Nhìn những người mắc bệnh tâm thần khiến nhiều người thương cảm dang tay giúp đỡ, không ít người kinh hãi. Nhưng không có sự kinh hãi nào bằng sự vô cảm của người có chức có quyền.
Nhân dân nhìn thấy, chính quyền thì không
Khoảng tháng 5 hay tháng 6/2012 tại TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) xuất hiện hai người đàn ông tâm thần, một người sống ở khu vực ga còn một người sống trước cổng Liên đoàn lao động tỉnh Yên Bái đối diện chợ Yên Thịnh.
Người sống ở khu vực ga khoảng hơn 40 tuổi ăn mặc tùng tằng, trên người khoác vài ba chiếc túi gắn những quả bông vải lua tua to bằng quả bóng ten-nít đủ màu sắc. Hàng ngày, người này đi dọc con đường từ bến xe ca qua chợ ga lên tới tận cầu Yên Bái rồi vòng xuống đường Thanh Niên.
Những người bán nước mà chúng tôi gặp ở ga Yên Bái đều nói: Người này đầu húi cua, đi lang thang trên đường nhưng không ăn xin, hút thuốc lá điếu nhỏ bằng chiếc đũa, nhiều người cho tiền nhưng không nhận. Hỏi chuyện thì người này chỉ lắc đầu, trả lời bằng tiếng Trung Quốc, đêm ngồi vạ vật ở các vỉa hè hoặc trước cửa các khách sạn nhưng không biết anh ta ngủ ở đâu...
Ngày 23/1/2013 tôi và nhà báo Đinh Đức Tưởng, phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Yên Bái, mất gần một buổi sáng đi khắp các con đường quanh khu vực ga tìm kiếm người này nhưng không thấy, chúng tôi mới quay về khu vực chợ Yên Thịnh.
Người tâm thần ở đây khoác bộ quần áo cũ kỹ, đầu đội mũ kêpi còn nguyên sao mà anh ta nhặt được ở thùng rác. Người này chừng trên 50 tuổi, tóc dài đến tận vai cờm cượp do lâu ngày không tắm rửa, bốc mùi hôi hám nồng nặc.
Người tâm thần ngồi trước cổng Liên đoàn LĐ tỉnh Yên Bái
Tác giả trò chuyện với người tâm thần
Những người buôn bán ở đây cho biết: Người này dạt từ Lào Cai xuống, không biết nói tiếng Kinh, anh ta nói tiếng dân tộc thiểu số hay tiếng Trung Quốc không ai nghe được. Hàng ngày anh ta bới trong thùng rác tìm kiếm các thứ bỏ đi “chế tạo” thành đèn pin hoặc lắp ráp chiếc súng phun nước của trẻ con thành khẩu súng, ban đêm bấm lên đỏ lòm, đến bữa anh ta mang bát tới các nhà quanh khu vực chợ Yên Thịnh xin ăn.
Anh ta cư trú ở đây đã 7 - 8 tháng trời, hàng ngày ngồi trên chiếc ghế sofa cũ nát dựa vào hàng rào Liên đoàn lao động. Nắng tháng sáu chói chang và đêm tháng chạp lạnh khủng khiếp người dân vẫn thấy anh ta ngồi trên chiếc ghế đó, mưa thì vào trong lều.
Tôi ra hiệu cho anh ta mở chiếc hộp giấy, thứ “gia tài” đặt phía sau ghế, khi anh ta mở ra thấy một chiếc bật lửa ga, hai chiếc bút bi cũ, vài chiếc tuốc nơ vít nhỏ xíu và mấy vỏ bao thuốc lá ngoại. Tôi đoán người này trước đây là công nhân thợ điện nên mới lắp ráp các thiết bị điện bỏ đi thành đèn pin và súng quả nhót như vậy.
Điều lạ lùng tại sao hai người bệnh tâm thần này sống vạ vật mấy tháng trời giữa TP Yên Bái vậy mà các cơ quan chức năng và chính quyền không hay biết? Tôi gửi mấy tấm ảnh chụp người mắc bệnh tâm thần ở chợ Yên Thịnh cho ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ngay sau khi nhận được thư của tôi, ông Bí thư chỉ đạo UBND tỉnh Yên Bái và Sở LĐ-TB&XH lập hồ sơ đưa người này về Trại tâm thần Phú Thọ.
Gần 10 năm nay ở thị trấn nông trường Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) xuất hiện một người đàn ông tâm thần ngoài 30 tuổi. Anh ta không mặc áo quần, quấn quanh hông là hai mảnh vải che phía trước và phía sau. Hình như đó là chiếc quần còn sót lại không còn rách được nữa, đó là vật che thân duy nhất gần 10 năm nay của anh ta.
Anh Nguyễn Thành Long, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TX Nghĩa Lộ, kể với tôi: Trước đây anh này sống ở TX Nghĩa Lộ, vẫn cởi truồng tồng ngỗng như thế, anh ta nhặt rác rưởi cho vào các bao tải chất vào hè sau nhà bảo tàng, đêm chui vào các đống bao tải rác đó ngủ.
Nhiều lần cô cấp dưỡng của Hạt cho anh ấy cơm và thức ăn vào túi giấy bóng, một tối cơ quan có việc nên ăn cơm muộn, anh ta quát cô cấp dưỡng: Sao hôm nay cho ăn muộn thế? Cô ta quát lại: Đã xin ăn còn đòi ăn đúng giờ... Từ hôm đó anh ta không vào cơ quan xin ăn nữa. Anh ta dạt ra thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, thỉnh thoảng vẫn gặp anh ta đi trên đường...
