Kinh dịch là một trong những triết lý cổ xưa nhất của phương Đông, đặc biệt là trong văn hóa Trung Hoa cổ. Đây được coi là nền tảng của triết học, bói toán và phong thủy. Để hiểu rõ hơn Kinh dịch là gì và cách gieo quẻ Kinh dịch như thế nào, mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Kinh dịch là gì? Cách gieo kinh dịch
1. Thông tin tổng quan về Kinh dịch
1.1 Kinh dịch là gì?
Kinh dịch (經易) là một trong những cổ thư kinh điển của văn hóa Trung Hoa, nằm trong Ngũ Kinh của Nho giáo (Kinh dịch, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Thư và Kinh Xuân Thu). “Kinh” là sách vở, hàm ý chỉ những giá trị khuôn mẫu. “Dịch” là dịch chuyển, ý nghĩa sâu xa hơn là sự biến đổi, thay đổi. Cốt lõi của Kinh dịch là sự biến đổi không ngừng của vạn vật trong vũ trụ. Đây được xem là nền tảng của triết học và văn hóa phương Đông.
Cốt lõi của Kinh dịch là sự biến đổi không ngừng của vạn vật trong vũ trụ
Ban đầu, Kinh Dịch chỉ được sử dụng như một công cụ bói toán, nhưng dần được các triết gia Trung Hoa phát triển thêm. Ngày nay, Kinh dịch giúp con người hiểu được các tư tưởng triết học cổ của Á Đông và được coi là tinh hoa của cổ học Trung Hoa. Kinh Dịch được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như thiên văn, địa lý, quân sự, đời sống...
1.2 Nguồn gốc của kinh dịch
Theo các Nho gia, Kinh Dịch ra đời từ thời vua Phục Hy khi ông nhìn thấy những khoáy trên lưng một con Long Mã và hiểu được quy luật biến hóa của vũ trụ. Ông vạch một nét liền (—), gọi là "vạch lẻ" tượng trưng khí Dương. Nét đứt (- -), gọi là "vạch chẵn" tượng trưng cho khí Âm. Hai vạch này gọi là hai Nghi (Lưỡng Nghi). Trên mỗi Nghi, ông vạch thêm một nét tạo thành bốn tổ hợp hai vạch, gọi là Tứ Tượng. Tiếp tục, ông thêm một nét nữa trên mỗi Tượng, tạo thành tám tổ hợp ba vạch, gọi là Tám Quẻ. Cuối cùng ông kết hợp các Quẻ lại với nhau, đảo lần lượt và tạo ra 64 Quẻ Kinh dịch. Từ thời Phục Hy cho đến cuối triều Thương, Kinh Dịch chỉ là một tập hợp các nét liền và nét đứt, chưa có tên gọi hay ý nghĩa cụ thể nào.
Vua Phục Hy được cho là người đã phát hiện ra quy luật biến đổi trong vũ trụ
Đến đầu thời nhà Chu (hơn 1000 năm TCN), vua Chu Văn Vương đã đặt tên và thêm lời giải cho các quẻ của Phục Hy, như "Nguyên hanh lợi trinh" trong quẻ Kiền, hay "Nguyên hanh lợi tẫn mã chi trịnh" trong quẻ Khôn. Những lời giải này được gọi là Lời Quẻ 卦辭 (quái tử) hoặc Lời Thoán 彖辭 (thoán từ).
Sau đó, Cơ Đán (Chu Công), con trai của Văn Vương, chia mỗi quẻ thành sáu phần gọi là hào, mỗi phần có lời giải riêng để nói về sự lành dữ của từng hào, gọi là Lời Hào hay Lời Tượng.
Thời Xuân Thu và Chiến Quốc
Trong thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc (khoảng 770 - 221 TCN), Kinh dịch được Khổng Tử và các học trò của ông thêm bổ sung những khái niệm triết học, đạo đức và lý giải sâu hơn.
Khổng Tử được cho là tác giả của Thập Dực gồm mười bài chú giải (mười thiên) để làm rõ và giải thích thêm về Kinh dịch, bao gồm:
- Thoán truyện (gồm Thượng Thoán và Hạ Thoán) giải thích lời quẻ của vua Văn.
