Di tích Lầu bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 51km về hướng đông, cách trung tâm huyện Duyên Hải khoảng 12km về hướng đông bắc thuộc ấp Ba Động, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Lầu bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương được các bậc tiền nhân khi đến đây khai hoang, lập làng tạo dựng cách nay gần 200 năm trong khuôn viên rộng hơn 3.000 m2.
Tháng 3/1945, Chi bộ Đảng xã Trường Long Hòa được thành lập, sự ra đời của Chi bộ càng cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân, trong đó có bà con tín đồ của Lầu Bà Cố Hỷ.
Năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ở địa phương được thành lập, Chi bộ Đảng đã bố trí đưa nòng cốt vào lực lượng Thanh niên Tiền phong. Tại Lầu Bà Cố Hỷ, Mặt trận Việt Minh đã sử dụng làm hội quán để tập hợp lực lượng, tổ chức mở trường huấn luyện dạy võ cho thanh niên, đồng thời làm nơi xay xát lúa gạo, có thời điểm dữ trữ gần 7 tấn lương thực để phục vụ cho cách mạng.
Bước sang năm 1960, các đơn vị vũ trang cách mạng lần lượt ra đời phối hợp hiệu quả với phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, tạo ra thế và lực mới của cách mạng. Hưởng ứng phong trào Đồng khởi, bà con tín đồ của Lầu Bà cùng với du kích và nhân dân trong xã đã nhất tề nổi dậy. Mọi người đánh trống mõ, mang vác súng (phần lớn là súng giả) hò reo bao vây đồn bót địch tại Ba Động. Trước sức uy hiếp to lớn của quần chúng, bọn địch hốt hoảng tháo chạy về Láng Chim. Trong giai đoạn này, Lầu Bà cũng là cứ điểm đóng quân của lực lượng vũ trang.
Tháng 01/1961, tỉnh mở trường quân chính đào tạo cán bộ Tiểu đội trưởng, do đồng chí Nguyễn Văn Minh làm hiệu trưởng, đồng chí Lê Hữu Thức làm chính trị viên. Bên cạnh đó, Ban Quân sự tỉnh (tiền thân của cơ quan Tỉnh đội) quyết định mở lớp huấn luyện kỹ chiến thuật đặc công do đồng chí Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Văn Cống và đồng chí Mười Ninh phụ trách. Khóa huấn luyện đầu tiên có hơn 80 học viên tham dự, ba tháng sau chuyển thành Đại đội 513 Bộ đội Đặc công tỉnh Trà Vinh. Đầu năm 1962, đơn vị này có gần 140 cán bộ chiến sỹ vừa tổ chức huấn luyện, xây dựng đơn vị, vừa trực tiếp chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng chục đồn bót, cứ điểm quân sự, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Lầu Bà cũng là một trong những địa điểm huấn luyện của đơn vị này.
Năm 1962, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Đáng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội; đồng chí Lâm Văn Vui - Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí Ngô Quốc Trị - Tỉnh đội phó đến Duyên Hải triển khai mở đợt hoạt động tấn công phá ấp chiến lược. Lầu Bà và một số nơi khác trong xã lại được chọn làm nơi tập trung học viên học tập trong đó có lực lượng của Đại đội 501, 513.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đặt một số địa bàn ven biển ven sông miền Nam, trong đó có xã Trường Long Hòa là vùng “Tự do oanh kích”. Chúng còn sử dụng cả máy bay B52 rải thảm và thả bom ban đêm, trong một đợt ném bom Lầu Bà Cố Hỷ bị đánh sập tầng lầu, số gỗ xây dựng được hiến cho Xưởng Binh giới tỉnh chế tạo bá súng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lầu Bà không chỉ là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là nơi xay xát, dự trữ lương thực, là địa điểm huấn luyện lực lượng vũ trang của cách mạng. Nhiều đồng chí làm công tác huấn luyện hoặc đã từng được huấn luyện ở đây như: Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Cống - nguyên Đại đội trưởng, kiêm Bí thư chi bộ Đại đội 513 Bộ đội Đặc công Trà Vinh; đồng chí Bảy Tri - nguyên Bí thư Chi bộ Trường Long Hòa; đồng chí Lê Hữu Thức - nguyên Trợ lý cán bộ Ban Chính trị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh; Thiếu tướng Lê Xã Hội - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9… Lầu Bà Cố Hỷ đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân xã Trường Long Hòa sắt thép, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Trường Long Hòa nói riêng, của huyện Duyên Hải nói chung.
Ngày 07/9/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1448/QĐ-UBND xếp hạng Lầu bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.