Tám năm đã qua, hình ảnh Nguyễn Việt Hưng (tức Hưng phi nhon) kẻ ra tay bắn chết nữ quái Dung Hà, vẫn còn in đậm trong tâm trí luật sư Phạm Thị Ngọt. Được chỉ định bào chữa cho Hưng trong vụ án Năm Cam tai tiếng, cuộc gặp gỡ giữa bị cáo và luật sư như một định mệnh…
Luật sư Phạm Thị Ngọt năm nay đã bước sang tuổi 64, đã gần ba mươi năm làm nghề luật có lẽ hôm nay là buổi chiều hiếm hoi bà thong thả ngồi bên tách trà, lục lại những mảnh kí ức đã cũ. Vụ án Nguyễn Việt Hưng đã qua lâu lắm rồi, linh hồn kẻ liều mạng đó chắc cũng đã vi vu trên chín tầng mây khói. Nhưng đối với luật sư Phạm Thị Ngọt, gương mặt của Hưng - cái tên giết người "trẻ con" ấy vẫn còn là một nỗi niềm day dứt.
"Thương cái thằng Hưng lắm"
Đã tham gia hàng ngàn vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, các bị cáo mà bà bào chữa được chia thành 2 loại, trừ những kẻ phạm tội do "ma xui quỷ khiến", phần còn lại đều tự xác định được tội của bản thân. Cả hai loại tội phạm đó đều chẳng coi luật sư bào chữa ra gì. Mỗi lần tiếp xúc bị cáo, vị nữ luật sư đều nhận được những cái nhìn không hợp tác. Cực chẳng đã, nhưng chưa bao giờ lương tâm luật sư Phạm Thị Ngọt cho phép mình thờ ơ với bị cáo. May mắn thay, Nguyễn Việt Hưng không thuộc một trong hai loại tội phạm đó.
Lần đầu tiên gặp Hưng ở trại tạm giam, "nó cười như một đứa trẻ lâu ngày gặp lại người thân"- luật sư Ngọt nhớ lại. Từ khi vào Sài Gòn sống cuộc đời bờ bụi, hai tiếng gia đình đối với Hưng đã trở thành xa lạ. Cha mẹ đã về hưu, kinh tế gia đình không mấy khả giả, biết mình mắc cơn nghiện hút, Việt Hưng bỏ nhà đi biệt tích để khỏi lụy phiền tới cha mẹ và trở thành đàn em của giang hồ Hải "Bánh".
Ngày bị bắt giam cho đến trước phiên tòa xét xử, có lẽ gương mặt của bà là điều đẹp nhất Hưng nhìn thấy. Quá trình điều tra vụ án, xung quanh tên tội phạm là bốn bức tường phòng giam, là những câu hỏi, là gương mặt điều tra viên nghiêm nghị. Hưng mở lời chào vị nữ luật sư trước khi bà kịp lên tiếng: "Cháu chào bác ạ!".
Cả thảy đúng 6 lần luật sư được gặp bị cáo, nhưng chỉ bấy nhiêu thời gian thôi, Hưng cũng đã kịp tâm sự được với "bác Ngọt" đủ chuyện cuộc đời. Hưng có một cô em gái ở Sài Gòn, vì gia đình chồng cấm cản không dám đến thăm anh, hắn buồn lắm. Biết là không thể gặp gia đình trong lúc này, nhưng ngày nào Hưng cũng chờ đợi.
Mỗi lần như vậy, luật sư Ngọt xuất hiện là niềm an ủi, sẻ chia rất lớn. Lúc đầu Hưng đã chuẩn bị tâm lý cho việc sẽ phải nhận án tử hình, nên lúc nào cũng có vẻ bất cần lắm. Như đứa trẻ con nũng mẹ, mỗi lần "bác Ngọt" nói đến pháp luật, đến việc kháng cáo, Hưng đều xua đi. Giải thích dần dà Hưng cũng chịu nghe, đồng ý sẽ tiếp tục kháng cáo sau bản án sơ thẩm.
"Xin cho con gọi bác là mẹ"
Luật sư Ngọt nhớ lại những ngày ròng rã ở phiên tòa, vừa cầm bản cáo trạng đã cũ của Nguyễn Việt Hưng trong tay, bà nhắc đi nhắc lại một câu: "Thương cái thằng Hưng lắm". Trong tâm trí của vị nữ luật sư, Việt Hưng dại dột như một đứa trẻ… mặc dù lúc phạm tội hắn đã tròn 27 tuổi. Có lẽ "bọn tiên nâu", rồi cả sự "thất học" nuôi nấng cái tính cách anh hùng rơm của hắn. Nhận lời của Hải "Bánh" giết Dung Hà, cùng với cả Phan Văn Trường, ấy thế mà lúc Trường cầm súng để bắn, Hưng giằng lấy nhiệm vụ ra tay: "Mày còn có vợ con, để tao làm".
