Chị Hạnh Dung thân mến,
Em theo dõi chuyên mục của chị một thời gian rồi nhưng chưa lần nào dám viết thư vì… em mang hình hài nam nhi, nhưng thật ra tâm hồn em là phụ nữ… Hiện tại em có những nỗi buồn không giãi bày được và em không biết phải làm sao.
Em hai mươi lăm tuổi, sinh ra trong một gia đình công giáo nền nếp. Nhà em có bố, mẹ và anh trai. Bố và anh trai rất giống tính nhau, đối với cả hai, điều quan trọng nhất là “làm một thằng đàn ông”. Em thì từ bé đã rất nhát, hay khóc và chỉ gần gũi được với mẹ, nên luôn có một khoảng cách vô hình với bố và anh trai.
Ảnh minh họa |
Em cũng rất muốn làm bố vui, muốn mạnh mẽ, cứng rắn, giỏi võ, ăn to nói lớn như anh trai, nhưng có lẽ do em quá nhạy cảm nên suốt ngày bị chửi là "thằng đàn bà". Năm mười tám tuổi em nhận ra mình thực sự là... đàn bà. Em học ở RMIT và đã từng có vài bạn trai, nhưng tuyệt đối không dám nói với ai, vì bố và anh rất cục tính, em sợ bị phát giác thì khó sống trong nhà...
Thế nhưng cứ phải giấu giếm, sống giả dối, em cũng không thể chịu được. Một ngày kia, em lấy hết can đảm thú nhận với gia đình. Đúng như những gì em đoán, “thằng biến thái” là cụm từ đầu tiên bố gọi em ngay hôm đó. Từ đó, mối quan hệ giữa em và bố càng tệ đi, anh trai thì luôn kiếm chuyện để chửi hoặc gây gổ với em.
Em chỉ có mẹ để thủ thỉ tâm sự, để được vỗ về, dù em cũng biết vì khác thế hệ nên mẹ không hoàn toàn hiểu được những gì em đang trải qua. Một lần, anh trai nhậu xỉn về và đánh em đến mức nhập viện. Sau đó em quyết định ra ở riêng. Tới nay là bốn năm, em không gặp bố và anh trai, chỉ lâu lâu nói chuyện hay đi ăn với mẹ.
Trong thời gian này em quen với người yêu hiện tại, tới nay đã một năm rồi. Anh là cả thế giới của em, là bờ vai, chỗ dựa, thậm chí đôi lúc em cảm thấy anh hiểu em còn hơn chính em. Em thật sự yêu anh ấy và muốn giới thiệu anh với mẹ. Em muốn làm điều này vì em cảm thấy vô cùng tự hào đã có anh trong đời.
Thế nhưng khi gặp anh, mẹ lại có phần gượng gạo, chỉ xã giao lịch sự. Trước khi về, mẹ chỉ nói nhỏ với em một câu, nhưng câu nói của mẹ khiến em đau còn hơn cả trận đòn của anh trai: “Con… phải nhớ sử dụng bao cao su nhé!”.
Ra là vậy! Với cả mẹ, em cũng chỉ là một thằng biến thái, bệnh hoạn. Cả tháng nay em cứ khóc mãi. Chị ơi, lẽ nào đời em sẽ mãi bị xã hội nhìn như một đứa lệch lạc tính dục ư?
T.H. (TP. HCM)
Em T.H. thân mến,
Chị nghĩ rằng em đủ can đảm cởi bỏ mặt nạ để nói ra sự thật về mình, thậm chí dứt bỏ gia đình để ra ngoài sống cuộc đời của mình, thì em là một người vô cùng mạnh mẽ. Những phút giây viết thư cho chị, chỉ là những yếu đuối nhất thời, khi em không được mẹ đón nhận như mong muốn thôi.
Ảnh minh họa |
Hãy hiểu cho mẹ! Với mẹ, dù sao đi nữa, điều này cũng vô cùng khó khăn. Bà đã phải vượt qua rất nhiều để chấp nhận con người thật của em. Còn thái độ lịch sự, giữ kẽ của bà bây giờ, chị nghĩ không riêng gì một tình huống đặc biệt như của em, mà bà mẹ nào cũng sẽ cư xử như thế. Họ nghi ngại, cảm thấy tổn thương vì bị người kia “cướp mất” con, họ lo lắng cho con, họ chẳng dễ dàng vui vẻ, cười nói trong một “buổi lễ” ra mắt như vậy.
Câu mẹ dặn em, chị nghĩ cũng là thông thường và đúng đắn. Bà khuyên em cũng giống như những bà mẹ khác khuyên con mình trong một tình huống như vậy thôi. Có lẽ em đã quá nhạy cảm, đến mức suy luận ra ý nghĩa câu nói ấy của mẹ theo chiều hướng xấu. Hãy hiểu và cảm thông với tâm trạng của mẹ.
Em đang có một hạnh phúc lớn, là có được người mà mình yêu thương, tin cậy, bên cạnh em trong lúc hoang mang nhất. Điều đó mới vô cùng quan trọng. Đã phải chấp nhận sự khác biệt của mình, thì đừng nghĩ người khác nói gì. Chỉ cần em tự sống tốt, sau đó làm những việc tốt giúp ích cho mọi người, em sẽ nhận được sự tôn trọng của xã hội.
Cũng nói thêm một điều là hiện nay xã hội đã có cái nhìn cởi mở và công bằng với những người như các em. Suy nghĩ như bố và anh trai em chỉ còn là bộ phận rất nhỏ. Và một điều quan trọng nhất là hầu như ai cũng thừa nhận đại đa số những người thuộc giới tính thứ ba đều có tài năng, đặc biệt trong các lĩnh vực nghệ thuật. Mong rằng em vượt qua những mặc cảm để đi tìm khả năng thật sự của mình, tự tin mà sống và yêu thương.
Hạnh Dung
Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: [email protected]
Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ Thứ 2 tới Thứ 6, trong giờ hành chánh.