“Thần chú 3107”: Kết hợp giữa EDM, lo-fi và Ballad
Ca khúc đầu tiên của 3107 được phát hành vào cuối tháng 7 năm ngoái và cho đến nay, series này vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc: Mở đầu bằng tiếng piano buồn não nề, những âm thanh đậm chất lo-fi được “điểm xuyết” xuyên suốt tạo cảm giác chill chill và kết thúc bằng đoạn EDM bắt tai, được gieo vào đúng “điểm rơi” của cảm xúc.
Thông thường, những ca khúc mang màu sắc thất tình của V-Pop đều được “đóng khuôn” vào ballad. Một số “trường hợp đặc biệt” như Thức Giấc (Da LAB), Tìm Hành Tinh Khác (Vũ Cát Tường) có giai điệu “xập xình” như để những câu chuyện tình buồn… ít buồn hơn. Tuy nhiên, 3107 lại là một “vũ trụ” khác.
Sự hòa trộn “mỗi thứ một chút” khiến bộ ba 3107 trở thành “món ăn” phù hợp cho những khán giả Gen Z yêu thích sự mới mẻ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện “không thể thiếu” của verse Rap duy nhất trong mỗi bài hát lại càng thể hiện rõ câu chuyện tình cảm và những cảm xúc “chằm Zn” vừa sâu lắng, vừa “ồ ạt”.
Thương hiệu 3107 gắn với hơi thở cảm xúc đậm chất Gen Z. |
Ở 3107, bộ ba DuongG, Nâu và W/n đã có màn bắt tay thành công. Giọng hát của DuongG hầu như không có kĩ thuật cao siêu, đôi chỗ còn tạo cảm giác “nghẹt mũi” nhưng lại hiệu quả khi tạo sự gần gũi với tâm tư người trẻ.
Với 3107-3, W/n - DuongG - Nâu chào đón thêm một giọng nữ là Titie. Giọng hát mỏng và mộc mạc của Titie đã đáp ứng tốt những gì bài hát đang cần: Một cuộc đối thoại nam - nữ, trong đó, giọng hát của người nữ chính là một yếu tố giúp tạo nên tính "lo-fi" của bài hát. Hẳn là vì thế, đoạn điệp khúc vừa “não nề”, vừa “nhẹ bẫng”: “Xin lỗi vì những lời hứa, xin lỗi chẳng yêu được nữa” dễ dàng “phủ sóng” từ Facebook Watch đến các video xu hướng của TikTok.
DuongG hiện đang là sinh viên năm Nhất của trường Đại học Văn Lang. |
Titie (Võ Thanh Tiền) là một gương mặt còn khá mới đối với khán giả trẻ. |
“Hơi thở” âm nhạc Gen Z: Xoa dịu những chênh vênh, mỏi mệt
Bên cạnh giai điệu và giọng hát, câu chuyện và vibe mà trilogy 3107 mang đến cho người nghe mới là “vũ khí tối thượng”, giúp bộ ba “3 không”: Không tốn nhiều chi phí - không drama - không nghệ sĩ nổi tiếng nhưng lại có được một vị trí nhất định trong lòng khán giả trẻ.
3107 không đơn thuần là những “gương mặt thân quen” trong các playlist nhạc buồn của giới trẻ. Ở mỗi bài hát, người nghe cảm giác như đó là một giai đoạn trong tình yêu.
Nếu 3107 là hy vọng, chờ đợi “Chỉ cần bên nhau như những ngày ấy”, thì 3107-2 lại là sự an phận, từ bỏ. Trong phần mới nhất là 3107-3, người ta chỉ còn thấy tiếc nuối, kỉ niệm: “Xin lỗi vì ta chẳng thể đi cùng nhau để bây giờ cách xa.”
W/n từng chia sẻ mỗi phiên bản 3107 chỉ đơn thuần là cảm xúc của chàng producer “bí ẩn” về tình yêu, thế nhưng sự liên tưởng mà chuỗi ca khúc này vô tình mang đến cho người nghe lại tạo nên một “đời sống” rộng mở và thú vị.
W/n từng chia sẻ mỗi phiên bản 3107 chỉ đơn thuần là cảm xúc của anh chàng. |
Bên cạnh đó, phần hình ảnh trong các music video của cả ba phiên bản 3107 đều khá đặc biệt.
