Thông tin "4 cô giáo thác loạn" ở Thái Nguyên là sai sự thật
Ngày 5/12, thông tin từ UBND huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cơ quan này đang chỉ đạo Công an huyện xác minh làm rõ người tung tin "4 cô giáo thác loạn", đề nghị điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, sau khi nắm bắt sự việc, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm việc với các nhà trường để xác minh những người trong clip.
Qua xác minh ban đầu và làm việc với các trường học trên địa bàn, ngày 3/12, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa có văn bản báo cáo UBND huyện và một số cơ quan hữu quan, khẳng định hình ảnh 4 cô gái được đăng trên mạng không phải là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, hợp đồng định mức khoán đang công tác tại các nhà trường thuộc Phòng quản lý.
Báo cáo của UBND huyện Định Hóa nêu rõ, thông tin thất thiệt trên đã gây hoang mang dư luận và phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng lớn đến nền giáo dục của tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Định Hóa nói riêng.
Người tung tin "4 cô giáo thác loạn" ở Thái Nguyên có thể bị xử lý hình sự
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm việc lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Nghiêm cấm giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Đối chiếu với quy định trên, việc tung tin thất thiệt về việc "4 cô giáo thác loạn" ở Thái Nguyên lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hành chính, bà Thơ cho biết, theo khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Về trách nhiệm hình sự, nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch, thất thiệt lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống, người tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 156 Bộ luật hình sự 2015.
Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, tùy tính chất mức độ, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet".
Theo đó, người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật hình sự và hành vi xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.