Sexy, Xếch và Xi
Việc đánh "xi" cho các lễ hội và các hoạt động tâm linh sẽ còn dồi dào khả năng phát triển, giống như những phong trào làm tượng đài, xây bảo tàng
Thời hội nhập sẵn tiếng Anh, có nhiều từ đã có tiềm năng trở thành từ tiếng Việt. Sexy, đọc là xếch-xi là một từ như thế. Mỗi phần của từ này, trong tiếng Việt, có thể lại được dùng với những hàm nghĩa đối lập nhau, tùy ngữ cảnh.
Cái cần chưa có, cái có chưa cần
"Xếch" nếu không bị hiểu sang danh từ tiếng Anh chỉ hành vi vào loại hấp dẫn và được thèm nhạt bậc nhất của con người, thì thường có nghĩa là trơn, không có gì đi kèm.
Ví dụ uống bia mà không có mồi nhắm, người ta hay gọi là uống bia xếch. Có điều, nói tới chữ bia xếch, người ta dễ nghĩ tới uống bia với một số "loại tay vịn", và trong trường hợp này thì lại thành uống bia có "mồi nhắm".
Từ ngày trang web Cơm có thịt ra đời, người ta để ý thêm chuyện cơm của trẻ em vùng sâu vùng xa, những bát cơm không, đa phần ăn với măng, với muối, và tất nhiên là cơm không có thịt. Không có thịt thì có thể gọi là cơm xếch hay không, cái đó chưa rõ. Nhưng những bát cơm không có thịt là nguyên nhân không ít cho việc nhiều cô gái trẻ từ bỏ những vùng đất đó, hoặc tự nguyện hoặc bị lừa lọc, tham gia vào những dịch vụ có chữ sex.
"Xi" thường được dùng để chỉ một hành động làm bóng bẩy đẹp đẽ. Giày muốn bóng phải đánh xi. Nhà muốn đẹp phải chịu khó sơn xi. Nhìn rộng ra, xi là lớp bề mặt người ta phủ lên nhiều thứ, giúp chúng trở nên xếch-xi (sexy), theo nghĩa trở nên hút mắt hơn.
Ảnh: VNE |
Có nhiều biển chỉ dẫn ở Hà Nội bắt đầu được trang bị đèn LED, lung linh khi màn đêm buông. Kha khá khẩu hiệu hoặc trích dẫn lời vàng ngọc của các tấm gương vĩ nhân, hoặc cổ vũ làm theo những lời vàng ngọc này.
Cái người lắp biển quên, là người tham gia giao thông không ra đường để đọc lời hay ý đẹp, hoặc có nhìn thấy cũng không kịp đọc, đọc cũng không kịp thấm, còn nếu đọc kỹ để mà thấm thì không chừng sẽ buộc phải lái xe một cách thiếu cẩn trọng vì bị phân tâm. Cái họ cần là lời chỉ dẫn đi vào đường nào, rẽ theo hướng nào, bị cấm làm gì. Cái họ cần là hệ thống đèn xanh đèn đỏ phải có đủ trên các giao lộ thiết yếu, và khi có rồi thì thường xuyên hoạt động, chứ không phải dễ dàng phập phù mỗi khi trời đổ mưa để các phương tiện lâm vào cảnh đấu đầu vào nhau.
Ở các nước tiên tiến, đa số các công cụ chỉ dẫn giao thông được thiết kế với mục đích rõ ràng: tăng độ tập trung của người tham gia giao thông bằng những hiệu lệnh chính xác, các thông tin ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhận biết và qua đó đảm bảo luật giao thông được thực hiện đúng đắn, giảm thiểu vi phạm và tai nạn.
Tương tự như vậy là những đề xuất xây tượng đài trăm tỷ, những bảo tàng nghìn tỷ trong thời điểm còn thật nhiều những công trinh hạ tầng còn nham nhở chưa thu xếp đâu ra nguồn lực để được xây cất. Những đề xuất kiểu này nhìn kỹ thì giống như lớp "xi" an ủi che phủ đi bớt sự thật trần trụi và những thiếu thốn của đời thường.