Phiên tòa xét xử đã đến hồi kết thúc, chủ tọa phiên tòa cho phép bị cáo nói lời sau cùng. Ba năm trời từ khi con phạm tội, cha mẹ Việt Hưng mới tất tưởi thu xếp được để vào Sài Gòn gặp con một lần duy nhất. Mong rằng đứa con sẽ nhắn nhủ lời nghĩa tận nhưng lời cuối đó Việt Hưng dành cho luật sư Phạm Thị Ngọt. "Những ngày cuối cùng của con, bác Ngọt - luật sư bào chữa chính là người mẹ thứ hai đã giúp con nhận ra rất nhiều điều trong cuộc sống. Xin cho con gọi bác là mẹ". Tử tù Nguyễn Việt Hưng thi hành án tử hình sau đó không lâu. Nấm mồ lạnh vào ngày rằm hằng tháng đều có hoa tươi. Những bó hoa đều đặn được luật sư Ngọt đặt lên thương xót. Nghĩa trang trường bắn, ngôi mộ của Hưng là ngôi đẹp nhất. Ngoài luật sư Phạm Thị Ngọt, còn một cô gái nữa thường xuyên đến thăm mộ Việt Hưng…
Nguyễn Thị Anh Thư bạn gái của Hải "Bánh" chủ sở hữu chiếc xe Spacy mà Hưng dùng để đi gây án bị kết án 12 tháng tù vì tội che giấu tội phạm, chính là cô gái đến thăm mộ đó. Sau ngày Hưng chết, Anh Thư day dứt tổ chức một lễ cầu siêu cho Hưng ở Sài Gòn. Lễ cầu siêu hôm đó chỉ có người mẹ khốn khổ của Hưng, các sư thầy, Anh Thư và luật sư Phạm Thị Ngọt. Giữa nghĩa trang tử tù, linh hồn Việt Hưng cũng được an ủi bởi hai người phụ nữ không ruột rà máu mủ. Đến bây giờ, mộ phần của tử tù đã được gia đình đưa về Bắc.
Mỗi lần nhớ đến Việt Hưng, vị luật sư ngắm nhìn kỉ vật còn lại của tên tử tù. Ngày cuối cùng gặp gỡ ở trại giam, Hưng tặng luật sư Ngọt một con tôm tự tay hắn bện bằng những chiếc túi ni lông màu sắc. Trên mình con tôm ni-lông ấy có ghi mấy nét nguệch ngoạc: "Kính tặng Bác Ngọt". Con tôm nhỏ trở thành kỉ vật mà luật sư Phạm Thị Ngọt luôn luôn lưu giữ, để nhớ về một tên tử tù, một thân phận con người lầm đường lỡ bước.
Luật sư đi xe đạp
Luật sư Phạm Thị Ngọt xung phong tham gia Đoàn bào chữa viên nhân dân năm 1983. Vốn dĩ là một giảng viên luật chuyên ngành Luật hình sự, mục đích đầu tiên khi vào nghề của bà là để bổ sung thêm những ví dụ thực tế trong các bài giảng cho sinh viên ở trường. Người phụ nữ Bắc theo chồng vào
Nhớ lại những ngày tháng vất vả đã qua, luật sư Phạm Thị Ngọt chặc lưỡi xót cho hai người con của bà. Người con trai cả mới được 12 tháng thì Đoàn luật sư phân công bà đi bào chữa ròng rã cả tháng ở Kiên Giang. Mang con đi không được, người phụ nữ đành trông nhờ vào chồng cũng bận trăm công ngàn việc. Bà cắn răng cai sữa cho con để chồng tiện bề gửi trẻ. Nghĩ lại những ngày khổ cực đó, ấy vậy mà con cái bà vẫn lớn lên khỏe mạnh, chẳng hề ốm đau bệnh tật.
Luật sư Ngọt nói rằng làm nghề luật, đàn ông vất vả một thì phụ nữ vất vả hai ba. Năm 1983 bào chữa một vụ án bà được bồi dưỡng 2 nghìn đồng, lương cả hai vợ chồng một tháng được 120 nghìn cho gia đình 4 người với đủ các loại chi phí. Khi đó căn nhà nhỏ của bà ở Cống Quỳnh, mỗi sáng sớm người phụ nữ dắt chiếc xe đạp tất tưởi chở con đi gửi trẻ, mua quà sáng cho chồng rồi giắt vội sách vở, tài liệu vào yên xe mà lúi cúi đạp đến cơ quan. Đồng nghiệp của bà thỉnh thoảng lại khuyên nữ luật sư nên chắt chiu tiền, tậu chiếc xe máy chạy cho "oai". Dù gì cũng đường đường là một luật sư, đợt ấy nhiều đương sự đến tìm thấy luật sư cà tàng quá cũng không muốn "nhờ vả".