- Tượng truyện (gồm Thượng và Hạ Tượng) giải thích hình tượng của các quẻ và hào.
- Văn ngôn tập trung vào quẻ Kiền và Khôn.
- Hệ từ (gồm Thượng và Hạ Hệ) bàn về những nguyên tắc chung và ý nghĩa trong việc làm Kinh dịch của Văn Vương Chu Công.
- Thuyết quái nói về đức nghiệp, pháo tượng và sự biến đổi của tám quẻ.
- Tự quái giải thích lý do tại sao quẻ này lại đi trước hoặc sau quẻ kia.
- Tạp quái giải thích những ý vụn vặt của các quẻ.
Khổng Tử được cho là tác giả của Thập Dực - 10 thiên giải thích về Kinh dịch
Những nghiên cứu của Khổng Tử trước vẫn tách riêng, không phụ thuộc vào lời quẻ, lời hào của Văn Chương Chu Công. Đến đời Hán, Phi Trực mới đem Thoán truyện, Tượng truyện và Văn ngôn thuộc về quẻ Kiền kết hợp với Kinh dịch của Văn Chương Chu Công để thay vào lời chú thích. Sau đó, Trịnh Huyền lại sáp nhập nốt những câu Văn ngôn của quẻ Khôn và Thoán truyện, Tượng truyện, Văn ngôn mới xen vào trong các quẻ. Còn lại 3 thiên thì để phụ riêng ở cuối sách.
Đến thời nhà Tống, Chu Hy đã biên soạn lại sách Chu Dịch theo cấu trúc gốc, nhưng phần lớn mọi người vẫn theo cách sắp xếp của Phí Trực và Trịnh Huyền.
Từ đó có thể xem Kinh Dịch bao gồm: các vạch quẻ của Phục Hy, Lời Quẻ của Văn Vương, Lời Hào của Chu Công, cùng với Thoán Truyện, Tượng Truyện, Văn Ngôn, Hệ Từ Truyện, Thuyết Quái, Tự Quái và Tạp Quái của Khổng Tử.
1.3 Ứng dụng của kinh dịch trong đời sống
- Dự đoán và bói toán: Sử dụng các quẻ và hào để dự đoán tương lai, giải đáp các vấn đề trong cuộc sống như sức khỏe, công việc, tình cảm, tài chính…
- Triết học và tư tưởng: Nghiên cứu các quy luật của tự nhiên và xã hội, tìm kiếm sự cân bằng và hài hòa trong cuộc sống dựa trên nguyên lý âm dương, ngũ hành..
- Tư vấn và giáo dục: Dùng trong giảng dạy về đạo đức, tư duy phân tích và hiểu biết về mối quan hệ giữa con người với môi trường.
- Y học và phong thủy: Ứng dụng trong y học cổ truyền để chữa bệnh và duy trì sức khỏe, cũng như trong phong thủy để sắp xếp không gian sống hài hòa.
2. Quẻ kinh dịch
Quẻ Kinh Dịch là các biểu tượng được sử dụng để dự đoán, lý giải các tình huống, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và cuộc sống con người. Mỗi quẻ Kinh Dịch có một cấu trúc riêng biệt và mang những ý nghĩa khác nhau.
2.1 Cấu trúc của quẻ kinh dịch
Cấu trúc của quẻ kinh dịch bao gồm 4 phần chính sau:
Lưỡng Nghi (兩儀): bao hai yếu tố cơ bản của vũ trụ là Âm (陰) và Dương (陽), đây được xem là khởi nguồn của Kinh Dịch.
- Âm: Đại diện cho các yếu tố như tĩnh lặng, tối, lạnh, nữ tính và tiêu cực. Trong biểu tượng Bát Quái, Âm được thể hiện bằng một vạch đứt (- -).
- Dương: Đại diện cho các yếu tố như chuyển động, sáng, nóng, nam tính và tích cực. Trong biểu tượng Bát Quái, Dương được thể hiện bằng một vạch liền (—).
