Chuyên gia phong thủy gợi ý ngày tốt lễ vật văn khấn cúng Tam tai năm 2024

Nguyễn thảo
Xem nhanh:
  • • Tại sao lại cúng Tam tai?
  • • Cúng Tam tai năm 2024 ngày nào đẹp?
  • • Lễ vật cúng Tam tai
  • • Cách sắp xếp bàn cúng Tam tai
  • • Cúng giải hạn Tam tai

1. Tại sao lại cúng Tam tai?

Biết vận để nắm vận, biết hung để tránh hung, biết cát để đón cát (Xu cát tị hung). Vậy nên, nếu đã nắm được vận mệnh của mình trong năm mới sẽ gặp hạn, thì không gì bằng chủ động đề phòng. Không có sự chủ động chuẩn bị thì e rằng bạn khó làm chủ được vận khí của bản thân.

Việc cúng Tam tai cũng không nằm ngoài sự chủ động đề phòng, hóa giải phần nào vận hạn.

anh 12 tam tai.jpg
Năm 2024, ba con giáp Thân - Tý - Thìn gặp hạn Tam tai

Đây là phương pháp tham khảo hóa giải phần nào vận hạn của các tuổi rơi vào hạn Tam tai. Tuy nhiên, bạn phải sống thiện, làm nhiều điều hiếu nghĩa. Đó mới là yếu tố đóng vai trò quyết định một năm suôn sẻ, giảm trừ xui rủi.

2. Cúng Tam tai năm 2024 ngày nào đẹp?

Theo đó, các tuổi Tý - Thìn - Thân nên cúng Tam tai năm Giáp Thìn (2024) vào ngày 13 âm lịch hàng tháng.

Lưu ý: Cúng Tam tai khác với cúng Thái tuế. Các tuổi Thân, Tý phải tự cúng mới mang lại hiệu quả giải hạn. Trong khi đó, tuổi Thìn vừa phạm Tam tai vừa phạm chính Thái tuế. Thế nên, tuổi Thìn không tự cúng lễ cho mình.

3. Lễ vật cúng Tam tai

- Bài vị cúng Tam tai: Bài vị này được viết trên bìa giấy đỏ, chữ màu đen. Bạn có thể nhờ các thầy viết chữ Nho, còn tự viết thì viết chữ quốc ngữ in hoa. Sau đó, đem dán bài vị trên một chiếc que và cắm vào cốc gạo. Bạn lưu ý là mặt có chữ của bài vị phải để đối diện với người đứng cúng và bài vị đặt ở giữa hay phía trong cùng của bàn lễ.

- Đồ lễ cúng Tam tai năm 2024:

Một bộ Tam sên gồm: 1 miếng thịt luộc, 1 con tôm luộc (hoặc tôm khô), 1 quả trứng vịt luộc.

Đặt trên bàn lễ 1 gói gồm: Ít tóc rối hoặc chút tóc, chút móng tay, móng chân của người mắc hạn Tam tai năm 2024, gói lại với ít tiền lẻ. Số tuổi của mỗi người tương ứng với bấy nhiêu tờ tiền lẻ.

3 nén hương, 3 ly rượu nhỏ, 3 đèn cầy nhỏ, 3 điếu thuốc, 3 miếng trầu cau, 3 xấp giấy tiền vàng bạc, 1 đĩa quả tươi, 1 bình hoa, 1 đĩa gạo muối, 2 bộ đồ thế (nam hoặc nữ).

4. Cách sắp xếp bàn cúng Tam tai

Trên bàn làm lễ, bình hoa tươi được đặt ở bên phải, đĩa ngũ quả đặt ở bên trái. Phía trước đặt lư hương, tiếp đến là 3 cây đèn cầy, 3 ly rượu hoặc 3 ly trà. Trong cùng sẽ là bài vị, phía dưới bài vị được cắm vào một ly gạo.

anh 10 tam tai.jpg
Cúng Tam tai là phương pháp tham khảo, thể hiện sự chủ động đề phòng vận hạn. Ảnh minh họa: VietNamNet

Tiếp theo, người cúng phải sắp đặt sao cho mặt của mình nhìn về hướng Đông Nam. Tức là bài vị phải hướng về phía Đông Nam. Người cúng sẽ đứng quay lưng về phía Tây Bắc. Bộ Tam sên được đặt ở giữa, trầu cau, 3 điếu thuốc, gạo muối cùng với giấy tiền vàng để ở xung quanh.

Cúng lúc chiều tối (18h - 19h), cúng tại trước sân hoặc ngã ba đường.

5. Cúng giải hạn Tam tai

Văn khấn cúng Tam tai

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Nam mô Hữu Thiên Chí Tôn Kim Quyết Ngọc hoàng Thượng đế!

Hôm nay là ngày 13 tháng …. , năm Giáp Thìn 2024.

Con tên là …………………………. tuổi: ……………..

Hiện cư ngụ tại……………………………………………

Nay con thành tâm thiết bày phẩm vật, cầu xin “MỘNG LONG ĐẠI TƯỚNG QUÂN THIÊN KIẾP Tam tai THỔ ÁCH THẦN QUAN” phù hộ độ trì cho con và toàn thể gia đình được bình an mạnh khỏe, tai qua nạn khỏi, phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ, thường hoạch kiết tường, vĩnh ly khổ ách. Cầu xin cho con được tai qua nạn khỏi, nguyên niên Phước Thọ. Xuân đa kiết khánh, Hạ bảo bình an, Thu tống Tam tai, Đông nghinh bá phước!

Thứ nguyện: Âm siêu dương thới, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sinh, tề thành Phật Đạo.

Phục duy cẩn cáo!

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Sau đó, vái 3 lần, lạy 12 lạy (tựa lời cầu nguyện cho 12 tháng bình yên). Rồi chờ đến tàn hết nhang đèn, âm thầm lặng thinh, không nói chuyện với bất cứ ai.

Tiếp đó, đem gói nhỏ (tóc, móng tay, móng chân, tiền lẻ) ra ngã ba đường mà bỏ, không nên ngoái lại xem. Gạo muối vãi ra đường, chỉ mang bàn và đồ dùng (mâm, ly, tách...) về nhà.

* Thông tin có tính tham khảo, chiêm nghiệm