Nếu tiếp cận nhiều với ngôn ngữ của gen Z, chắc hẳn bạn sẽ không còn xa lạ với cụm từ “quần què". Các bạn trẻ thường dùng cách nói này để cảm thán về một vấn đề gì đó theo hướng tiêu cực, ví dụ như chất lượng của sản phẩm, về kết quả của một công việc nào đó. Cụ thể, khi miêu tả một bài hát như “quần què", người nói đang có ý ám chỉ rằng bài hát này thực sự dở tệ. Dù được sử dụng rộng rãi, từ ngữ này không mấy được lòng nhiều người vì nghe thoạt đầu có vẻ thô tục. Vậy thực chất từ “quần què" có ý nghĩa sâu xa như thế nào mà lại được các bạn trẻ ưa chuộng trong văn nói như vậy?
“Quần què” là một từ ngữ không còn mấy xa lạ với các bạn trẻ gen Z.
“Quần què" thực ra là biến âm của từ “quần hoè", một phương ngữ đặc trưng của một bộ phận người dân Tây Nam Bộ, do đó mà không được biết đến rộng rãi. Theo dòng thời gian, “quần hòe” biến tấu thành “quần què”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và được lý giải như sau: Trước đây ở khu vực Nam Bộ tỷ lệ lưu dân người Hoa tương đối đông, nhiều lúc còn ngang ngửa với người Việt di cư từ miền Bắc xuống. Chính vì thế, do ảnh hưởng của cách đọc cũng như giao thao văn hoá nên cái quần hòe lại thường được đọc thành quần què và cách đọc này dần trở nên phổ biến hơn cả từ gốc. Cũng có ý kiến cho rằng sự biến âm này là do cách phát âm đặc trưng vốn có của người dân Nam Bộ từ xưa đến nay. Sau khi biến âm, danh từ “quần què” mang kết cấu như một từ láy, có thể đọc thuận miệng hơn bản gốc nên được ứng dụng từ đó về sau.
Vậy “quần hoè" rốt cuộc là loại quần gì? Thời xưa, quần hòe vốn được phụ nữ Nam Bộ xài khi tới tháng. Từ “hòe” được cho là “xuất thân” từ hoa hòe - loại hoa trong đông y có tác dụng cầm máu, giảm huyết áp. Tuy đến nay đã không còn được sử dụng, loại quần này vẫn còn dùng trong ngôn ngữ biểu đạt.
Theo quan niệm dân gian xưa, phụ nữ tới tháng mang ý nghĩa không tốt đẹp lắm vì cho rằng đây là giai đoạn bị trói buộc bởi những linh hồn ác, sự hổ thẹn. Niềm tin về sự “ô uế” này cũng tồn tại ở rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, tác động đến nhiều quốc gia, và Việt Nam không là ngoại lệ. Thậm chí một số người Việt tin rằng phụ nữ tới tháng thì không được đi chùa hay đến những nơi linh thiêng. Cái quần què được họ sử dụng cũng bị kết tội là thiếu sạch sẽ. Đây chính là lý do mà tại sao từ ngữ này thường được dùng để ám chỉ những sự việc có tính chất tiêu cực, câu cảm thán phủ nhận thành quả công việc của người khác hoặc chất lượng của một sản phẩm nào đó.
Từ ngữ này thực chất nguồn gốc sâu xa từ trước đến nay.
Quan niệm cũ ăn dần vào tâm thức của cộng đồng, sinh ra những lối biểu đạt tiêu cực gắn với “cái quần què”. Thấy cái gì chất lượng dở tệ, hay muốn bày tỏ cảm xúc ngán tận cổ họng, người ta chêm phụ từ “cái quần què” cho sáng ý.
Quần què có thể được sử dụng một cách vô tư đối với một bộ phận lớn giới trẻ, nhưng với nhiều người khác, mức độ “xúc phạm” của quần què là không hề nhỏ. Vì xuất phát từ lối nói phân biệt và giễu cợt một giai đoạn rất tự nhiên của người phụ nữ, có thể cụm từ này sẽ khiến bạn vô tình trở nên kém duyên.
Tuy vậy, từ quần què theo nghĩa đen thực chất là có. Nó mô tả loại quần ống cao ống thấp lại trong một số phong cách thời trang. Chúng ta có thể hiểu "thuật ngữ" quần què trong thời trang nghĩa là "chiếc quần không lành lặn". Và hiện nay, chiếc quần với phong cách lạ lùng này lại trở thành một style bắt mắt và thu hút hàng loạt các nghệ sĩ trên thế giới. Đối với nhiều người, phong cách này có phần không được thuận mắt cho lắm nhưng đối với ai yêu thích phong cách thì nó chỉ đơn giản là mang lại cho họ những hình ảnh độc đáo, đặc biệt mà người mặc thể hiện được phong cách của riêng mình.
“Quần què” cũng là một phong cách thời trang mới nổi dạo gần đây.
Nói tóm lại thì không hẳn lúc nào quần què hay cái quần què cũng mang ý nghĩa xấu. Tùy vào từng ngữ cảnh hãy đưa ra những phán đoán đúng về nghĩa của nó. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ mạng này, nếu thực sự là để tạo không khí hài hước thì nên dùng, còn nếu không thì cần hạn chế lại để tránh làm người khác khó chịu.