Tào Tháo là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của thời Tam Quốc. Ông là người đã lập ra nhà Tào Ngụy, đối chọi với 2 thế lực lớn khác lúc bấy giờ là Thục Hán và Đông Ngô. Trong suốt cuộc đời của mình, Tào Tháo đã không ít lần tự chứng tỏ tài năng cầm quân đỉnh cao khiến cả thiên hạ phải khiếp sợ. Và đương nhiên, những pha "Tào Tháo đuổi" trong Tam Quốc Chí hoặc Tam Quốc Diễn Nghĩa là không hề hiếm bởi suy cho cùng, đây là vị thống lĩnh rất giỏi đánh trận, chỉ mắc bệnh đa nghi mà thôi.
Thế nhưng, ở Trung Quốc, người ta gọi bệnh tiêu chảy là "phúc tả", chẳng liên quan gì tới ông Tào Tháo cả. Thế nên, câu thành ngữ "Tào Tháo đuổi" mà bạn đọc hay dùng, dù bị nhiều người hiểu nhầm, nhưng thực chất, chính là bắt nguồn từ Việt Nam!
Cụ thể, ngày xưa, tiêu chảy trong chữ Nôm là "tháo dạ". Từ "tháo" này vô tình lại đồng âm với từ "Tháo" trong Tào Tháo. Mặc dù cách viết khác nhau nhưng do hiện tượng đồng âm này, nhiều người đã liên tưởng, "bo cua" sang Tào Tháo để tránh nhắc tới bệnh tiêu chảy, như một vấn đề nhạy cảm… Theo đó, "bị Tào Tháo đuổi" dịch nghĩa đơn thuần sẽ là "bị tiêu chảy, cần giải quyết gấp".
Hài hước ở chỗ, khi gán ghép như vậy, nó nghe thì vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục. Bởi lẽ ngày xưa, Tào Tháo hành quân rất nhanh, kẻ địch nào bị ông truy đuổi chỉ có nước chạy chối chết mà còn không dám ngoảnh đầu lại nhìn.
Pha hiểu nhầm chỉ bắt nguồn từ việc "đồng âm"
Một ví dụ khác cho tốc độ hành quân của Tào Tháo là câu: "Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã đến". Khi 2 bên đang giao tranh, 1 bên vừa kịp tấu lên rằng đạo quân đối phương là quân Tào thì ngay lập tức, quân Tào đã tiến đến sát mặt rồi. Quả thật, việc dụng binh thần tốc của Tào Tháo là thứ mà cho đến giờ vẫn khiến rất nhiều học giả nghiên cứu phải nể phục.
Thế mới biết, những câu chuyện tưởng chừng rất bình thường lại có thể hóa thành cả một truyền thuyết hẳn hoi… Dù sao, chúng ta cũng nên lấy lại công bằng cho Tào Tháo chứ cứ có vấn đề về đường dạ dày lại đổ tại cho nhân vật siêu nổi tiếng này thì oan quá là oan mà.