Khi nói về sự thành công bền vững của một doanh nghiệp, chúng ta không thể không nhắc đến giá trị cốt lõi. Vậy chính xác giá trị cốt lõi là gì? Làm thế nào xây dựng và bảo vệ những giá trị này trong suốt quá trình phát triển? Mời bạn cùng Tino Group khám phá những bí mật ẩn chứa trong khái niệm tưởng chừng đơn giản nhưng lại có sức mạnh to lớn này nhé!
Giá trị cốt lõi là gì?
Giá trị cốt lõi (Core Values) là những nguyên tắc, niềm tin và chuẩn mực nền tảng mà một tổ chức, nhóm người hoặc cá nhân tuân thủ trong mọi hoạt động và quyết định. Chúng hình thành qua thời gian, phản ánh tính cách đặc trưng của doanh nghiệp và định hướng cho hành vi, cách ứng xử cũng như quyết định trong kinh doanh. Không chỉ thể hiện bản sắc độc đáo của tổ chức, các giá trị cốt lõi còn giúp định hình tầm nhìn và phương châm hành động dài lâu cho doanh nghiệp.
Ý nghĩa của giá trị cốt lõi
Giá trị cốt lõi có vai trò xác định bản sắc, định hướng hành động cho cá nhân, nhân viên và doanh nghiệp. Dưới đây là ý nghĩa mà giá trị cốt lõi mang lại.
#1. Đối với con người
Giá trị cốt lõi của một người bao gồm những đức tính, nguyên tắc và quan điểm mà người đó muốn thể hiện thông qua hành động và quyết định của mình trong cuộc sống. Đây là những khía cạnh cơ bản của đạo đức và bản sắc cá nhân, định hình cách mỗi người tương tác với thế giới xung quanh họ.
Các giá trị cốt lõi của con người bao gồm:
- Tôn trọng.
- Trung thực.
- Tự kỷ luật.
- Đồng cảm.
- Học hỏi.
- Sáng tạo.
- Trách nhiệm.
- Khoan dung.
- …
Những giá trị này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân mà còn góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp, xây dựng những mối quan hệ chất lượng hơn. Các giá trị cốt lõi nhân văn sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn xã hội.
#2. Đối với nhân viên
Đối với nhân viên, giá trị cốt lõi là những nguyên tắc, hành vi và đức tính mà mỗi thành viên trong doanh nghiệp được đề cao, xem trọng. Nói cách khác, đây là những yếu tố góp phần định hình văn hóa của tổ chức cũng như tác động vào sự thành công và phát triển của doanh nghiệp.
Giá trị cốt lõi của nhân viên bao gồm:
- Chuyên nghiệp.
- Tận tâm.
- Đoàn kết.
- Sáng tạo.
- Học hỏi.
- Tôn trọng.
- Thăng tiến.
- Tích cực.
- …
Những giá trị này giúp tạo ra một đội ngũ nhân viên mạnh mẽ, chất lượng, đóng góp giá trị cho sự thành công của tổ chức.
#3. Đối với doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi trong một doanh nghiệp là những nguyên tắc thiết yếu mà một tổ chức tuân thủ và đề cao trong lĩnh vực hoạt động của công ty. Đây là điểm mấu chốt định hình văn hóa doanh nghiệp cũng như là yếu tố quyết định khi tuyển dụng nhân sự cho tổ chức. Giá trị cốt lõi thường không bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh hay thay đổi theo thời gian. Bên cạnh đó, giá trị cốt lõi đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định chiến lược phát triển lâu dài của một doanh nghiệp.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bao gồm:
- Chất lượng.
- Tận tâm với khách hàng.
- Minh bạch.
- Sáng tạo.
- Trách nhiệm xã hội.
- Tầm nhìn quản lý.
- …
Những giá trị này được thể hiện trong thực tế thông qua các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như xây dựng niềm tin với khách hàng, tạo dựng hình ảnh tích cực cho cộng đồng và thu hút nhân tài giỏi.
2 yếu tố hình thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Để xây dựng một hệ thống giá trị cốt lõi vững chắc, doanh nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố khách quan và chủ quan. 2 yếu tố này bổ trợ cho nhau, tạo nên một bức tranh toàn diện về bản sắc và định hướng phát triển của tổ chức.