Tứ Tượng (四象): là bốn trạng thái hoặc hiện tượng, được hình thành từ sự kết hợp của hai Nghi chồng lên nhau và đảo chỗ.
- Thái Dương (太陽): Tượng trưng cho Dương mạnh (có hai vạch liền: — ; —).
- Thiếu Dương (少陽): Tượng trưng cho Dương yếu (một vạch liền trên —, một vạch đứt dưới: - -).
- Thái Âm (太陰): Tượng trưng cho Âm mạnh (hai vạch đứt: - - ; - -).
- Thiếu Âm (少陰): Tượng trưng cho Âm yếu (một vạch đứt trên - -, một vạch liền dưới —).
Sơ đồ biến đổi từ Thái cực thành Bát quái
Bát Quái (八卦): là tám quẻ đơn, mỗi quẻ được hình thành từ việc chồng thêm một vạch lên Tứ tượng.
- Càn (乾): ☰ (Thiên: Trời, mạnh mẽ)
- Đoài (兌): ☱ (Trạch: Đầm, vui vẻ)
- Ly (離): ☲ (Hỏa: Lửa, sáng suốt)
- Chấn (震): ☳ (Lôi: Sấm, động)
- Tốn (巽): ☴ (Phong: Gió, mềm dẻo)
- Khảm (坎): ☵ (Thủy: Nước, hiểm nguy)
- Cấn (艮): ☶ (Sơn: Núi, ngưng đọng)
- Khôn (坤): ☷ (Địa: Đất, hiền lành)
Quẻ Kép (六十四卦): hay còn gọi là Lục Thập Tứ Quái hoặc Trùng Quái. Quẻ kép là hợp thể của hai quẻ đơn chồng lên nhau, được cấu tạo bởi 2 thành phần là thượng quái và hạ quái. Ví dụ một số quẻ kép:
- Quẻ Thuần Càn (䷀): Càn trên, Càn dưới (☰☰) = Tượng trưng cho sự mạnh mẽ, cương nghị.
- Quẻ Thuần Khôn (䷁): Khôn trên, Khôn dưới (☷☷) = Tượng trưng cho sự mềm mại, kiên nhẫn.
- Quẻ Thủy Lôi Truân (䷂): Khảm trên, Chấn dưới (☵☳) = Tượng trưng cho sự khởi đầu đầy khó khăn.
Cấu trúc của quẻ Thủy Phong Tỉnh
2.2 Mục đích của gieo quẻ kinh dịch là gì?
Việc gieo quẻ Kinh Dịch được người xưa cho rằng có thể luận đoán thời vận hung cát, tiên đoán về hôn nhân, chọn thời điểm xuất hành, kinh doanh trong tương lai gần. Từ đó, dựa vào kết quả của quẻ để đưa ra quyết định hành động.
Ví dụ: Khi bạn gieo quẻ để biết năm tới có thích hợp để khởi nghiệp hay không. Nếu gieo ra quẻ hung (quẻ xấu) như “sơn thủy mông” bạn nên tạm hoãn lại kế hoạch này, cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trước khi tiến hành. Ngược lại, nếu gieo được quẻ tốt, bạn có thể thêm an tâm để thực hiện những kế hoạch và dự định của mình với quyết tâm cao hơn.
3. Cách gieo quẻ kinh dịch
Có rất nhiều cách gieo quẻ Kinh dịch được áp dụng từ thời xưa đến nay. Thời Tây Chu, phương pháp gieo quẻ chủ yếu là sử dụng 50 cọng cỏ thi, tuy nhiên cách thức của phương pháp này đã bị thất truyền qua thời gian. Hiện nay, cách phổ biến hơn để gieo quẻ là dùng 3 đồng xu cổ và gieo theo giờ động tâm.
Ngoài ra còn có phương pháp gieo quẻ bằng cách rút tiền, bởi có nhiều quan niệm cho rằng mỗi dãy số đều mang ý nghĩa riêng và ẩn chứa một năng lượng bên trong. Tương tự, các dãy số xuất hiện một cách ngẫu nhiên như số điện thoại, biển số xe… cũng có thể được sử dụng để lập quẻ.
