Tự nhẩm tính mình đã mang thai tới 45 tuần mà chưa có dấu hiệu sinh, chị Lê Thị Phương (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lên tận bệnh viện tỉnh để khám và xin bác sĩ cho mổ. Dù bác sĩ siêu âm chẩn đoán thai của chị chưa được 38 tuần, các chỉ số hoàn toàn bình thường nên chờ thêm nhưng chị vẫn khăng khăng, sợ “chửa trâu” ảnh hưởng tới em bé và “đòi” mổ. Đòi không được, chị lập tức lên Hà Nội, tới một bệnh viện tư để xin mổ lấy em bé.
Chị cho biết, ở quê chị, có những người mang thai tính đã quá ngày nhưng cứ nhất quyết chờ chuyển dạ sinh thường. Khi sinh ra, em bé nhăn nheo, da thì mốc meo, có vẻ teo tóp. Có người sinh em bé ra còn bị suy thai nặng, nuôi em bé còi cọc, rất vất vả. Chưa kể, có người sinh con ra bé đã tử vong nên chị rất sợ. “Cứ tính đủ ngày đủ tháng thì cho con ra. Mổ thì ai chẳng sợ nhưng nhỡ bác sĩ nhìn “nhầm”, thai già ngày rồi không cho ra, nhiều nguy cơ lắm”, chị nói.
Cùng tâm trạng như chị Phương, trên một diễn đàn, nhiều bà mẹ trẻ chia sẻ nỗi lo lắng về việc quá ngày sinh lâu mà vẫn không “khai hoa nở nhụy”. Tuy nhiên, cũng nhiều bà mẹ quan niệm “chửa trâu” là hoàn toàn bình thường, sinh nở là hoàn toàn tự nhiên, đủ ngày, đủ tháng bé sẽ chui ra. Như trường hợp của bạn N.P.A chia sẻ trên một diễn đàn, cả gia đình đều có “truyền thống” chửa trâu. Mẹ ruột sinh A ra sau khi mang bầu 10 tháng rưỡi, sinh em trai sau 11 tháng mang bầu, còn bà nội thì mang thai bác gái những 12 tháng mới lâm bồn mà các bé khi sinh ra đều hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất thường về sức khỏe.
Ông Tiến cho biết tỷ lệ tử vong tăng dần theo thời gian có thai quá với thời gian bình thường: cao gấp hai lần bình thường khi thai trên 43 tuần; gấp ba lần khi thai trên 44 tuần. Thai từ tuần 42 tuần đến tuần 45 nguy cơ chết trong tử cung là trên 80%, trên 45 tuần là 100%. |
Thầy thuốc ưu tú, TS Lê Hoài Chương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Phụ sản TƯ) cho biết, về lý thuyết cũng như thực tế, người phụ nữ mang thai đủ tháng là hết tuần 37 - 42 tuần. Sau 42 tuần là thai già tháng. Trung bình thai kỳ là 280 ngày (9 tháng, 10 ngày). Nếu hết tuần 42 mà không sinh thì gọi là già tháng.
Theo BS Chương, thai phụ đến ngày dự sinh mà không có dấu hiệu sinh, thường xảy ra do người phụ nữ không nhớ ngày kinh của mình. Theo kinh nghiệm của bác sĩ, chuyện nhớ nhầm ngày là rất phổ biến, thường nhầm tới cả tháng (tức là hơn 4 tuần thai). Khi đó, thai đang 38 tuần sản phụ nhớ thành 42 tuần, từ 42 - 46 tuần… nên nghĩ mình “chửa trâu”.
Cũng có những trường hợp không nhớ nhầm ngày kinh, nhưng lại tính sai ngày thụ thai. Trường hợp này thường gặp ở những người phụ nữ có vòng kinh dài, 2 - 3 tháng mời thấy kinh một lần. Thậm chí những người có rối loạn phóng noãn, buồng trứng đa nang một năm chỉ hành kinh 1 - 2 lần nên việc tự tính thời điểm mang thai rất khó, dễ tính nhầm cả 1 - 2 tháng. Vậy thời điểm phóng noãn (để thụ thai) là thời điểm nào trong những trường hợp này? Là thời điểm cách ngày hành kinh dự kiến (tháng sắp tới) 14 ngày. Giá trị chẩn đoán tuổi thai chính xác nhất là người phụ nữ có vòng kinh đều 28 - 30 ngày. Khi đó, thường ngày 14 giữa kỳ kinh là ngày thụ thai. Còn những người mà tới 10 - 12 tháng mà vẫn sinh con bình thường, chắc chắn là tính nhầm ngày thụ thai.
Em bé già tháng khi sinh ra dễ dàng nhận thấy bằng các dấu hiệu lâm sàng: nước ối bẩn, em bé bị bong da, da nhăn nheo như người già, móng tay móng chân dài, nhẹ cân… Theo BS Chương, trước đây, khi các phương tiện chẩn đoán chưa có, tỉ lệ chết suy thai do thai già tháng khá cao. Hiện nay, tại BV Phụ Sản T.Ư, tỉ lệ thai già ngày quá 42 tuần chưa đẻ nhập viện để theo dõi chỉ chiếm vài phần trăm, chủ yếu tập trung vào người không nhớ ngày kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Các thai phụ này đều được theo dõi chặt chẽ, nếu các hình ảnh, như siêu âm đo các chỉ số nước ối, đánh giá các độ trưởng thành của bánh rau bằng hình ảnh canxi hóa… Khi chỉ số thai đã đủ trưởng thành mà thai phụ vẫn không có hiện tượng chuyển dạ thì sẽ phải mổ lấy thai trước khi thai bị suy. Vì thế, so với trước đây, tỷ lệ chết suy thai do thai già tháng giảm hẳn đi. |
Hồng Hải