“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình"
1. TINH là những thứ tinh túy nhất của tiên thiên để lại (yếu tố di truyền); tinh còn là những gì tinh túy nhất của hậu thiên sinh ra, nó là chất dinh dưỡng được chắt lọc từ đồ ăn thức uống mà nên; tinh còn là tinh trùng của người nam, là noãn của người nữ, hai thứ đó được kết hợp lại với nhau tạo thành phôi để duy trì nòi giống...
Như vậy, bế tinh có nghĩa là giữ lại, cố định lại, bồi đắp tiếp, đừng để cho tinh bị tiêu tán, hư hao, lãng phí đi thì cơ thể mới khỏe mạnh được.
2. KHÍ là phần dương khí nó được chế hóa kết hợp giữa khí trời với chất dinh dưỡng (cốc khí) mà tạo nên phần khí của cơ thể...
Hiểu theo y học hiện đại, ta cũng thấy rõ tinh chất dinh dưỡng từ ăn uống được hòa vào máu, đưa lên phổi được nhận oxy qua phổi trở thành máu đỏ đi nuôi cơ thể. Trong Đông y, khí còn được hiểu rộng hơn thế nữa bởi khí thuộc dương, khí thuộc lưu hành vận chuyển, khi khí hành thì kéo theo huyết hành, đó gọi là lưu thông khí huyết.
Như vậy, dưỡng khí tức là khí phải được nuôi dưỡng, được bảo vệ, được tăng cường, được lưu thông thì cơ thể mới đầy đủ khí, lục phủ ngũ tạng mới được nuôi dưỡng khỏe mạnh, da lốt hồng hào, tươi nhuận, cơ thể khỏe mạnh, cường tráng.
3. THẦN là thần thái của con người, thần là sự biểu hiện tổng hợp đầy đủ của tinh, khí và huyết, theo Đông y còn thần là còn sống, mất thần là biểu hiện nguy nan cho sự sống.
Như vậy, tồn thần là làm cho thần thái được tồn tại, đọng lại, giữ lại, phát huy mạnh mẽ, không được để thần thái yếu đi, mất đi.
Con người muốn được mạnh khỏe thì quý vị không những phải thực hiện bế tinh, dưỡng khí, tồn thần mà còn phải tiếp tục thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.
4. THANH TÂM là giữ cho tâm trong sáng, thoải mái, thư thái; nếu cuộc sống của quý vị luôn ở trong trạng thái lo âu, sợ hãi, áp lực, đợi chờ, buồn rầu, khổ đau, bất hạnh... thì chúng ta không thể khỏe mạnh được mà cần phải giải tỏa cho tâm luôn thanh thản, biểu hiện ra bên ngoài là thoải mái, tươi vui.
5. QUẢ DỤC là điều hòa ham muốn cho vừa phải, cho phù hợp, giảm đi sự tham lam, nóng giận, si mê dục vọng; sinh hoạt tình dục điều độ...
6. THỦ CHÂN là giữ cho cơ thể được bình hòa, làm cho cân bằng chân âm, chân dương, chân khí, chân huyết, chân hàn (lạnh), chân nhiệt (nóng), chân biểu (ngoài da), chân lý (phủ tạng bên trong).
7. LUYỆN HÌNH là duy trì lao động chân tay cho phù hợp, luyện tập thân thể đều đặn. Mỗi người nên chọn cho mình công việc phù hợp, chọn 1 bài tập thể dục hay 1 môn thể thao thích hợp (như chạy, đi bộ, bơi, xe đạp, tập gym, khí công, thiền hay dance sport) để thực hiện luyện hình không ngừng nghỉ, duy trì và tăng cường sức khỏe bản thân mình.
Tóm lại, muốn tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình được tốt thì phải “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần, thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Bác sĩ Bùi Vũ Khúc