Thế là những ngày sau đó họ không còn thấy bà đi xe đạp nữa, chiếc xe đạp được gửi cách cơ quan một đoạn để các đương sự không đủ chú ý. Người phụ nữ "tưởng như đi taxi đến cơ quan" từ hôm đó "lấy lòng" được bao nhiêu đương sự vì các vụ việc được bà giải quyết cực kỳ êm đẹp. Khi đã biết đến luật sư Phạm Thị Ngọt, đương sự đến tìm bà đều hỏi: "Tôi muốn tìm vị nữ luật sư đi xe đạp ấy"
Đến cả những ngày đảm nhiệm vị trí Phó khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh và bây giờ luật sư Phạm Thị Ngọt vẫn "không biết đi xe máy". Sáng nào vị nữ luật sư cũng dậy từ sáng sớm, đón chuyến xe bus đầu tiên đến giảng đường, đến tối mịt đón chuyến xe bus cuối cùng về căn nhà ở quận 6. Đã nghỉ hưu và trở thành một luật sư độc lập, bà vẫn không từ bỏ nghề giáo, đơn giản vì đó là niềm vui không thể mất. Làm nghề luật, niềm hạnh phúc của bà là được truyền dạy kiến thức của mình cho những lứa luật sư mới.
Công việc chồng chất nào là đi tòa bào chữa, đi giảng, tham gia hoạt động của Đoàn luật sư thành phố, ấy thế mà dường như vẫn còn dư sức đối với luật sư Phạm Thị Ngọt. Trong khi mấy người bạn già đã nghe rệu rạo, sức khỏe của luật sư Ngọt vẫn chẳng hề hấn gì. Công việc làm bà quên mình đã già, đã bước qua hơn phân nửa cuộc đời. Tôi đã làm cái việc không nên khi hỏi tuổi của vị nữ luật sư. Bà cười xua đi: "Cũng cần phải nghỉ một ngày chủ nhật"
Chẳng biết đến thành công
Trong ngành luật sư, luật sư Phạm Thị Ngọt luôn là cái tên được nhắc đến hàng đầu vì những đóng góp của bà cho công lý. Thế nhưng khi nói về sự nghiệp của mình, bà nói chẳng biết đến thành công. Vị nữ luật sư luôn tâm niệm trong công việc rằng sẽ làm hết trách nhiệm của một luật sư. Mọi người có thể cho rằng đó là công thành danh toại, nhưng đối với một luật sư, sự thành công đó không có nghĩa lý gì trước những thân phận người đớn đau, bất hạnh.
Hình ảnh phiên tòa xét xử một cặp vợ chồng trẻ phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy trở về rõ ràng trong kí ức vị nữ luật sư. Người vợ mang bầu 6 tháng bị bạn thân dụ dỗ vận chuyển ma túy 2 lần. Thương vợ, người chồng nhận lấy công việc phạm pháp để kiếm tiền chuẩn bị sinh con. 9 lần mang ma túy xuất cảnh, mỗi lần 250gram với tiền công 250 USD, Tòa án sơ thẩm kết tội và xử chung thân.
Tòa phúc thẩm Viện Kiểm sát kháng nghị mức án tử hình. Gia đình và luật sư đau lòng nghe bản án. Bị cáo đã đền tội với pháp luật nhưng bản án cuộc đời không dừng ở đó. Một đứa con của bị cáo còn chưa ra đời, người mẹ già liên tục chửi rủa cô con dâu vì nghĩ rằng chính cô đã hại chồng lâm vào cảnh tử tù. Bi kịch gia đình sau bản án mới chỉ bắt đầu.
Phiên tòa đã kết thúc, mọi người lần lượt ra về, coi như vị luật sư đã hoàn thành công việc, thế mà bà vẫn ngồi ở bàn bào chữa thật lâu, chờ cho bóng người vợ bị cáo khệ nệ bụng bầu khuất hẳn phía xa cánh cổng công lý của tòa, mới nặng nhọc nhấc đôi chân bước đi những bước liêu xiêu không vững. Những phiên tòa như vậy, luật sư Phạm Thị Ngọt day dứt mãi không sao quên được…