Mong có "lễ" thì sinh được "phú quý"
Mấy cái Tết gần đây dấy lên nỗi lo lắng về sự phổ biến của cúng bái, và sự tràn lan xô bồ trong lễ hội. Đây lại là một dạng "xi" khác.
Hàng ngàn lễ hội được tổ chức theo đủ hình thức, cũ có, mới có, từ cấp độ vùng miền cho tới tầm quốc gia. Hết lễ rước vua lại sang hội đâm trâu, sự kiện nào cũng tìm cách thu hút người tham dự bằng nhiều phương thức khác nhau. Thông thường là bằng sự tuyên truyền về sự linh thiêng của lễ hội, kèm theo là sự có mặt của các VIP. Lễ hội năm sau to hơn năm trước, còn các công trình phục vụ lễ hội thì ngày càng được đầu tư hoành tráng hơn, trang hoàng màu mè hơn, bắt mắt hơn, theo tưởng tượng về các sản phẩm văn hóa-lịch sử được đồng bộ hóa.
Người tham dự, vô tình hay hữu ý, cũng ít có điều kiện tìm hiểu về sự tích khởi nguồn của lễ hội, hay những nét văn hóa thâm sâu nguyên bản ẩn chứa trong các đền chùa miếu mạo nơi mình kính lễ. Ít cả điều kiện nhìn vào điều gì thôi thúc mình tới những lễ hội.
Ví dụ dễ thấy ở một thánh đường học vấn như Văn Miếu, tương tự như khi vào đền chùa, cảm giác đầu tiên là sự thư thái, thành kính, đủ để sự chen lấn, xô đẩy đầy phàm tục không thể diễn ra. Nhưng khi mà quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa" (hay thực chất, mong có "lễ" thì sinh được "phú quý") lên ngôi, khung cảnh đã không còn như thế.
Những ngày cách đây không xa, lúc Văn Miếu chưa thiết lập hàng rào bảo vệ, báo chí thuật lại chuyện hàng nghìn lượt người nhảy qua hàng rào để có thể sờ đầu rùa, vuốt tiền vào mặt bia. Theo lời giải thích của một học sinh thì sau khi sau khi vuốt tiền vào mặt bia, kẹp đồng tiền đó vào trong sách học sẽ giỏi hơn. Một niềm tin kỳ quặc, nghe hao hao bảo bối "Bánh mì trí nhớ" của Mèo ú Doraemon.
Chợt nhớ chỉ chừng hơn 10 năm trước, khách thăm Văn Miếu còn thưa thớt lắm. Hình như "tục" sờ đầu rùa, dí tiền vào bia Tiến sỹ chưa xuất hiện. Ngày ấy không có nhiều người khấn vái ở Văn Miếu như Bia Bà, Đền Ghềnh hay Phủ Tây Hồ. Trước ban thờ Khổng Tử, Mạnh Tử..., vẫn còn có khoảng trống để đọc tên cho biết tượng này là "cụ" nào. Giờ có chỗ đứng chắp tay đã khó. Chịu, có khi người ta chẳng biết mình đang vái ai.
Nhiều nỗi lo lắng đã xuất hiện về hiện tượng con người không đến với lễ hội và đền chùa với một tâm thế thuần túy dung dị là cầu an, là thưởng ngoạn những giá trị văn hóa tâm linh hoặc giàu tính nhân văn lịch sử, vốn là nguyên gốc của lễ hội hay đa số nơi linh thiêng.
Có lẽ chừng nào xu hướng này ngày càng là thiểu số, việc đánh "xi" cho các lễ hội và các hoạt động tâm linh sẽ còn dồi dào khả năng phát triển, giống như những phong trào làm tượng đài, xây bảo tàng, tuy mang danh nghĩa sự tưởng niệm hay đức tin mông lung nào đó mà lợi ích thì đến rất thực với một số người.
Nguyên Anh