Trước khi tiến hành gieo quẻ, chúng ta cần xác định được 4 yếu tố quan trọng để đảm bảo kết quả gieo quẻ chính xác:
- Thời gian gieo quẻ: Thời gian là một trong những yếu tố quan trọng trong gieo quẻ. Mỗi thời điểm trong ngày/tháng/năm đều mang một năng lượng khác nhau và sẽ ảnh hưởng đến kết quả của quẻ kinh dịch.
- Thượng quái: Thượng quái là phần trên của quẻ, thường biểu thị cho ảnh hưởng của bối cảnh, hoàn cảnh và những điều xảy ra trên bề mặt.
- Hạ quái: Hạ quái là phần dưới của quẻ, biểu thị cho những ảnh hưởng bên trong, như cảm xúc, tư duy và bản chất của người gieo quẻ.
- Động hào: Động hào là yếu tố biểu thị sự chuyển động, thay đổi, hoặc tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quẻ kinh dịch.
Quẻ Thủy Phong Tỉnh và quẻ biến Thủy Thiên Nhu
3.1 Gieo quẻ bằng đồng xu
Gieo quẻ bằng 3 đồng xu cổ là một phương pháp phổ biến trong gieo quẻ Kinh dịch. Dưới đây là các bước chi tiết:
Cách gieo quẻ bằng 3 đồng xu cổ
Bước 1: Chuẩn bị:
- 3 đồng xu cổ: Vì chúng đã tích tụ linh khí từ trời đất qua thời gian nên hội tụ đủ 3 yếu tố: Thiên, Địa, Nhân.
- 1 cái đĩa lớn: Nên dùng đĩa bằng sứ hoặc gỗ. Tránh sử dụng đĩa kim loại vì chúng có từ tính, có thể làm ảnh hưởng đến tần số năng lượng khi gieo quẻ.
- Giấy và bút: Để ghi lại kết quả, có tổng cộng 6 lần gieo đồng xu.
Bước 2: Tập trung vào vấn đề cần hỏi
Trước khi gieo quẻ, hãy tạo một không gian yên tĩnh và tập trung vào câu hỏi hoặc vấn đề bạn muốn tìm hiểu. Bạn có thể thực hiện nghi thức thở sâu hoặc cầu nguyện để tập trung tâm trí.
Bước 3: Gieo đồng xu
Cầm 3 đồng xu trong tay và lắc chúng lên. Trong lúc lắc đồng xu, bạn hãy tập trung vào câu hỏi của mình. Sau đó, thả chúng xuống đĩa. Mỗi lần gieo, 3 đồng xu sẽ cho ra 1 trong 4 kết quả sau:
- 1 đồng ngửa, 2 đồng sấp: Hào âm ghi một vạch đứt: - -
- 2 đồng ngửa, 1 đồng sấp: Hào dương một vạch liền : —
- 3 đồng đều ngửa: Hào âm động (lão âm) ghi thêm: - - x
3 đồng đều sấp: Hào dương động (lão dương) ghi : — o
Mặt ngửa (chữ) và mặt sấp (hình) của đồng xu cổ
Thực hiện quá trình gieo đồng xu 6 lần và sau mỗi lần, hãy ghi lại kết quả theo thứ tự từ dưới lên. Vậy tại sao lại ghi theo thứ tự từ dưới lên?
Vì một quẻ kép có 6 hào: hào sơ, hào nhị, hào tam, hào tứ, hào ngũ và hào thượng, được đánh số thứ tự từ dưới lên. Hào 1 ngôi 1 còn gọi là hào sơ, hào 2 ngôi 2 còn gọi là hào nhị, hào 3 ngôi 3 còn gọi là hào tam, hào 4 ngôi 4 còn gọi là hào tứ, hào 5 ngôi 5 còn gọi là hào ngũ, hào 6 ngôi 6 còn gọi là hào thượng.