Yếu tố khách quan
Đây là những yếu tố bên ngoài, có thể đo lường và đánh giá được, bao gồm:
- Phản hồi của nhân viên: Nhân viên là những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, họ hiểu rõ nhất về những vấn đề tồn tại và mong muốn của mình. Việc lắng nghe và tổng hợp ý kiến của nhân viên giúp doanh nghiệp xác định được những giá trị nào thực sự quan trọng đối với họ.
- Kỳ vọng và nhu cầu củakhách hàng: Khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động kinh doanh. Vậy nên, hiểu rõ kỳ vọng và nhu cầu của khách hàng giúp doanh nghiệp xác định được những giá trị cốt lõi phù hợp, từ đó xây dựng được mối quan hệ lâu dài, bền vững.
- Môi trường kinh doanh: Môi trường kinh doanh luôn thay đổi và đặt ra những yêu cầu mới. Doanh nghiệp cần linh hoạt điều chỉnh giá trị cốt lõi của mình để thích ứng với những biến động trên thị trường.
Yếu tố chủ quan
Đây là những yếu tố bên trong, mang tính chủ quan và thường được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyết định.
- Tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp: Tầm nhìn và sứ mệnh là những mục tiêu dài hạn mà doanh nghiệp hướng đến. Giá trị cốt lõi cần phải phù hợp và hỗ trợ cho việc thực hiện tầm nhìn, sứ mệnh này.
- Giá trị cá nhân của nhà lãnh đạo: Nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong việc định hình văn hóa doanh nghiệp. Những giá trị cá nhân của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị cốt lõi của tổ chức.
- Giá trị xã hội: Doanh nghiệp hoạt động trong một xã hội nhất định và cần phải có trách nhiệm với cộng đồng. Việc xác định những giá trị xã hội mà doanh nghiệp hướng đến cũng là phần quan trọng trong quá trình xây dựng giá trị cốt lõi.
Ví dụ thực tế về giá trị cốt lõi
Google (Alphabet)
Googlehiện là công ty con của Alphabet Inc. - một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Được biết đến với công cụ tìm kiếm phổ biến, Google đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác như điện toán đám mây, phần cứng, phần mềm và dịch vụ trực tuyến. Với triết lý “Tập trung vào người dùng, mọi thứ khác sẽ theo sau”, Google đã xây dựng nên một đế chế công nghệ khổng lồ và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.
- Tôn trọng người dùng: Google ưu tiên đặt người dùng lên hàng đầu, cung cấp trải nghiệm người dùng tốt nhất và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Điều này được thể hiện rõ qua các sản phẩm, dịch vụ của Google, như công cụ tìm kiếm, Gmail, YouTube, Android,… đều được thiết kế với mục tiêu mang đến sự tiện lợi và hiệu quả cho người dùng.
- Tôn trọng cơ hội: Google khuyến khích nhân viên tận dụng cơ hội để tạo ra các giải pháp sáng tạo và thúc đẩy công ty phát triển. Văn hóa làm việc tại Google nổi tiếng với sự tự do, linh hoạt, cho phép nhân viên được tự do khám phá và phát triển các ý tưởng mới.
- Tôn trọng lẫn nhau: Google nuôi dưỡng văn hóa hợp tác, giao tiếp mở và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm, bất kể vị trí hoặc xuất thân của họ. Đây là cách giúp Google tạo ra môi trường làm việc thân thiện, năng động, nơi mọi người đều có cơ hội đóng góp ý kiến, phát triển bản thân.
Apple
Apple là công ty công nghệ đa quốc gia nổi tiếng với các sản phẩm thiết kế đẹp mắt, chất lượng cao và trải nghiệm người dùng mượt mà. Từ chiếc Macbook đầu tiên cho đến iPhone, iPad và Apple Watch của Apple luôn được người tiêu dùng trên toàn thế giới yêu thích.
- Dễ tiếp cận: Apple thiết kế các sản phẩm phù hợp với tất cả đối người tiêu dùng, kể cả người khuyết tật. Giá trị này thể hiện qua các tính năng trợ năng được tích hợp vào các sản phẩm của Apple, giúp người dùng có thể sử dụng thiết bị một cách dễ dàng và thuận tiện.