Với 3107, hình ảnh của tòa nhà cao ốc chỉ-có-một-căn-hộ-sáng-đèn hay những cung đường nhìn từ trên cao giúp người nghe cảm nhận rõ rệt sự cô đơn, nhỏ bé của mình trong thế giới rộng lớn.
Tới 3107-2, ba nhân vật trong câu chuyện được kể đều bị "nhốt" trong những căn phòng và kể một câu chuyện tình phức tạp từ những động tác đơn giản nhất.
Và đến 3107-3, phần hình ảnh được xử lý “cầu kỳ” hơn như con thú bông Pikachu được “thêm thắt” những hiệu ứng ảo hay “vòng tròn thiên thần” trên đầu của nhân vật nam.
Trilogy 3107 là “liều thuốc xoa dịu” những mỏi mệt của người trẻ. |
Cả ba ca khúc đều mang đến sự đơn giản và như khắc sâu hơn cảm giác đơn độc. Phải chăng vì thế mà trong phần bình luận, không ít người chia sẻ họ thường tìm đến ca khúc vào những lúc chỉ có một mình, trong căn phòng nhỏ và “gặm nhấm” những chuyện đã qua. Bên cạnh đó, trilogy 3107 cũng là “liều thuốc xoa dịu” những mỏi mệt của người trẻ mong muốn được khám phá nhưng vẫn sợ sự chông chênh.
Nối máy đến W/n: “Nỗi buồn của mình vốn giản đơn và ngây thơ lắm”
Chủ nhân của cả 3 ca khúc và 3107-4 trong tương lai, anh chàng W/n đã “bật mí” với Hoa Học Trò Online nhiều điều không-phải-ai-cũng-biết.
W/n luôn xuất hiện một cách đầy "bí ẩn" trong các sản phẩm âm nhạc của mình |
Một chuyện tình buồn là chất liệu hay toàn bộ câu chuyện âm nhạc của W/n?
Âm nhạc của W/n tính tới hiện tại đều lấy cảm xúc từ những chuyện buồn. Tuy nhiên, câu chuyện trên hành trình âm nhạc của W/n mình mong muốn sẽ thật nhiều màu sắc, lột tả được thăng trầm trong cuộc đời của mình.
Ra mắt 3107 vào năm 2020, sau đó đến 3107-2, 3107-3 và sắp sửa có 3107-4, vậy 3107 là một cái tên hay một “thương hiệu” mà W/n đang muốn xây dựng?
3107 xuất phát từ cảm xúc và câu chuyện có thật của cá nhân mình, kết hợp cùng cảm xúc của cả các bạn mình nữa. Mình không có ý định tạo ra thương hiệu 3107 hay điều gì đó lớn lao. Mình rất cảm ơn mọi người đã đón nhận và chia sẻ cảm xúc đó với mình. Mình có thể sẽ vẫn duy trì tên gọi 3107 cho một vài sản phẩm sắp tới.
Âm nhạc của W/n tính tới hiện tại đều lấy cảm xúc từ những chuyện buồn. |
W/n nghĩ rằng nỗi buồn được “nêm nếm” trong series 3107 có gì đặc biệt?
Mỗi người nghệ sĩ là một cuốn nhật ký chứa đẩy tâm tư, xúc cảm và góc nhìn của bản thân trong mỗi câu chuyện đời thường. Có thể nhạc buồn dễ tiếp cận tâm tư của người nghe, dễ được đón nhận hơn thôi. Series 3107 cũng không phải ngoại lệ.
Mình còn trẻ, nỗi buồn của mình vốn giản đơn và ngây thơ lắm. Bản thân mình vẫn luôn nghe nhạc của các nghệ sĩ khác rất nhiều, để hiểu câu chuyện họ muốn truyền tải, để chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ cảm xúc mà các nghệ sĩ muốn mang tới.
W/n nghĩ sao về âm nhạc của thế hệ Z?
Mình vốn dĩ cũng là người trong thế hệ Z (Gen Z), bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nhiều xúc cảm, nhiều suy nghĩ. Âm nhạc của Gen Z vừa hồn nhiên, vừa nhiều nỗi niềm. Đặc biệt, âm nhạc của Gen Z có rất nhiều cách truyền tải, không chỉ đóng đinh vào những bản nhạc buồn, trữ tình hay là một bản nhạc sôi động. Đó là lý do mình luôn mong muốn kết hợp nhiều điều mới lạ vào âm nhạc của W/n.
Cảm ơn W/n vì cuộc trò chuyện này!