Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), u sầu là một từ cũ để chỉ chứng trầm cảm. Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5) coi u sầu là triệu chứng của chứng trầm cảm lâm sàng nặng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ủng hộ việc phân loại u sầu là một loại trầm cảm riêng biệt, gọi là trầm cảm u sầu. Cùng ECO Pharma tìm hiểu về loại trầm cảm nguy hiểm này sau đây.
Trầm cảm u sầu là gì?
Trầm cảm u sầu là một loại trầm cảm nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu cho rằng loại trầm cảm này chủ yếu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Khoảng 25% - 30% những người sống chung với bệnh trầm cảm mắc loại này. Trầm cảm u sầu có thể khó điều trị hơn vì nó không đáp ứng tốt với phương pháp điều trị trầm cảm khác như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), liệu pháp trò chuyện và nhập viện để điều trị. (1)
Trầm cảm u sầu có nguy hiểm không? Ảnh hưởng gì đến cuộc sống?
Đây là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần. Sau đây là một số điều ảnh hưởng đến cuộc sống có thể xảy ra:
- Giảm cân.
- Thường xuyên bị ốm.
- Giảm hoạt động thể chất và tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.
- Rối loạn sử dụng rượu hoặc không thể kiểm soát tần suất uống rượu.
- Tự làm hại bản thân.
- Nghĩ đến tự tử, cố gắng tự tử.
- Các vấn đề trong công việc, trường học.
- Vấn đề về mối quan hệ.
- Các cơn hoảng loạn thường xuyên, bất ngờ. (2)
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm u sầu
Những thay đổi trong não bộ và nội tiết tố có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm u sầu. Vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận và các vùng não khác liên quan đến trí nhớ, suy nghĩ và điều chỉnh cảm xúc có thể không hoạt động bình thường. Con đường này được gọi là trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận (HPA). Các tuyến này giải phóng các hóa chất điều chỉnh căng thẳng và sự thèm ăn.
Đối với chứng trầm cảm u sầu, người bệnh có thể có mức cortisol cao, một loại hormone steroid tuyến thượng thận tạo ra khi cơ thể bị căng thẳng. Trục HPA điều chỉnh quá trình này và có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm sự thèm ăn, quá trình trao đổi chất và trí nhớ. Người bệnh cũng có thể có những thay đổi trong các tín hiệu não được gọi là tế bào thần kinh. Những tín hiệu này ảnh hưởng đến cách phản ứng với môi trường xung quanh. Vì thế, người ta tin rằng trầm cảm u sầu có nguyên nhân lớn từ các yếu tố sinh học của cơ thể. (3)
Dấu hiệu dễ nhận biết trầm cảm u sầu
Những người mắc bệnh này có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Cảm giác buồn bã tột độ dai dẳng trong thời gian dài.
- Mất hứng thú với những hoạt động trước đây từng thích.
- Thiếu năng lượng, cảm thấy mệt mỏi.
- Cảm thấy lo lắng hoặc cáu gắt.
- Ăn quá nhiều hoặc quá ít.
- Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
- Cảm thấy thay đổi trong hoạt động cơ thể (ví dụ, rung chân khi trước đây không có thói quen này).
- Khó tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định.
- Suy nghĩ hoặc nói về cái chết hoặc tự tử.
- Cố gắng tự tử.
- Mất hứng thú với tất cả hoặc hầu hết các hoạt động hàng ngày.
- Không phản ứng với các tin tức và sự kiện tích cực.
- Cảm giác tuyệt vọng và vô giá trị sâu sắc.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Giảm cân đáng kể.
Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 70% những người mắc phải tình trạng này cũng có thể bị đau cơ xương.
Chẩn đoán bệnh trầm cảm u sầu như thế nào?
Bác sĩ bắt đầu bằng việc đánh giá bản chất, mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các triệu chứng, bằng việc hỏi một số câu hỏi như:
- Thói quen hàng ngày có thay đổi không?
- Bạn có khó khăn khi ra khỏi giường vào buổi sáng không?
- Bạn ngủ thế nào?
- Bạn có cảm thấy khó tập trung không?
- Các triệu chứng có tệ hơn vào buổi sáng không?
- Có cách nào giúp cải thiện tâm trạng của bạn không?
- Bạn có còn thích những việc mình từng thích làm không?
Bác sĩ cũng sẽ đánh giá sức khỏe thể chất và có thể thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu để kiểm tra xem các triệu chứng có liên quan đến một số loại tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hay không.