- Giáo dục: Apple hỗ trợ và đầu tư vào các chương trình giáo dục để người học tiếp cận gần hơn với công nghệ. Công ty đã phát triển nhiều ứng dụng và chương trình học tập dành cho giáo viên, học sinh, giúp họ tận dụng tối đa công nghệ trong quá trình học tập.
- Môi trường: Apple nhấn mạnh việc giảm thiểu tác động đến môi trường và thúc đẩy các sáng kiến năng lượng tái tạo, tái chế. Công ty đã đặt ra nhiều mục tiêu về bảo vệ môi trường và đang không ngừng nỗ lực để đạt được các mục tiêu đó.
- Hoà nhập và đa dạng: Apple phấn đấu tạo ra một lực lượng lao động hoà nhập và đa dạng. Nghĩa là dù bạn thuộc quốc gia, dân tộc hay màu da nào, bạn đều có cơ hội làm việc tại Apple. Đây là cách giúp công ty tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.
- Quyền riêng tư: Apple ưu tiên quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu của người dùng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ với tâm lý bảo mật. Nhờ đó, Apple đã xây dựng được lòng tin của người dùng và trở thành một trong những thương hiệu được tin cậy nhất trên thế giới.
Patagonia
Patagonia là thương hiệu thời trang nổi tiếng với các sản phẩm ngoài trời chất lượng cao và thân thiện với môi trường. Được thành lập vào năm 1973, Patagonia đã nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất trong cộng đồng người tiêu dùng yêu thiên nhiên.
- Xây dựng sản phẩm tốt nhất: Công ty cam kết tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, bền bỉ và đa năng nhưng vẫn thân thiện với môi trường. Các sản phẩm của Patagonia làm từ các vật liệu bền vững và được thiết kế để sử dụng trong thời gian dài.
- Không gây hại không cần thiết: Patagonia hướng đến mục tiêu giảm sự gây hại đến môi trường. Thương hiệu sử dụng vật liệu bền vững, quy trình sản xuất nghiêm ngặt để không gây ô nhiễm. Công ty đã đầu tư rất nhiều vào các nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới giúp giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Sử dụng kinh doanh để bảo vệ thiên nhiên: Công ty tích cực hỗ trợ những sáng kiến môi trường và quyên tặng một phần lợi nhuận cho các nỗ lực bảo tồn. Patagonia đã trở thành một trong các công ty tiên phong trong việc sử dụng kinh doanh để tạo ra những thay đổi tích cực cho môi trường.
- Không bị ràng buộc bởi quy ước: Patagonia thách thức hiện trạng, khuyến khích đổi mới và chấp nhận các giải pháp phi truyền thống để đạt được mục tiêu của mình. Công ty luôn sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới và không ngại phá vỡ các quy tắc truyền thống.
Unilever
Unilever là tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất các sản phẩm tiêu dùng, bao gồm: thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và đồ dùng gia dụng. Với hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới, Unilever đã trở thành một trong những công ty hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới.
- Liêm chính: Unilever nhấn mạnh tầm quan trọng những hành động trung thực, minh bạch và công bằng trong mọi khía cạnh của các giao dịch kinh doanh. Nhờ đó, thương hiệu đã xây dựng được lòng tin với khách hàng, đối tác và cộng đồng.
- Tôn trọng: Công ty chú trọng những quan điểm, kinh nghiệm và xuất thân của nhân viên, khách hàng và đối tác của mình. Điều này tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, hòa nhập - nơi mọi người đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
- Trách nhiệm: Unilever cam kết chịu trách nhiệm về hành động của mình đối với người tiêu dùng và môi trường sống. Công ty đặt ra nhiều mục tiêu phát triển bền vững, không ngừng nỗ lực để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
- Tiên phong: Unilever khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tư duy hướng đến tương lai. Công ty luôn tìm kiếm những giải pháp mới để cải thiện sản phẩm, quy trình và hoạt động của mình, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thích ứng với những thay đổi của thị trường.