Bước 4: Xem ý nghĩa
Để xác định quẻ Kinh Dịch, bạn cần gộp các kết quả theo hai phần:
- 3 lần gieo đầu tiên: Tạo thành phần Hạ quái (quẻ dưới) hay còn gọi là Nội quái.
- 3 lần gieo sau cùng: Tạo thành phần Thượng quái (quẻ trên) hay còn gọi là Ngoại quái.
Khi gọi tên một quẻ, người ta sẽ gọi ngoại quái trước, sau đó mới đến nội quái. Nếu hai quái nội ngoại giống nhau thì thêm chữ thuần, riêng quẻ Khảm thì gọi là tập Khảm để nhấn mạnh tính hiểm và dày đặc của quẻ Khảm.
Để biết bạn đã gieo được quẻ nào, bạn cần so sánh kết quả của mình với bảng đối chiếu dưới đây:
Bảng 64 quẻ kinh dịch
3.2 Gieo quẻ theo thời gian (giờ động tâm)
Gieo quẻ theo thời gian (giờ động tâm), là phương pháp gieo quẻ dựa vào thời gian cụ thể theo lịch âm gồm: ngày, giờ, tháng, năm và được quy ước như sau:
- Năm: Tý = 1, Sửu = 2, Dần = 3, Mão = 4, Thìn = 5, Tỵ = 6, Ngọ = 7, Mùi = 8, Thân = 9, Dậu = 10, Tuất = 11, Hợi = 12
- Ngày: ngày 1 = 1 … tương tự đến ngày 30 = 30
- Tháng: tháng 1 = 1 … tương tự đến tháng 12 = 12
- Giờ: Tý = 1, Sửu = 2, Dần = 3, Mão = 4, Thìn = 5, Tỵ = 6, Ngọ = 7, Mùi = 8, Thân = 9, Dậu = 10, Tuất = 11, Hợi = 12
Bước 1: Xác định giờ động tâm
Quyết định một thời điểm cụ thể trong ngày hoặc khi bạn cảm thấy cần phải đưa ra quyết định. Thời điểm này được gọi là “giờ động tâm” và nên là lúc bạn cảm thấy tập trung và rõ ràng nhất về câu hỏi.
Trước khi gieo quẻ, tập trung vào câu hỏi hoặc vấn đề bạn đang đối diện. Đảm bảo tâm trạng bạn là ổn định và có sự chú tâm cao nhất.
Bước 2: Tính số Thượng quái
Công thức: (Ngày + Tháng + Năm): 8 và lấy số dư. Nếu số dư là 0, lấy số quái thượng là 8.
Bước 3: Tính số Hạ quái
Công thức: (Giờ + Ngày + Tháng + Năm): 8 = và lấy số dư. Nếu số dư là 0, lấy số quái hạ là 8.
Bước 4: Tra số tương ứng với từng quẻ
Số tương ứng | Quẻ |
---|---|
1 | Càn |
2 | Đoài |
3 | Ly |
4 | Chấn |
5 | Tốn |
6 | Khảm |
7 | Cấn |
8 | Khôn |
Dựa vào số quái thượng (trên) và số quái hạ (dưới) để tìm tên quẻ từ bảng 64 quẻ kép Kinh dịch ở trên.
Bước 5: Xác định Hào động
Công thức: (Giờ + Ngày + Tháng + Năm) : 6
Lưu ý: Nếu kết quả là 0, thì số hào động là 6. Nếu có số dư, đó là số của hào động.
Ví dụ: Bạn gieo quẻ vào 9 giờ, ngày 10, tháng 3, năm 2024, tương ứng với giờ Thân, ngày 10, tháng 5, năm Thìn.
