ở đời, bạn giỏi kiến thức, bạn thông minh chưa bao giờ là đủ, sống có đức độ, khiêm nhường, bao dung mới là người có trí tuệ. Nên nhớ: Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu, nước sâu tĩnh lặng người khôn kiệm lời.
“Sông sâu tĩnh lặng lúa chín cúi đầu” mang đến một bài học ý nghĩa về đức tính khiêm cung của con người. Người thông minh chọn cách sống điềm tĩnh, bao dung và tha thứ cho tất cả, bởi họ biết chỉ có như thế thì cuộc đời mới thật sự bình yên.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.