Mới lạ mô hình nuôi sứa cảnh làm thú cưng sứa cảnh biển

Sứa cảnh (tên Tiếng Anh là Ornamental Jellyfish), có kích thước dao động từ 2cm đến 15cm, có con dài đến 1 mét và được nuôi trong bể chuyên dụng. Vài năm trở lại đây, sứa cảnh thở thành mô hình mới, lạ ở Việt Nam, thu hút nhiều người trẻ quan tâm.

Sứa cảnh có tên Hải Nguyệt hiện lên lung linh nhờ thiết bị đèn led lắp trong bể.

Theo đó, trên các trang mạng xã hội xuất hiện “Hội chia sẻ kinh nghiệm nuôi sứa cảnh” có hơn 7.000 thành viên tham gia. Đây là nơi được cộng đồng nuôi sứa cảnh quan tâm, tìm hiểu quy trình, cách thức để nuôi sứa cảnh thành công.

Để nuôi được sứa cảnh, người nuôi cần phải chuẩn bị hồ chuyên dụng, nước ngọt pha muối nhân tạo, thước đo độ mặn và thức ăn cho sứa. Sứa cảnh thích nghi với nhiệt độ từ 22 đến 30 độ, đây được xem là nhiệt độ thích hợp giúp sứa cảnh duy trì sự sống.

Thức ăn của sứa cảnh là Artemia (một loại ấu trùng đông lạnh hoặc tươi sống). Để sứa duy trì sức khỏe tốt, người nuôi phải gắn thiết bị lọc nước giúp thổi luồng nước tạo sóng để sứa có thể bơi được. Độ mặn của nước nuôi sứa có thể duy trì từ mức 1.020 ppt đến 1.025 ppt là ổn định. Hồ chuyên dụng nuôi sứa cảnh có dung tích từ 3 lít trở lên tùy thuộc vào kích thước và số lượng sứa mà người chơi mong muốn đặt vào.

Chị Hoài Thương đang cho sứa cảnh ăn ấu trùng artemia.

Chị Hoài Thương, chủ cửa hàng Suối nhỏ Aqua ở quận Tân Bình (TPHCM), chia sẻ “Để nuôi được sứa cảnh, mình đã phải tìm hiểu tài liệu tiếng nước ngoài và học hỏi những người đã nuôi sứa cảnh trước mình. Mình nên cho sứa cảnh ăn đúng cữ, một ngày mình cho ăn một lần, hoặc một đến hai ngày cho ăn một lần, không cho ăn quá nhiều vì sẽ làm bẩn nước, làm cho môi trường sứa sống không ổn định. Ngoài ra, nhiệt độ cũng quan trọng vì nếu như môi trường quá lạnh hoặc quá nóng thì sẽ làm cho sứa bị yếu đi”.

Việc ngắm nhìn sứa cảnh giúp nhiều người trẻ giải tỏa căng thẳng.

Các dòng sứa cảnh được chị Hoài Thương nhập về từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan… chúng được vận chuyển trên máy bay hoặc tàu để phục vụ thị trường tại Việt Nam.

“Hiện tại, mình thấy giới trẻ đang quan tâm đến sứa cảnh nhưng muốn chăm được sứa thì mình phải có thời gian tìm hiểu. Các bạn có thể nhất thời thích, tuy nhiên khi tìm hiểu sứa mới biết mình có đam mê hay không”, chị Thương nói thêm.

Khi vệ sinh hồ sứa, người chơi phải vớt sứa bằng vợt vì sứa khá mỏng manh nên cần sự tỉ mỉ, khéo léo.

Các đặc điểm, hình dáng của sứa có các tên gọi khác nhau như sứa mặt trăng đỏ, sứa hải nguyệt, sứa ốp la, sứa đốm papua, sứa thủy tinh xanh… Giá thành của sứa cảnh dao động từ 120.000 đồng đến 900.000 đồng mỗi con. Người chơi sứa có thể chi từ 1,5 đến 3 triệu đồng để sắm các thiết bị khi bắt đầu nuôi sứa.

Sứa cảnh được anh Nguyễn Nam (ngụ tại thành phố Long Khánh, Đồng Nai) mua về trang trí tại phòng làm việc.

Anh Nguyễn Nam, ngụ tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cho hay “Tôi cảm thấy khá bối rối khi bắt đầu tập nuôi sứa cảnh nhưng nhờ những chia sẻ của những người có kinh nghiệm nuôi sứa giúp tôi yên tâm hơn, tôi thường đặt hồ sứa cảnh tại bàn làm việc để ngắm nhìn chúng, giúp tôi giải tỏa căng thẳng”.

Những lợi ích mà thú vui nuôi sứa cảnh mang lại không chỉ giải tỏa căng thẳng mà người nuôi có thể làm thành vật dụng trang trí trong phòng ngủ, phòng khách.

Nguồn Tin : https://www.sgtiepthi.vn/moi-la-mo-hinh-nuoi-sua-canh-lam-thu-cung/
web: suoinho.com
hotline: 070 222 222 1

Link nội dung: http://lichamtot.com/moi-la-mo-hinh-nuoi-sua-canh-lam-thu-cung-sua-canh-bien-a27429.html