Nhân đọc bài “Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt“ được đăng bởi bác Hà Thủy Nguyên trên blog Book Hunter Club, tôi xin mạn phép có một vài suy ngẫm và ý kiến về vấn đề này.
Trước tiên, tôi phải nói tôi viết bài này trên quan điểm của một người Việt nói tiếng Việt, yêu tiếng Việt, tôn trọng tiếng Việt và là người sử dụng tiếng Việt một cách chân chính. Tôi cũng nói luôn rằng từ trước đến nay tôi chưa bao giờ cầm lên tay bất kỳ cuốn từ điển tiếng Việt nào để tra cứu cả, nhưng tôi tin vào nền tảng tiếng Việt vững chắc từ vốn sống (vốn nói + vốn đọc) đã được trau dồi, phát triển trong quá trình đi học, đi làm cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác của mình.
Bây giờ, tôi quay lại vấn đề: tiếng Việt hiện nay đang được sử dụng như thế nào? Đây là chủ đề đã được dư luận rất quan tâm trong nhiều năm trở lại đây, tôi cũng là một trong số đó. Bác Nguyên này đã viết trong phần mở đầu của mình như sau: “Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ.” Không sai, một bộ phận giới trẻ người Việt ngày nay đang sử dụng tiếng Việt theo chiều hướng thụt lùi về hiểu biết và suy giảm về trách nhiệm khi sử dụng nó. Nói rộng ra hơn nữa về phạm vi đối tượng của bài viết trên thì không chỉ có giới trẻ mà nhiều người Việt xưa nay thậm chí vẫn hay mắc phải những lỗi về chính tả, ngữ nghĩa dẫn đến sử dụng ngôn từ lệch lạc.
Tôi xin phép được chia đối tượng sử dụng tiếng Việt ra thành 2 nhóm như sau: nhóm sử dụng tiếng Việt nghiêm túc và nhóm sử dụng tiếng Việt thiếu trách nhiệm. Trên cơ sở này, tôi lại chia nhỏ ra nữa theo sơ đồ sau:
Tôi xin nói rõ rằng sơ đồ này chỉ chia nhóm rất tổng thế chứ không chi tiết vì mục đích phân tích của tôi chỉ cần đến đây thôi. Có một điểm của sơ đồ này tôi cần giải thích, đó là nhóm (1.2) và (2.2). Hai nhóm này về biểu hiện ra bên ngoài là giống nhau, nhưng về nguồn gốc suy nghĩ là khác nhau:
(1.2) - nhóm người này luôn tôn trọng tiếng Việt, muốn sử dụng tiếng Việt đúng chính tả và ngữ nghĩa nhưng không nắm rõ hết từ vựng tiếng Việt nên vô tình mắc lỗi mà không biết. Có đôi ba lần một vài người bạn của tôi vẫn thắc mắc với tôi là không biết chữ này họ viết như vậy có đúng chính tả hay không, chữ kia họ dùng như thế có đúng hoàn cảnh hay không, vân vân và vân vân. Ví dụ: “trầy xước” hay “trầy sước”; “hào sảng” dùng như thế nào,…
(2.2) - nhóm này thì chỉ đơn giản là nghe sao, biết sao thì viết vậy, họ cũng không nắm rõ hết từ vựng tiếng Việt nên vô tình mắc lỗi mà không biết. Tuy nhiên, họ khác nhóm (1.2) ở chỗ họ không bận tâm như vậy đúng hay sai, họ chỉ xem đó như một phương tiện thể hiện suy nghĩ và truyền tải thông tin, người ta đọc vào hiểu là được. Tôi cũng có vài người bạn thuộc nhóm này, họ viết sai, tôi chỉnh, họ chỉ cười giả lả cho qua chuyện hoặc cười cợt vào việc tôi sửa họ, sau đấy chả có biểu hiện rút kinh nghiệm gì cả.
Tuy nhiên, đối với tôi, nhóm (2.2) có thể được cải tạo thành nhóm (1.2) và nếu may mắn họ có thể thành (1.1). Riêng cái nhóm (2.1) là cái nhóm sâu mọt của tiếng Việt và khó cải tạo vì lớp người này đã bị hổng kiến thức tiếng Việt trầm trọng rồi.
Thế nhưng, trong bài viết phê phán trên, tôi nhận thấy đối tượng mà bác Nguyên chỉ trích một cách gay gắt lại là đối tượng thuộc nhóm (1). Tôi đặc biệt lưu ý thế này, bác này thuộc loại (1.1) rồi, nhưng như tôi đã nói, trong đấy lại còn cả tỉ thể loại nữa kia. Ví dụ như tôi đây, thỉnh thoảng cũng có bóp méo tiếng Việt đôi chút chỉ với mục đích vui vẻ là chính, nhưng tôi ý thức được hành động đó của mình. Tôi phải thừa nhận tác giả bài viết trên có lượng kiến thức toàn diện về tiếng Việt đấy nhưng tôi tiếc là bài phân tích trên về nội dung có sâu nhưng không có sắc, luận điểm có sắc nhưng không có bén. Tôi chẳng phải chuyên gia Hán, Nôm như bác nhưng tôi không để cho tiếng Việt của tôi bị trói chân trói tay, bị kẹp cổ bịt mắt như bác.
Bác đưa ra những ví dụ chữ Hán chữ Nôm gì gì đấy, rồi bảo là nhiều người áp dụng sai sang tiếng Việt. Thế chữ Hán ban đầu được sinh ra dựa vào cái gì? Người Việt không có quyền sinh ra chữ mới, không được vận dụng sáng tạo ngôn ngữ của mình à? Mấy cuốn từ điển ngoại ngữ vẫn phải thường xuyên tái bản và thêm từ mới đấy thôi. Bác này chẳng lẽ không hiểu sự khác nhau giữa bóp méo tiếng Việt và phát huy tiếng Việt. Thậm chí ngay cả ngôn từ trong quảng cáo, bác cũng bắt người ta phải diễn giải luộm thuộm một cách nực cười mới chịu. (Ví dụ: “Đệ nhất thác” thì phải là “Nơi đây có thác đẹp nhất”).
Tôi đồng ý với bác là sử dụng tiếng Việt phải chuẩn, nhưng chuẩn ở đây không phải là đúng hay sai nữa, mà là có hợp lý hay không. Nếu người ta đã viết đúng chính tả, nói đúng hoàn cảnh và ai đọc cũng hiểu thì sao lại là “kệch cỡm” và “tư duy tạm bợ”? Tôi thấy buồn vì bác học nhiều nhưng hiểu không rộng, bác Nguyên ạ. Khoe kiến thức cũng có 5, 7 đường, không phải bằng cách nhổ toẹt vào những người sử dụng tiếng Việt chân chính như thế.
Bản thân tôi, tôi vẫn sẽ trân trọng tiếng Việt và trân trọng những người sử dụng tiếng Việt một cách có suy nghĩ để duy trì nét đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt.