Từ xa xưa, cổ nhân đã có câu ca dao: "Trai Đinh Nhâm Quý thì tài, gái Đinh Nhâm Quý thì hai lần đò". Vậy quan niệm những người con trai sinh vào các năm Đinh, Nhâm, Quý sẽ là người tài năng liệu có đúng?
"Trai Đinh Nhâm Quý thì tài" nghĩa là sao?
Quan niệm "Trai Đinh Nhâm Quý thì tài, gái Đinh Nhâm Quý thì hai lần đò" trên thực tế đã xuất phát từ xa xưa trong dân gian và vẫn được ghi nhớ đến tận bây giờ, gây không ít phiền phức cho nhiều người.
Thạc sĩ Vũ Đức Huynh - tác giả của gần chục cuốn sách về tử vi, tướng số cho rằng, từ xa xưa, các nhà tử vi đã tổng hợp trên cơ sở 60 năm (lục thập hoa giáp) và đưa ra nhận định chung về tính cách, năng lực, tình cảm, trí tuệ của từng năm tuổi.
“Theo kết quả thống kê này thì phụ nữ có can Đinh, Nhâm, Quý thường không mấy suôn sẻ chuyện tình duyên. Chẳng hạn, nữ tuổi Đinh Sửu thường trăng hoa, Đinh Mão thì nhiều đời chồng, Nhâm Dần xung khắc hoặc cách trở tình duyên, Nhâm Tuất khắc phu, Quý Tỵ nhiều đời chồng.
Trong khi nam giới ở những tuổi đó thường là tốt đẹp. Nam tuổi Đinh Sửu sẽ sáng suốt, Đinh Mão mưu trí, Nhâm Dần có chức quyền, Nhâm Tuất vinh hiển, Qúy Tỵ thông minh, dễ thăng quan”, ông Huynh cho hay.
Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội. Những cô dâu tuổi Đinh Nhâm Quý thường phải kết hôn 2 lần, trong khi đó, cứ đến năm "lợn vàng (Đinh Hợi)" hay "rắn vàng (Quý Tỵ)" là người ta lại "đua nhau" sinh con trai, những mong con lớn lên sẽ tài giỏi, có cuộc sống an nhàn, sung sướng.
Vậy, quan niệm "Trai Đinh Nhâm Quý thì tài" liệu có đúng?
Theo ông Vũ Quốc Trung, người có nhiều năm nghiên cứu về tử vi, kinh dịch cho rằng, để lý giải câu nói "Trai Đinh Nhâm Quý thì tài" còn phải dựa trên thuyết Âm Dương ngũ hành.
“Con người có hai bản thể tự nhiên do cha mẹ, trời đất sinh ra hay còn gọi là tiên thiên và bản thể tự nhiễm (sống trong hoàn cảnh, môi trường nào thì sẽ bị chi phối, tác động bởi chính hoàn cảnh, môi trường ấy, còn gọi là hậu thiên). Trong cổ học thì tiên thiên và hậu thiên có mối quan hệ qua lại với nhau. Tiên thiên tốt là tiền đề cho hậu thiên phát triển. Thế nhưng dù có sinh ra vào ngày giờ đẹp, mang can đẹp mà không có sự giáo dục, quan tâm chu đáo của gia đình thì cũng sẽ khó mà thành đạt”, ông Trung khẳng định.
Theo các thuyết này, hệ Can chi được chia ra như sau: Giáp - dương, Ất- âm, đều thuộc Mộc; Bính - dương, Đinh - âm, đều thuộc Hoả; Mậu - dương, Kỷ - âm, thuộc Thổ; Canh - dương, Tân - âm thuộc Kim; Nhâm - dương, Quý - âm thuộc Thủy.
Tương tự, 12 địa chi cũng chia ra làm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất - dương; Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi - âm. Trong đó, Tý, Hợi phương Bắc thuộc Thủy, Tỵ - Ngọ phương Nam thuộc Hỏa, Mão - Dần phương Đông thuộc Mộc, Dậu - Thân phương Tây thuộc Kim, còn hành Thổ ở chính giữa.
Theo quy luật, một can phải có âm dương hài hòa. Nếu đồng khí (cùng dương hoặc cùng âm) thì đẩy nhau. Do đó, phải có dương có âm và theo quy luật tương sinh mới tốt.
Vậy, ta có thể hiểu như sau: Nói “Trai Đinh Nhâm Quý thì tài” là vì bản thân nam giới đã là dương rồi. Nếu mang can Đinh hoặc Quý là âm thì sẽ hài hòa âm dương. Ngược lại, vì nữ là âm, kết hợp với can Đinh hoặc Quý cũng là âm thì sẽ đồng khí, đẩy nhau, không tốt.
Riêng với canh Nhâm thì Nhâm là dương, kết hợp với các chi Thân, Ngọ, Thìn, Dần, Tý, Tuất cũng là dương. Thế nhưng, Nhâm lại thuộc hành Thủy (âm) nên vẫn tốt đối với nam giới.
Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Trung cũng nhấn mạnh: “Câu ca trên chẳng qua là sự suy luận logic theo cổ học chứ thực tế không hẳn vậy. Nó không áp dụng cho tất cả những ai sinh ra ở ba can đó và chỉ mang tính ước lệ mà thôi”.
Lý giải việc vì sao chỉ nói đến ba can Đinh, Nhâm, Quý mà không nói đến các can còn lại (Giáp, Ất, Bính, Mậu, Kỷ, Canh, Tân), ông Trung cho rằng, vị trí của 12 chi là vị trí cố định theo hai trục Tý (Thủy) - Ngọ (Hỏa) là trục tung và Mão (Mộc) - Dậu (Kim) là trục hoành. Tương tự, các can cũng chia trục như thế: Bính và Đinh thuộc Thủy, Nhâm và Quý thuộc Hỏa sẽ là trục tung. Trong khi đó, Thổ ở trung tâm. Vậy nên, người ta sẽ chỉ tính trục quan trọng hơn là trục Thủy - Hỏa (Bắc - Nam) chứ không xét trục Mộc - Kim (Đông - Tây). “Điều đó lý giải vì sao người ta sẽ chỉ xét ở ba can Đinh, Nhâm, Quý chứ không xét rộng sang các can khác”, ông Trung khẳng định.