Các phương pháp điều trị trầm cảm u sầu hiệu quả
Người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
1. Sử dụng thuốc điều trị
Đối với chứng trầm cảm u sầu, thuốc thường là một phần của phác đồ điều trị vì người ta tin rằng bệnh này có nguồn gốc sinh học. Nói cách khác, vì bệnh này thường không do các yếu tố bên ngoài gây ra nên nguyên nhân của bệnh chủ yếu là do cấu tạo gen và chức năng não, cần phải có thuốc tác động lên các nguyên nhân sinh học. Các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng để điều trị trầm cảm u sầu bao gồm:
- Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI): Các loại thuốc này hoạt động bằng cách thay đổi cách chất dẫn truyền thần kinh serotonin hoạt động trong não, làm cải thiện tâm trạng. Các loại phổ biến bao gồm Paxil (paroxetine), Prozac (fluoxetine), Zoloft (sertraline) và Lexapro (escitalopram).
- Thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin-Norepinephrin (SNRI): SNRI ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của cả serotonin và norepinephrine trong não. Các loại phổ biến là Effexor (venlafaxine) và Cymbalta (duloxetine).
- Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamine (NDRI): Wellbutrin (bupropion) là loại thuốc duy nhất trong nhóm này có tác dụng lên norepinephrine và dopamine.
- Thuốc chống trầm cảm không điển hình: Những loại thuốc này ảnh hưởng đến các chất hóa học trong não, cải thiện tâm trạng. Ví dụ về các loại thuốc trong danh mục này là Oleptro (trazodone), Trintellix (vortioxetine), Remeron (mirtazapine) và Viibryd (vilazodone).
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Đây là thuốc chống trầm cảm thế hệ đầu tiên và có thể có nhiều tác dụng phụ hơn các loại thuốc mới hơn. Nhóm này bao gồm Pamelor (nortriptyline), Tofranil (imipramine) và amitriptyline.
- Thuốc ức chế Monoamine Oxidase (MAOI): Đây là một nhóm thuốc chống trầm cảm cũ khác có thể có tác dụng phụ nhưng có thể là lựa chọn tốt cho một số trường hợp. Các loại thuốc chính trong nhóm này là Nardil (phenelzine), Parnate (tranylcypromine) và Marplan (isocarboxazid).
2. Thực hiện tâm lý trị liệu
Đây là quá trình điều trị các rối loạn tâm lý bằng các kỹ thuật ngôn từ và tâm lý. Liệu pháp tâm lý là một hình thức điều trị hiệu quả cho chứng trầm cảm vì nó giúp người bệnh tìm hiểu sâu hơn về những lý do tiềm ẩn gây ra trầm cảm. Có nhiều hình thức tâm lý trị liệu, việc tìm ra loại liệu pháp tâm lý nào là tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, sở thích cá nhân và mục tiêu trị liệu của bạn.
3. Thay đổi lối sống tích cực hơn
Người bệnh cần cố gắng thay đổi lối sống tích cực hơn, kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bệnh thuyên giảm nhanh chóng hơn.
Tập thể dục có thể đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần và thậm chí có thể làm giảm các triệu chứng của các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu. Tập thể dục giúp thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh mới ở các vùng chính của não, bao gồm cả hồi hải mã. Nghiên cứu cho thấy điều này có thể đóng vai trò làm giảm các triệu chứng của trầm cảm và lo âu. Người bệnh có thể tập yoga, thái cực quyền, các bài tập aerobic kéo dài từ 10 - 15 tuần để cải thiện sức khỏe tâm thần.
Những thực phẩm tiêu thụ ảnh hưởng trực tiếp đến não và tâm trạng. Não hoạt động tốt nhất khi được cung cấp thực phẩm chất lượng cao nuôi dưỡng não, giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Người bệnh cần ăn các loại thực phẩm thực vật như quả việt quất, nho tím, cà tím, mận, quả óc chó. Các loại hải sản và trứng cũng rất cần thiết cho người mắc bệnh trầm cảm.
