Chứng khoán | 25/01/2024
Throwback là gì? Throwback khác Pullback như thế nào?
Throwback là hiện tượng giá điều chỉnh giảm trước khi quay trở lại xu hướng tăng. Đây là hiện tượng thường xuyên xuất hiện trong quá trình giao dịch. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về khái niệm Throwback là gì và những vấn đề xoay quanh hiện tượng này nhé!
Throwback là gì?
Throwback dịch sang nghĩa tiếng Việt là hiện tượng “giá điều chỉnh giảm”. Khi giá phá vỡ đường kháng cự (lúc này kháng cự chuyển thành hỗ trợ) và sau đó quay đầu giảm về vùng kháng cự trước đây thì ta nói Throwback đã xảy ra.
Lúc này, giá sẽ biến động với 2 kịch bản (mà khả năng cao sẽ xảy ra)
(i) có thể suy giảm sâu hơn mức hỗ trợ hiện tại hoặc
(ii) khi chạm vùng hỗ trợ sẽ bật tăng trở lại.
Vì sao xảy ra hiện tượng Throwback?
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng Throwback được giải thích qua diễn biến tâm lý sau đây.
Khi giá chứng khoán phá vỡ (breakout) một mức kháng cự, những nhà giao dịch (trader) không lường trước được, đã bán chứng khoán trước khi breakout xảy ra. Lúc này, họ sẽ mất đi khoản lợi nhuận khá lớn vì đã “chốt lời sớm”.
Những trader “chốt lời muộn” (đã lường trước được sự bứt phá) sẽ nắm giữ chứng khoán cho đến khi giá có sự điều chỉnh hoặc khi họ đã đạt được mức lợi nhuận mong muốn (target).
Thông thường, các trader chốt lời muộn nắm giữ một lượng rất lớn chứng khoán. Vậy nên, khi họ thoát khỏi vị thế mua (bán chứng khoán) sẽ có tác động rất lớn đến xu hướng tăng giá hiện tại.
Khi việc này xảy ra, sẽ kích động các trader khác “ồ ạt” bán chứng khoán. Kết quả là khiến cho giá rớt khỏi xu hướng tăng và ngày càng giảm sâu.
Tuy nhiên, khi giá giảm về vùng kháng cự trước đó (nay chuyển thành hỗ trợ) những trader “chốt lời sớm” tin rằng, giá sẽ không thể giảm sâu hơn nữa và họ bắt đầu mua vào.
Lúc này những người ngoài cuộc (chưa nắm giữ chứng khoán) cho rằng “mức hỗ trợ hiện tại rất đáng tin cậy”. Vì vậy họ sẽ tham gia vào vị thế mua và dần tạo động lực cho giá bắt đầu một xu hướng tăng mới.
Sự khác biệt giữa Pullback và Throwback
Throwback | Pullback | |
Khái niệm | Là hiện tượng sau khi giá phá vỡ vùng kháng cự sẽ có xu hướng “điều chỉnh giảm” | Là hiện tượng sau khi giá xuyên thủng vùng hỗ trợ sẽ có khả năng “điều chỉnh tăng” |
Kháng cự và hỗ trợ | Kháng cự chuyển thành hỗ trợ | Hỗ trợ chuyển thành kháng cự |
Xu hướng trước đó | Tăng giá | Giảm giá |
Xu hướng tiếp diễn | Tăng giá | Giảm giá |
Ý nghĩa | Báo hiệu giá có khả năng bật tăng mạnh | Báo hiệu giá có xu hướng sẽ giảm sâu |
Ví dụ về Throwback và Pullback trong giao dịch
Cùng theo dõi ví dụ dưới đây để thấy rõ hơn sự khác biệt giữa Throwback và Pullback qua biểu đồ giá của cổ phiếu BSR - CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Throwback
Thời điểm đầu tháng 10/2021, sau khi giá breakout khỏi vùng kháng cự (được thiết lập bởi vùng đỉnh vào đầu tháng 8), cổ phiếu có xu hướng tăng giá rõ rệt.
Vào giữa tháng 11/2021, BSR gặp áp lực “chốt lời” lớn khiến giá giảm mạnh về vùng kháng cự trước đó. Tại đây, giá bắt đầu “ngừng rơi” và đi ngang trong suốt 2 tuần giao dịch, chính thức xác nhận kháng cự chuyển thành hỗ trợ.
Theo thuyết âm mưu, nhà tạo lập (MMs) cố tình bán ra lượng lớn cổ phiếu để ép nhà đầu tư “thoát hàng” và thực hiện “gom” lại giá rẻ.
Lượng “hàng” này đến từ những nhà đầu tư mua ở vùng giá cao, và khi giá giảm mạnh, họ sẽ không thể “gồng lỗ” mà phải bán ra để bảo toàn vốn.
Nhà tạo lập đã đạt được mục đích khi giá rớt về vùng hỗ trợ. Lúc này họ “ép giá” (cổ phiếu đi ngang trong suốt 2 tuần giao dịch) để mua vào lượng lớn cổ phiếu.
Nhận thấy có sự “bảo trợ”, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tham gia “bắt đáy”. Lực cầu cứ thế tăng cao và đẩy giá cổ phiếu lên. Đây là một cú Throwback “ngoạn mục”.
Pullback
Vùng hỗ trợ được thiết lập bởi những phiên tăng giá mạnh mẽ vào cuối tháng 05/2022 và một “đáy nhỏ” vào giữa tháng 6/2022.
Ngày 06/07/2022, BSR đã có một phiên gap-down (khoảng trống giảm giá) xuyên thủng vùng hỗ trợ, chính thức xác nhận xu hướng giảm giá ngắn hạn. Vùng hỗ trợ lúc này đã chuyển thành kháng cự.
Trong suốt một tuần sau đó, giá đã ngừng rơi và đi ngang trong biên độ hẹp. Nhờ có lực cầu bắt đáy, BSR đã có sự hồi phục nhẹ lên vùng kháng cự.
Tuy nhiên, tại vùng kháng cự, áp lực “chốt lời” gia tăng khiến cổ phiếu liên tục giảm giá và đi “dò đáy”.
Mong rằng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm Throwback là gì và có thể phân biệt được Throwback và Pullback! Theo dõi DNSE thường xuyên để cập nhật thêm kiến thức nha!