1. Kháy là gì? Có phải khái không?
Một bạn đọc ngoài tỉnh tâm sự, bạn có một người bạn quê ở Nghệ An, người bạn đó hay nói từ "kháy", "khái", "khải"... mà bạn không biết kháy là gì và có cùng nghĩa với khái, khải không?
Giải đáp với bạn đọc rằng, kháy trong tiếng Nghệ có 2 nghĩa: (1) Nói để khiêu khích, để trêu tức người khác; (2) là để gãi, cào (cho đỡ ngứa). Ví dụ cụ thể hơn để bạn đọc dễ hiểu nha.
-
Nói kháy: Là nói khiêu khích để trêu tức ai đó. Ví dụ người Nghệ nói "thằng nớ nói kháy mi chấp mần chi" (Thằng kia nói chọc tức mày chấp làm gì).
-
Kháy: Gãi, cào cho đỡ ngứa. Ví dụ người Nghệ nói "kháy cho tau cấy lưng cấy" (gãi cho tao cái lưng với). Lúc này từ "kháy" đồng nghĩa với từ "khải", tùy theo vùng mà có nơi có kháy hoặc khải đều nói gãi, cào cho đỡ ngứa.
Còn riêng từ "khái" trong từ điển tiếng Nghệ có nghĩa là "con hổ". Người Nghệ gọi "khái", "con khái", "cân khái" để chỉ con hổ nha.
Như vậy, qua khái niệm kháy nghĩa là gì ở trên chúng ta thấy rằng từ này tương đương nghĩa: Nói tức (miền Bắc) và nói cà khịa (miền Nam).
2. Có phải người Nghệ thích nói kháy?
Khi hỏi kháy là gì bạn đọc ngoài tỉnh có thêm câu hỏi rằng có phải người Nghệ thích nói kháy không? Xin thưa với bạn đọc là không hẳn như thế nha.
Nếu bạn đọc từng đọc bài Tính cách người Nghệ không trộn lẫn vào đâu được sẽ thấy người Nghệ Tĩnh có một nét nổi bật: Thẳng thắn, trực tính, không a dua! Có lẽ chính vì thế mà họ thường nói kháy, nói xoáy về ai đó, việc gì đó khi thấy trái tai gai mắt.
Với riêng giới trẻ xứ Nghệ, nói kháy tương đương với nghĩa nói trêu, nói đùa chỉ để vui vẻ, không có ác ý. Ví dụ, bạn quen một người Nghệ, họ sẽ trêu bạn, chọc bạn khiến bạn tức lên chỉ để... nhớ người đó nhiều hơn mà thôi.
Chính vì thế, nếu nghe người bạn thân xứ Nghệ nói kháy cũng đừng tức giận nhé!
Hy vọng qua bài viết ngắn này bạn đọc đã hiểu kháy là gì trong tiếng Nghệ. Nếu còn thắc mắc nào khác bạn đọc có thể hỏi và giao lưu tại nhóm Người Nghệ Tĩnh nha!
>>>Xem thêm: Chừa hay trừa mới đúng tiếng Nghệ Tĩnh?