Người bệnh cần thực hành thiền thường xuyên. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền có thể có cả tác động sinh lý và tâm lý. Một số tác động sinh lý tích cực bao gồm giảm trạng thái kích thích về thể chất, giảm nhịp thở, giảm nhịp tim, thay đổi trong các mẫu sóng não và giảm căng thẳng. Người thực hành thiền sẽ quản lý tốt hơn các triệu chứng liên quan đến rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về đau nhức và huyết áp cao. Người bệnh có thể thiền 5 - 10 phút vào sáng sớm, kiên trì thực hiện để thấy hiệu quả.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống tích cực bằng cách cố gắng trò chuyện, sẻ chia nhiều hơn với gia đình, người thân. Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Cố gắng ngủ đủ từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm; Không tiếp xúc với phim ảnh có tính chất bạo lực, sợ hãi, có thể tác động xấu đến tâm trạng.
4. Thăm khám với bác sĩ để được tư vấn
Trầm cảm không chỉ là cảm giác buồn bã thông thường mà là một căn bệnh ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần. Việc thăm khám bác sĩ khi gặp phải những dấu hiệu của trầm cảm là vô cùng quan trọng.
Người bệnh cần thăm khám để được chẩn đoán chính xác. Có nhiều tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự trầm cảm như rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực hoặc các vấn đề sức khỏe thể chất. Bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp cần thiết để xác định chính xác tình trạng của bạn và loại trừ các nguyên nhân khác.
Thăm khám giúp đánh giá mức độ trầm cảm, từ nhẹ đến nặng. Việc chẩn đoán chính xác mức độ trầm cảm sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp từ đó lập kế hoạch điều trị hiệu quả. Điều trị trầm cảm thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm dùng thuốc, tâm lý trị liệu, điều chỉnh lối sống.
Mỗi người có thể phản ứng với các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng hiện tại. Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của bạn để đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị và điều chỉnh nếu cần thiết.
Làm thế nào để phòng ngừa chứng trầm cảm u sầu?
Để phòng ngừa bệnh và nâng cao sức khỏe tổng thể, bạn cần áp dụng kết hợp những điều sau:
- Tập thể dục: Đặt mục tiêu hoạt động thể chất 30 phút từ 3 đến 5 ngày một tuần. Tập thể dục có thể làm tăng sản xuất endorphin của cơ thể, đây là loại hormone giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
- Tránh sử dụng rượu và chất gây nghiện: Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khác có thể khiến bạn cảm thấy tốt hơn trong một thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài, những chất này có thể gây ra các vấn đề về thể chất và tâm lý, trong đó có trầm cảm.
- Chăm sóc bản thân: Bạn cũng có thể ngăn ngừa trầm cảm bằng cách chăm sóc bản thân. Điều này bao gồm ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tránh xa những người tiêu cực, kết nối với gia đình, bạn bè và tham gia vào các hoạt động xã hội thú vị. Phụ nữ có thể bổ sung tinh chất Lepidium Meyenii hỗ trợ cân bằng nội tiết tố Estrogen, Progesterone và Testosterone, từ đó cải thiện hiệu quả các vấn đề như lo âu, trầm cảm, đặc biệt trong thời kỳ tiền mãn kinh - mãn kinh.
- Thực hành suy nghĩ tích cực: Tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống và nhìn vào những khía cạnh tích cực của mọi tình huống. Tìm những hoạt động giúp bạn thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, yoga, thiền định. Áp dụng các kỹ thuật như hít thở sâu, thư giãn cơ bắp để giảm căng thẳng.
Địa chỉ khám bệnh trầm cảm u sầu ở đâu uy tín?
Khi nghi ngờ có các triệu chứng trầm cảm, người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên môn, trình độ cao để được thăm khám, đánh giá mức độ và có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi có nhiều ưu điểm trong việc điều trị trầm cảm như áp dụng phương pháp tham vấn, trắc nghiệm hoặc trị liệu cho từng người bệnh theo phác đồ riêng biệt. Tiếp cận hiệu quả trẻ nhỏ bằng liệu pháp vẽ tranh, trò chơi, âm nhạc và tuyệt đối bảo mật thông tin khách hàng.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 - 024 7106 6858
- HCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 - 0287 102 6789
- Fanpage: facebook.com/benhvientamanh
- Website: tamanhhospital.vn
Trầm cảm u sầu là một căn bệnh cần được xã hội quan tâm và người bệnh cần được điều trị đúng cách. Nếu bạn đang cảm thấy buồn bã, cô đơn và tuyệt vọng, hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người thân yêu, chuyên gia tâm lý hoặc các tổ chức hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, việc kết hợp ăn uống lành mạnh, tránh chất kích thích, tập thể dục, giảm stress, thực hành thiền cũng là những điều cần thực hiện trong quá trình vượt qua căn bệnh này.