- Tác động tích cực đến xã hội: Unilever hướng đến mục đích tạo ra sự khác biệt tích cực trên thế giới thông qua sản phẩm, dịch vụ và thực tiễn kinh doanh của mình. Công ty đã hỗ trợ nhiều dự án xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe và giáo dục.
Cách xây dựng và bảo vệ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Xác định rõ giá trị cốt lõi từ ban đầu
Doanh nghiệp cần thấu hiểu mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn để xác định những giá trị cốt lõi phù hợp. Việc này cần sự tham gia của cả lãnh đạo và nhân viên, đảm bảo các giá trị được xây dựng không chỉ phản ánh mong muốn của doanh nghiệp mà còn phù hợp với nhu cầu và mong đợi của khách hàng và đối tác.
Truyền đạt và phổ biến giá trị cốt lõi
Sau khi xác định giá trị cốt lõi, doanh nghiệp cần thường xuyên truyền tải đến tất cả các thành viên trong tổ chức. Sự thấu hiểu và cam kết của nhân viên đối với những giá trị này sẽ tạo nên một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, hướng mọi người đến mục tiêu chung.
Áp dụng giá trị cốt lõi vào thực tiễn
Để giá trị cốt lõi trở thành nền tảng vững chắc, doanh nghiệp cần biến chúng thành hành động cụ thể trong các quyết định và hoạt động hàng ngày. Đó có thể thông qua việc tuyển dụng, đào tạo nhân viên, xây dựng quy trình làm việc và tương tác với khách hàng theo những nguyên tắc đã xác định.
Liên tục đánh giá và điều chỉnh
Giá trị cốt lõi cần được đánh giá thường xuyên để đảm bảo chúng vẫn phù hợp và phản ánh đúng mục tiêu của doanh nghiệp. Nếu cần thiết, doanh nghiệp nên điều chỉnh hoặc cập nhật các giá trị này để duy trì sự gắn kết và hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh.
Tóm lại, giá trị cốt lõi là những nguyên tắc cơ bản định hướng mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chúng được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tầm nhìn của lãnh đạo, nhu cầu của khách hàng và mong muốn của nhân viên. Để xây dựng và bảo vệ giá trị cốt lõi, doanh nghiệp cần có sự đồng thuận, truyền thông hiệu quả và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ.
Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hanne Keiling. (2024, August 14). Core Values in the Workplace: 80 Powerful Examples. Indeed.com. https://www.indeed.com/career-advice/career-development/core-values
- Firstup. (2024, May 14). Communicating company core values: Definition, examples, and why it matters. Firstup.io. https://firstup.io/blog/communicating-company-core-values
- Kellie Wong. (2024, February 20). Company core values: 25 inspiring examples. Achievers.com. https://www.achievers.com/blog/company-core-value-examples/
- 1c.com. What are core values? Meaning, principles and effective applications. 1c.com.vn. https://1c.com.vn/en/news/gia-tri-cot-loi
- Pace Institute of Management. GIÁ TRỊ CỐT LÕI LÀ GÌ? XÂY DỰNG GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA DOANH NGHIỆP. Pace.edu.vn. https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/gia-tri-cot-loi-la-gi.
Những câu hỏi thường gặp
Giá trị cốt lõi có thể thay đổi theo thời gian không?
Có! Giá trị cốt lõi có thể được điều chỉnh hoặc cập nhật để phù hợp với sự phát triển và thay đổi của doanh nghiệp, miễn là vẫn giữ được tính nhất quán với tầm nhìn cũng như sứ mệnh.
Giá trị cốt lõi ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
Giá trị cốt lõi định hình văn hóa doanh nghiệp, giúp xây dựng một môi trường làm việc dựa trên những nguyên tắc chung, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận trong tổ chức.
Giá trị cốt lõi có nên được công khai không?
Có! Công khai giá trị cốt lõi giúp khách hàng, đối tác và cộng đồng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin, sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Giá trị cốt lõi ảnh hưởng đến quyết định kinh doanh như thế nào?
Giá trị cốt lõi định hướng cho các quyết định kinh doanh thông qua việc cung cấp bộ quy tắc giúp doanh nghiệp hành động phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu lâu dài.