“Càn” trong “ăn bậy nói càn” nghĩa là gì?
Độc giả Lê Thanh Hải hỏi: “Tôi đọc cuốn “Thành ngữ bằng tranh” của Nhà xuất bản Kim Đồng thấy tác giả sách giải thích thành ngữ “Ăn bậy nói càn” như sau:
“Ngày xưa, ở các bến đò, cổng chợ, có những người làm thuê, gánh mướn, thường tụ tập đón khách để gánh thuê. Họ mang theo một chiếc đòn càn. Gọi là những người gánh càn. Họ hay cãi cọ, tranh giành việc của nhau, lại có người lừa lọc cả chủ hàng... nên mọi người có ấn tượng không tốt về người gánh càn. Từ đó, từ càn được dùng ám chỉ những hành động thô tục, càn quấy”.
Tôi thấy cách giải thích trên đây không thuyết phục. Vì những người gánh thuê gánh mướn “họ hay cãi cọ, tranh giành việc của nhau” thì có thể có, nhưng nói rằng “lại có người lừa lọc cả chủ hàng... nên mọi người có ấn tượng không tốt về người gánh càn”, nên “càn” được hiểu là càn bậy “thô tục, càn quấy” thì tôi cho rằng không đúng. Vì xưa nay những người bốc vác hay gánh thuê thuộc nhóm người lao động chân chính và họ rất yếu thế trong xã hội. Bến đò, cổng chợ lại là nơi đông đúc, rất khó để họ giở trò lừa lọc. Mà nếu có chuyện lừa lọc gì đó thì tôi nghĩ cũng không phải là phổ biến đến mức người ta đồng nghĩa người “gánh càn”, gánh thuê với “càn quấy”.
Rất mong nhận được ý kiến nhận xét của các chuyên gia phụ trách mục “Cà kê chuyện chữ nghĩa”. Xin trân trọng cảm ơn”.
Trả lời:
Đúng như nhận xét của độc giả Lê Thanh Hải, giải thích theo cách của sách “Thành ngữ bằng tranh” như vậy là oan cho “những người gánh càn”.
“Càn” là một từ Việt gốc Hán. Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 6 của “càn” # là “một lai do - ###” nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì [nguyên văn vô duyên vô cố - ####].
“Nói càn”, “làm càn” tức nói bậy, làm bậy, nói hoặc làm mà không kể gì duyên cớ, đúng sai. Nghĩa của chữ càn # mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng đúng như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex) ghi nhận: “càn: “[hành động] bừa, không kể gì phải hay trái, nên hay không nên”; “càn bậy • t. [hành động] bậy bạ, bất chấp phải trái, khuôn phép”.
Vì “càn” có nghĩa là không có lí do, duyên cớ gì; không kể gì phải trái, nên động tác dùng cây sào, cây gậy mà gạt bỏ những vật gì đó (bất kể to nhỏ, cao thấp, xấu tốt), cũng gọi là “càn”. Và cái khúc tre thô sơ mà đa năng, dùng để khiêng, gánh, gồng, lúc cần thì thành dụng cụ để càn, gạt, được gọi là “đòn càn”.
Ngày trước, khi chăn vịt chạy đồng, kẻ gian tham lợi dụng khi các đàn vịt chăn gần nhau, thì dùng sào dài hay đòn gánh, đòn xóc gạt vịt trong đàn của nhà khác sang đàn của nhà mình, gọi là “càn vịt”. Ví dụ: “Hôm qua đi chăn vịt không để ý bị nó càn mất 10 con”. Tương tự, “bừa” có nghĩa là càn bậy, ẩu tả, không kể gì đúng sai, được dùng để đặt tên cho một loại nông cụ mà khi sử dụng, nó cũng càn lướt, vùi dập tất cả những gì đi qua, bất chấp đó là cỏ rạ, rác rưởi, hay rong rêu bùn đất.
Trong Đại Nam quấc âm tự vị, mục “càn” #, Huình Tịnh Paulus Của giảng là: “lướt ngang, sấn ngang; càn ngang •id: không thứ tự không kể phép tắc, không kể lớn nhỏ; hỗn hào, nói càn ngang; xiêu càn•nói chung lộn, không thứ lớp. Nói xiêu càn là nói không phân biệt”. (*)
Như vậy, trước khi xuất hiện cái “đòn càn” và “những người gánh càn”, thì bản thân từ “càn” # trong tiếng Việt đã có nghĩa là “bậy bạ”, “càn bậy” rồi. Và chúng tôi đồng ý với độc giả Lê Thanh Hải là việc giải thích từ nguyên theo cách của tác giả sách Thành ngữ bằng tranh là hoàn toàn thiếu cơ sở.
Hoàng Tuấn Công (CTV)