Nghe tôi trình bày, ông Hoàng Văn Thịnh, nguyên GĐ Cty CP chè Nghĩa Lộ, bảo: Ngày nào nó cũng đi qua đây, ngủ sau nhà đội 1, lát nữa tôi đưa anh lên xem nó có còn ngủ ở đấy nữa không... Tôi và ông Thịnh lên nhà đội 1, mọi người quanh đó bảo anh ta đi rồi... Chúng tôi tìm đến UBND thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, anh Nguyễn Văn Quyết, cán bộ hợp đồng dẫn tôi đi tìm anh này.
Tôi và Quyết leo lên đồi chè khu 6B, bà Phạm Thị Mai đang làm cỏ chè tại đó dẫn chúng tôi ra nơi mà người tâm thần ngủ cạnh hố rác đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, một đống lửa củi còn cháy lom đom, khói nghi ngút, nhưng không thấy anh ta đâu.
Bà Phạm Thị Mai chỉ nơi người tâm thần ngủ ngay cạnh hố rác trên đồi chè
Bà Mai thở dài: Thật tội nghiệp, nhiều đêm anh ta ngủ ở đây, khi nãy tôi còn thấy nhưng bây giờ anh ta đi đâu rồi...Tôi và Quyết chia nhau đi hai ngả, tình cờ tôi gặp chị Nguyễn Thị Chung đang hái chè, chị Chung bảo: Lúc nãy cháu thấy anh ta cắp chiếu đi về phía đồi bên kia, đi nhanh lắm, chú xuống đường đón đầu may ra thì thấy...
Chúng tôi đi khắp các đồi chè, hỏi nhiều người nhưng chẳng thấy tăm hơi anh ta đâu. Tình cờ gặp bà Nhâm Thị Nhuận, bà kể: Nghe mọi người nói anh này trước đây là giáo viên dạy ở vùng cao, bị bùa chài nên phát điên, đi lang thang rồi dạt về đây. Ngày nào anh ta chẳng đi qua đây vài bận.
Một lần tôi cho anh ta chiếc bánh mì, hôm sau tôi đang đi thì bất ngờ anh ta từ bụi cây nhồ ra, nom khiếp quá, tôi bảo: Hôm nay không có gì cho đâu nhá, nghe thế anh lủi thủi bỏ đi. Muốn tìm anh ấy thì lên bãi rác là thấy...
Người tâm thần chạy tới nhận chiếc bánh mì
Chân dung người tâm thần
Tôi và Quyết vòng lên bãi rác nằm phía sau UBND thị trấn nông trường Nghĩa Lộ thì gặp anh ta đang khoác một bao tải đi về phía bãi rác, người trần như nhộng, bẩn thỉu chẳng khác gì con vật. Tôi giơ chiếc bánh mì lên, anh ta đặt bao tải xuống đất chạy rất nhanh lại, cầm như giật chiếc bánh mì từ tay tôi rồi bỏ vào bao tải.
Tôi hỏi: Tên là gì, anh ta nhìn tôi trợn trừng: Đạo. Nhà ở đâu? Tôi hỏi, anh đáp gọn lỏn "Hải Phòng" rồi quay đi. Tôi lại hỏi: Sao không mặc áo quần? Để cho mát. Đêm ngủ có rét không? Ấm lắm... Nói rồi anh ta múa may, đưa tay lên mắt như chụp ảnh lại tôi.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh ở đối diện với Nhà văn hoá khu dân cư 6B kể: Anh này sống ở đây gần chục năm nay rồi, trước đây anh ta sống cạnh bãi rác phía dưới dốc kia, khi người ta chuyển bãi rác đi thì anh ta lên ngủ ở cái nhà bỏ hoang kia. Mọi người ở đây tới bữa nếu thấy anh ta đến thì cho một túi cơm. Anh này điên nhưng không phá phách, có lần anh ta còn gửi quán tôi đây những thứ đồng nát mà anh ta nhặt được để bán.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh kể lại chuyện cho người tâm thần ăn
Anh Cao Văn Mạnh thì lắc đầu: Người này có bộ máy tiêu hoá thật tuyệt vời, chó, gà chết người dân vứt đi anh ta nhặt rồi nướng lên, ăn sống ăn sít như vậy mà chẳng sao. Người vẫn chắc khoẻ, nằm dưới đất mùa đông rét mướt như vậy mà chẳng ốm đau gì...
Vô cảm?
Trở lại việc tôi đến UBND thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, khi tôi gặp ông Lê Ngọc Long, Bí thư kiêm Chủ tịch thị trấn, ông Long chối đây đẩy bận họp không thể tiếp tôi được. Tôi đưa thẻ nhà báo và xin ông mấy phút trình bày việc người tâm thần đang sống trên đất thị trấn. Ông Long khoát tay như không muốn tiếp: Trước đây thằng điên ấy có ở đây, nhưng bây giờ nó không còn ở đây nữa, vào TX. Nghĩa Lộ rồi...
Tôi bảo: Mọi người nói người đó vẫn đang ở đây. Ông ta đáp: Thế thì tôi không biết... Nói rồi ông ta rút điện thoại gọi cho bà Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH, một lúc sau quay lại bảo tôi: Chị Hạnh bảo chẳng có chế độ gì với người đó cả...
Mọi người cho biết, người tâm thần hàng ngày vẫn đi lại trên đất thị trấn và qua con đường vào nhà ông chủ tịch Long lên nhà đội 1 gần 10 năm nay... Hóa ra người dân thì nhìn thấy, chỉ mình ông chủ tịch không nhìn thấy người tâm thần khốn khổ đó. Phải chăng ông là người vô cảm hay mắt bị làm sao? Nếu vị công bộc của dân ấy mắc hai thứ bệnh đó thì có nên để ông ta ngồi trên ghế chủ tịch để hàng tháng lĩnh lương từ tiền đóng thuế của dân?