Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt khó chịu và cách khắc phục

Cáu gắt là một trạng thái cảm xúc hoàn toàn bình thường của mỗi con người, đến từ những căng thẳng, áp lực đời sống. Tuy nhiên, cảm giác hay cáu gắt khó chịu thường xuyên có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe thể chất cũng như tâm thần. Hãy cùng bài viết tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục trạng thái hay cáu gắt khó chịu để tránh ảnh hưởng tiêu cực đối với bản thân và những người xung quanh.

Cáu gắt, khó chịu là gì?

Cáu gắt, khó chịu là trạng thái cảm xúc thường gặp của con người, biểu hiện thông qua sự kích động, tức giận, thiếu kiên nhẫn và có xu hướng trở nên dễ mất kiểm soát. Một người hay cáu gắt và khó chịu thường dễ nổi nóng, bực bội hay nổi cơn thịnh nộ nếu cảm thấy bị làm phiền, đặc biệt trong những tình huống căng thẳng. Ở trạng thái cáu gắt, tâm trí bị kích động, các hormone Cortisol, Adrenaline được tiết ra nhiều hơn và khiến cho chúng ta xuất hiện các hành vi mang tính bốc đồng, tiêu cực.

Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu và cách khắc phục 1
Cáu gắt, khó chịu là trạng thái cảm xúc thường gặp của con người

Cảm giác dễ cáu gắt, khó chịu thường đi chung với những triệu chứng sau:

  • Dễ đổ mồ hôi;
  • Tim đập nhanh;
  • Khó tập trung và lơ đễnh;
  • Thở nhanh, hơi thở nông và gấp gáp.

Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu

Tìm hiểu và giải quyết đúng nguyên nhân khiến một người dễ cáu gắt sẽ có thể giúp họ nhanh chóng bình tĩnh và cân bằng lại cảm xúc. Chúng ta có thể cảm thấy khó chịu, bực bội bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc ngay chính bên trong cơ thể.

Do bản chất tính cách

Nguyên nhân hay cáu gắt liên quan đến tính cách sẽ khó thay đổi hơn các tác nhân khác. Những người có xu hướng hay cáu gắt, dễ kích động thường là người có tính cách khá nóng nảy, bốc đồng. Điều này không có nghĩa rằng họ là người xấu, chỉ là khi có cảm xúc tiêu cực, cáu kỉnh, họ thường bộc lộ cảm xúc thật một cách nhanh chóng, thẳng thắn. Những cảm xúc này thường biến mất sau khi họ bình tĩnh lại hoặc vấn đề khiến họ khó chịu được giải quyết.

Nguyên nhân tâm lý

Một số nguyên nhân tâm lý phổ biến có thể gây ra sự cáu gắt:

  • Căng thẳng, áp lực kéo dài: Việc chịu áp lực và căng thẳng quá mức trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu có thể khiến bạn thay đổi tính tình, trở nên tiêu cực, dễ nổi nóng và hay cáu gắt. Căng thẳng có thể bắt nguồn từ công việc, học tập, tình cảm, gia đình hoặc trải qua sang chấn. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ khó quản lý được tâm trạng và có nguy cơ bị chai sạn về mặt cảm xúc. Đồng thời, thường xuyên cáu gắt cũng khiến bạn trở nên ít khoan dung với người xung quanh hơn và các mối quan hệ dễ rạn nứt hơn.
  • Lo âu quá mức: Lo âu là một điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, việc lo lắng quá mức về một vấn đề nào đó sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh, đặc biệt là những thứ gây cản trở hay làm phiền đến vấn đề mà bạn đang lo lắng.
Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu và cách khắc phục 2
Căng thẳng, áp lực có thể khiến bạn dễ nổi nóng và hay cáu gắt

Vấn đề sức khỏe thể chất

Bên cạnh các nguyên nhân tâm lý, cáu gắt cũng có thể gây ra bởi một số các vấn đề sức khỏe thể chất như:

  • Thiếu ngủ: Giấc ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe và tinh thần mỗi người. Việc không ngủ đủ giấc hay mất ngủ sẽ khiến não bộ thiếu năng lượng, đồng thời hormone Cortisol tăng đột ngột sẽ làm cho chúng ta dễ cáu gắt, kích động hơn bình thường. Khi thiếu ngủ, những vấn đề nhỏ nhặt cũng có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và bùng phát cảm xúc tiêu cực.
  • Các cơn đau: Những cơn đau như đau răng, đau mắt, đau do ung thư, đau xương khớp hay cơn đau sau chấn thương, sau phẫu thuật đều có thể khiến người bệnh khó chịu và cáu gắt. Đặc biệt, khi người bệnh có những suy nghĩ tiêu cực về cơn đau sẽ khiến cảm xúc trở nên nhạy cảm, dễ bực tức, kích động hơn bình thường.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Sự thay đổi hormone có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và dễ khiến bạn cảm thấy bực mình, khó chịu, cáu gắt với những chuyện tưởng chừng nhỏ xíu. Mất cân bằng nội tiết tố gây thay đổi tâm trạng theo hướng tiêu cực có thể xảy ra với các chị em vào ngày đèn đỏ, khi mang thai hoặc tiền mãn kinh. Không chỉ riêng nữ giới, nồng độ Estrogen cao hoặc mức Testosterone thấp ở nam giới cũng là nguyên nhân gây triệu chứng hay cáu gắt.
  • Hạ đường huyết: Điều này thường xảy ra ở người mắc bệnh đái tháo đường. Họ thường xuyên cáu gắt, khó chịu, nóng nảy do chỉ số đường huyết không ổn định, làm mất cân bằng Serotonin và một số hóa chất điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc ở não. Một số triệu chứng kèm theo bao gồm chân tay run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, cơ thể lâng lâng,...