Tính số Thượng quái
- Ngày 10: 10
- Tháng 3: 3
- Năm Thìn: 5
- Thượng quái = (10 + 3 + 5) : 8 = 2 dư 2. Quẻ Thượng quái là 2 => Đoài
Tính số Hạ quái
- Giờ Thân: 9
- Ngày 10: 10
- Tháng 3: 3
- Năm Thìn: 5
- Hạ quái = (9 + 10 + 3 + 5) : 8 = 3 dư 3. Quẻ Hạ quái là 3 => Ly
Đọc tên quẻ theo thứ tự từ trên xuống: số quái thượng trước, sau đó đến số quái hạ, ta có Đoài ☱ (Trạch), Ly ☲ (Hỏa). Đối chiếu với bảng 64 Kinh dịch thì được tên là Trạch Hỏa Cách.
Tìm hào động: (9 + 10 + 3 + 5) : 6 = 4 dư 3. Hào động là 3 => Hào động 3 tính từ dưới lên trong quẻ chính Trạch Hỏa Cách là hào Dương (—). Hào Dương sẽ biến thành hào Âm (— —). Do vậy quái Ly (☲) ở dưới sẽ biến thành quái Chấn (☳) . Quái Đoài ở trên giữ nguyên. Vì vậy, ta có quẻ biến là Trạch Lôi Tùy.
4. Những lưu ý khi gieo quẻ dịch
- Trước khi gieo quẻ, bạn cần phải tĩnh tâm, tập trung vào câu hỏi hoặc vấn đề mà mình muốn biết, tránh những suy nghĩ mơ hồ hoặc chỉ để thử nghiệm.
- Mỗi quẻ dịch sẽ trả lời cho một vấn đề, nên nếu bạn có nhiều vấn đề cần được dự đoán thì hãy gieo nhiều quẻ dịch. Không nên gieo quá nhiều quẻ trong thời gian ngắn, và cũng không nên gieo quẻ nhiều lần cho một vấn đề vì điều này có thể gây ra sự nhiễu loạn và làm mất đi tính chính xác của quẻ.
- Gieo quẻ vào thời điểm bạn thực sự cần sự chỉ dẫn hoặc khi có một tình huống cụ thể đòi hỏi sự giải đáp.
- Địa điểm gieo quẻ nên chọn nơi yên tĩnh, ít bị xáo trộn, không gian sạch sẽ và thoáng đãng và không có nhiều người qua lại để dễ dàng tập trung.
- Sử dụng đồng xu hoặc thẻ gieo quẻ phù hợp, đảm bảo chúng ở trạng thái tốt, không bị méo mó hay hư hỏng.
- Không sử dụng quẻ Dịch để lừa lọc, trục lợi hay làm tổn thương người khác hoặc theo đuổi những mục đích xấu.
5. Kết luận
Kinh dịch được cho là có khả năng dự đoán tương lai, tuy nhiên điều này còn chưa được chứng thực bởi công trình nghiên cứu nào. Việc quẻ có ứng nghiệm hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có việc người gieo quẻ có hữu duyên với bộ môn này hoặc trong lúc gieo quẻ, tâm trí của người gieo quẻ có bị xao nhãng bởi ngoại cảnh hay không.
Chúng ta nên nhìn nhận Kinh dịch như một công cụ giúp con người hiểu về sự biến đổi của vạn vật “Lúc ở yên thì xem Tượng mà ngẫm Lời của nó, lúc hành động thì xem sự biến đổi mà ngẫm lời chiêm đoán của nó”. Quan trọng là trong cuộc sống hàng ngày, cần suy ngẫm những đạo lý mà Kinh Dịch dạy và xem xét chúng có phù hợp với vị trí của mình hiện tại hay không.
Mua hàng chính hãng, giá tốt, ghé Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn
Tại Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn, khách hàng dễ dàng tìm mua các sản phẩm thiết yếu cho gia đình như: bếp từ, máy ép trái cây, máy lọc nước, máy nước nóng, bàn ủi, máy xay sinh tố,... Đây là địa chỉ uy tín để mua sắm các sản phẩm chính hãng, giá tốt, ngoài ra khách hàng còn có cơ hội nhận nhiều chương trình khuyến mãi và nhiều phần quà tặng giá trị. Ghé Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn ngay hôm nay để không bỏ lỡ những ưu đãi hấp dẫn!
Tham khảo thêm một số sản phẩm sale cực HOT, số lượng có hạn tại Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn: