Trên thị trường chợ đen buôn bán nội tạng người, tim có giá 750.000 NDT (hơn 2,6 tỷ đồng), gan có giá 990.000 NDT (khoảng 3,5 tỷ đồng), thận có giá 1.650.000 NDT (hơn 5,8 tỷ đồng), cả cơ thể người thậm chí có thể bán được gần 10.000.000 NDT (hơn 35 tỷ đồng). Chỉ vì cơ thể con người quá giá trị, nên thi thể của người chết có thể trở thành công cụ kiếm tiền cho những tên tội phạm.
Tại sao khi chết, giá trị của cơ thể lại còn đáng giá hơn khi sống? Những điều mờ ám nào đang ẩn náu trong chợ đen buôn bán nội tạng người? Nguồn ghép tạng hợp pháp là gì?
Đoạn video phóng sự được đăng tải trên trang Sina sẽ tiết lộ những chuyện ít ai biết đằng sau việc buôn bán nội tạng người chết bất hợp pháp.
Trước khi thi thể phân hủy, người buôn bán xác sẽ lấy giác mạc của người chết và ngâm trong dung dịch bảo quản ở nhiệt độ 4 độ C. Trong khi đó, tim, gan và thận của họ cũng sẽ được lấy ra và đóng gói đưa sang Châu Âu. Tiếp theo, da sẽ được lột và bán cho bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ. Cuối cùng, phần xương còn lại sẽ được trường y mua lại và dùng để làm vật mẫu thí nghiệm.
Cơ thể của người chết sẽ được tháo rời thành các bộ phận riêng lẻ và được gửi đến tất cả những nơi có nhu cầu trên thế giới. Nhiều người cho rằng, khi con người chết đi, họ sẽ đến nơi an nghỉ nào đó, nhưng dưới sự thâm độc của những kẻ trục lợi, thì thi thể người chết sẽ là công cụ kiếm tiền tốt nhất.
Từ thế kỷ 18, việc buôn bán thi thể đã xuất hiện. Vào thời điểm đó, một thi thể có thể được bán với giá từ 7 đến 10 bảng Anh (từ 222.000 đến 317.000 đồng theo tỷ giá hiện tại). Và một cơ thể chất lượng cao thì có thể bán được với giá 25 bảng Anh (794.000 đồng tính theo tỷ giá hiện tại).
Đây là một con số khá khủng, bởi lẽ thời đó công nhân nhà máy bình thường chỉ có thể kiếm được 6 xu một tuần. Nếu chăm chỉ làm việc trong 3 năm thì họ mới kiếm được 10 bảng Anh.
Khi chết rồi, bạn mới kiếm được nhiều tiền. Điều đó có quá chua chát không? Không ai nghĩ rằng một thi thể bốc mùi lại có thể có giá trị như thế.
Trên thực tế, trong mắt của người buôn bán thi thể, nội tạng thì mỗi thi thể đều là tiền, và rất có giá trị.
Xương người là một trong những bộ phận phổ biến nhất trong thị trường chợ đen. Vào thế kỷ 19, nghiên cứu y học phương Tây đang trong giai đoạn khá khủng hoảng, các mẫu xương người bị thiếu hụt trầm trọng, và những kẻ buôn bán thi thể bắt đầu bán xương người.
Sự xuất hiện của hai kẻ sát nhân gây ám ảnh vào cuối thập niên 1820 là William Burke và William Hare đã dấy lên trào lưu bán thi thể. Trong vòng 1 năm, hai kẻ này đã giết chết 16 người và bán thi thể cho các bác sĩ phẫu thuật để khám nghiệm tử thi.
Để ngăn chặn những sự cố nguy hiểm như trộm mộ và giết người, chính phủ các nước bắt đầu cấm các trường y khoa lấy xương trái phép. Nhưng theo cách này, xương người là không đủ. Vì vậy, những kẻ buôn xương người đã để mắt đến thuộc địa của người da đỏ, sau đó bán cho các trường y ở Châu Âu.
Vào năm 1984, Ấn Độ xuất khẩu tới 60.000 hộp sọ và xương, hầu hết trong số đó đều được lấy bất hợp pháp. Những kẻ buôn xương người thu nhập xác của những người vô gia cư, vớt xác trôi trên sông Hằng, đánh cắp xác chết từ nghĩa trang và nhà xác, thậm chí xác chết bị đánh cắp sau khi người nhà rời khỏi nơi an táng.
Vào thời kỳ đỉnh điểm của nạn buôn bán xương người, một nhà máy sản xuất xương người ở Kolkata, Ấn Độ đã kiếm được 1 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Số lượng người chết cuối cùng cũng có hạn, khi nghĩa trang bị đánh cắp và trống rỗng, các phương thức phạm tội của những kẻ buôn xương người thậm chí còn tàn ác hơn.
Năm 1985, giới chức Ấn Độ đã bắt được một băng nhóm tội phạm bắt cóc và giết hại 1.500 trẻ em nghèo. Chẳng bao lâu, luật pháp Ấn Độ đã ra luật cấm xuất khẩu xương người, nhưng vì nghèo đói, nhiều người dân đã chọn bán hài cốt của gia đình cho kẻ buôn xương người, để tiết kiệm chi phí tang lễ cũng như để dành sống qua ngày. Cứ như vậy, những kẻ buôn bán xương người vẫn tiếp tục hành vi của mình dưới chiêu bài “chỉ bán trong nước”.
Ngày nay, nhu cầu về xương người vẫn rất lớn ở nước ngoài, có thể dễ dàng tìm thấy xương người trong các lĩnh vực y học, nghệ thuật và khoa học.
Ví dụ: Một chiếc túi xách được thiết kế với hình ảnh đốt sống của trẻ em, một nhà thờ được trang trí bằng xương của người Séc, hay một cuộc triển lãm về da người và xương người tại Bảo tàng Anh.
Iran là quốc gia duy nhất cho phép buôn bán nội tạng con người. Quy trình mua bán thận có thể đơn giản hơn so với việc mua chiếc xe điện Tesla. Chính phủ cũng chi trả phí phẫu thuật cấy ghép và bảo hiểm sức khỏe của người hiến thận trong một năm sau khi phẫu thuật.
Do đó, người Iran không cần phải chờ đợi quá lâu để cấy ghép nội tạng. So với Iran, các quốc gia khác lại không bằng. Năm 2014, 4.761 người Mỹ chết trong khi chờ lấy nội tạng. Sự thiếu hụt của các cơ quan hợp pháp đã không thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân, vì vậy thị trường chợ đen buôn bán nội tạng đã "nổi lên".
Năm 2010, trên thế giới có khoảng 1 triệu bệnh nhân cần ghép tạng, nhưng chỉ có 100.000 ca được ghép, trong đó có khoảng 10.000 ca được ghép qua con đường bất hợp pháp.
Ở Trung Quốc, thị trường buôn bán thi thể cũng là ngành kinh doanh có thu nhập nhiều và nhanh. Điển hình nhất trong số này là tục minh hôn hay còn gọi là đám cưới ma. Ở những bản làng xa xôi, nhiều gia đình Trung Quốc cho rằng lúc còn sống nếu như chưa lập gia đình là một chuyện vô cùng đáng tiếc, vì vậy người xấu số qua đời khi còn trẻ thì ở âm phủ sẽ rất cô đơn, do đó mới xuất hiện tục minh hôn.
Trong tục minh hôn, thi thể phụ nữ cũng được chia thành 3 đến 6 hoặc 9 loại dựa trên các yếu tố như tuổi tác, ngoại hình, độ “tươi” cũng như nền tảng gia đình và các yếu tố khác, mỗi thi thể có thể bán được đến mấy trăm ngàn NDT (vài trăm triệu đồng).
Năm 2016, sau khi bà Vương, 47 tuổi bị sát hại, thi thể của bà đã được bán đến một ngôi làng ở miền núi phía Bắc Thiểm Tây (Trung Quốc) với giá là 40.000 NDT (khoảng 141 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) và được sử dụng để thực hiện tục minh hôn cho một người đàn ông còn sống.