Các vấn đề bệnh lý

Có rất nhiều vấn đề bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý về tâm lý, thường bắt đầu biểu hiện bằng sự cáu gắt, khó chịu của người bệnh nhưng ít khi được phát hiện sớm, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm: Là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất, trầm cảm có thể dẫn đến hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn bã, mệt mỏi và tức giận,... Ngoài việc dễ cáu gắt, người mắc trầm cảm còn có thể dễ kích động gây hấn, hành động mạo hiểm tới mức nguy hiểm, lạm dụng chất gây nghiện,...
  • Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu là bệnh lý tâm thần liên quan đến sự lo lắng, sợ hãi, hay cáu gắt, khó chịu thái quá. Tình trạng lo âu kéo dài sẽ khiến người bệnh khó chịu trong người, dễ cáu giận và thậm chí tỏ ra bạo lực.
  • Các rối loạn sợ chuyên biệt: Sợ chuyên biệt là nỗi sợ hãi hoặc ác cảm mãnh liệt đối với đối tượng nào đó (có thể là người, động vật hoặc một tình huống nhất định). Liên tưởng hoặc tiếp xúc với tác nhân gây sợ hãi có nguy cơ khiến bệnh nhân rơi vào hoảng loạn, kích động cáu gắt, và không thể kiểm soát hành động của bản thân.
Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu và cách khắc phục 3
Trầm cảm có thể dẫn đến hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn bã, mệt mỏi và cáu gắt,...

Cách khắc phục việc hay cáu gắt khó chịu

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người thường xuyên cáu gắt, khó chịu. Nhìn chung, nếu không phải do vấn đề bệnh lý thì đa phần việc dễ cáu gắt đều do bản thân mỗi người chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của chính mình. Một số cách giúp hạn chế và kiểm soát tình trạng hay cáu gắt:

  • Học cách hít thở: Mỗi khi cảm thấy tức giận và chuẩn bị "bùng nổ", hãy hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ để lấy lại sự bình tĩnh. Đặc biệt, nếu nguyên nhân khiến bạn hay cáu gắt là do tính cách hay bệnh lý, học cách kiểm soát nhịp thở từ các bộ môn như yoga, ngồi thiền hay dưỡng sinh sẽ rất tốt cho sức khỏe và tâm trí.
  • Thay đổi không khí: Ngồi một chỗ khi đang cáu gắt, bực bội sẽ làm chúng ta càng cảm thấy khó chịu, bức bối hơn. Vì vậy, hãy đứng dậy và đi bộ vài vòng, tìm một nơi thoáng mát và hít thở không khí sẽ giúp tâm trạng tốt hơn rất nhiều.
  • Ăn uống hợp lý, bổ sung thêm rau củ, trái cây: Một chế độ ăn lành mạnh có thể giúp tâm lý nhẹ nhàng, thư giãn, điềm đạm hơn. Đặc biệt là các nhóm rau củ, trái cây hay thực phẩm giàu Carbohydrate dạng phức có thể cung cấp một lượng Serotonin dồi dào cho não bộ giúp cân bằng tâm trạng. Điều này có thể thấy ở những người có xu hướng ăn chay hay ăn các thực phẩm thuần tự nhiên, họ thường điềm đạm, ít nổi nóng và nhẹ nhàng hơn.
  • Sinh hoạt lành mạnh: Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, tốt nhất nên đi ngủ trước 11h giờ; dành thời gian tập thể dục đều hằng ngày để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Chia sẻ cảm xúc: Tâm sự với bạn bè, gia đình để giải tỏa cảm xúc; nếu có các vấn đề về tâm lý hay gặp căng thẳng nghiêm trọng, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.
Nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu và cách khắc phục 4
Học cách kiểm soát nhịp thở từ các bộ môn như yoga, ngồi thiền sẽ rất tốt cho sức khỏe và tâm trí

Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, có rất nhiều nguyên nhân khiến một người hay cáu gắt, khó chịu và trở nên tiêu cực. Dù vì nguyên nhân nào thì việc cáu gắt, nóng nảy cũng không phải là một trạng thái hay tính cách tốt nên cần sớm tìm cách khắc phục. Học cách kiểm soát cảm xúc, thay đổi lối sống lành mạnh sẽ mang đến cho bạn nhiều điều tích cực hơn trong cuộc sống.

Link nội dung: http://lichamtot.com/nguyen-nhan-khien-mot-nguoi-hay-cau-gat-kho-chiu-va-cach-khac-a27455.html