Nhộn nhịp thị trường buôn bán nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc
Vì nội tạng người rất quý giá nên nhiều người khó khăn về tài chính sẽ tự nguyện đi theo con đường nguy hiểm này.
Tại nhiều làng ở các khu ổ chuột Ấn Độ và Nepal, mọi người có thể nhìn thấy vết sẹo 30cm trên thắt lưng của đàn ông hay phụ nữ. Với mỗi quả thận được bán, họ có thể thu được khoảng từ 10.000 đến 30.000 NDT (35 triệu - 106 triệu đồng).
So với cuộc “đại phẫu” cắt bỏ thận, thì việc lấy máu và trứng đơn giản hơn rất nhiều
Mọi người luôn có thể thấy những mẩu quảng cáo nhỏ về “hiến trứng để mang thai hộ” và “hiến máu trả tiền” trên cột điện thoại và sau cửa nhà vệ sinh công cộng, và điều này có thể đem lại thu nhập hàng chục nghìn nhân dân tệ (vài trăm triệu đồng).
Nhưng, rủi ro khi bán máu và trứng không nhỏ hơn bán thận.
Trước hết, bán máu có thể bị nhiễm HIV-AIDS.
Tại các điểm lấy máu trái phép, họ sẽ dùng chung các thiết bị lấy máu để tiết kiệm chi phí, vì vậy chẳng may có người bán máu nào bị nhiễm HIV-AIDS thì chắc chắn là những người khác cũng không tránh khỏi.
Không chỉ vậy, đối với một đơn hàng 400cc máu, người mua trả giá khoảng 2.000 NDT (hơn 7 triệu đồng), nhưng sau khi chia chác thì cuối cùng người bán máu chỉ nhận được từ 400 - 500 NDT (1,4 - 1,5 triệu đồng).
Việc bán trứng còn nguy hiểm hơn.
Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, chỉ có một nang noãn có trứng. Để có được nhiều trứng, người trung gian sẽ tiêm thuốc kích thích sự phóng noãn cho cô gái và lấy ra khoảng 20 quả trứng mỗi lần.
Một khi buồng trứng bị kích thích quá mức, thì người phụ nữ đó sẽ mắc bệnh về buồng trứng như suy buồng trứng và các bệnh khác. Trong khi đó, số tiền nhận được có khi không bằng một nửa những gì được hứa sẽ trả.
Máu, trứng và nội tạng ban đầu nhằm mang lại hy vọng cho bệnh nhân, nhưng trên thị trường chợ đen, nội tạng người đã trở thành những viên gạch vàng để trục lợi.
Trung Quốc là đất nước rất coi trọng vấn đề ghép tạng nên đã hình thành một hệ thống hiến và ghép tạng tương đối hoàn chỉnh. Tính đến tháng 2 năm 2021, Trung Quốc đã có khoảng 3,02 triệu người đăng ký tự nguyện, với khoảng 100.000 bộ phận cơ thể được hiến tặng.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm ở Trung Quốc có khoảng 300.000 bệnh nhân chờ ghép tạng, nhưng số ca ghép tạng mỗi năm chỉ khoảng 20.000 ca.
Nội tạng người đang thiếu hụt, điều này đã tạo cơ hội cho những kẻ buôn bán bất hợp pháp. Kể từ năm 2011, có 63 trường hợp liên quan đến tội tổ chức mua bán nội tạng trong nước, nhưng có nhiều kẻ buôn bán chưa bị pháp luật xử phạt.
Nếu nội tạng của con người trở thành hàng hóa, chúng ta cũng phải đối mặt với một tương lai tàn khốc như vậy: Người giàu sẽ tiêu tiền để tiếp tục cuộc sống của họ, và người nghèo sẽ đánh đổi mạng sống của mình để lấy tiền.
Buôn bán nội tạng bất hợp pháp sẽ mang đến sự bạo lực, tạo ra nhiều tội phạm, gây áp bức, bóc lột và gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa người với người.
(Nguồn: Sina)
Link nội dung: http://lichamtot.com/sau-khi-chet-di-gia-tri-co-the-cua-nguoi-chet-tren-thi-truong-cho-den-a27251.html