Những sứ giả ấy là ai? Vũ nói, trước hết là những sinh vật chỉ còn nghe nhắc đến tên, đến loài, nay đã hoàn toàn tiệt chủng. Như loài khủng long có vẩy sừng, cao hàng chục thước, nặng 70 - 80 tấn mỗi con ở kỷ Jura hay khủng long ăn thịt Tyrannosaurus khét tiếng hung hãn với danh truyền “bạo chúa thời Bạch Phấn” xuất hiện cách đây khoảng 150 triệu năm trước.
Ngày nay người ta còn nhắc đến loài khủng long ăn cá sấu Megalosaurus, khủng long “mặc áo giáp” Stegosaur với lớp da dày có gai cứng trên lưng, kể cả khủng long Dicraeosaurus nằm ven bờ nước thường há mồm cho lũ cá chạy tọt vào cổ. Tất cả đều đã tuyệt tích. Vũ nói: “Tất cả chúng là bằng chứng của hư vô. Nghệ thuật có thể khắc họa chúng thế nào đó cho người xem liên tưởng đến những khoảng trống lạnh lẽo vẫn đang tồn tại sau lưng cuộc tiến hóa của muôn loài”.
Gợi mở từ những bóng hình “có có không không” ấy, Vũ thử phát họa “chân dung hư vô” qua những sinh vật tồn tại rồi biến mất kia. Bắt tay vào việc, anh dựa vào một số tài liệu khoa học để tái hiện một khủng long bạo chúa cao hơn 3 thước, thân dài 10 thước, bằng xi măng cốt sắt. Khác với những tác phẩm hiện trưng bày tại các gallery ở TP.HCM, con khủng long bạo chúa trên đang nằm yên ngoài sân của quán cà phê thân hữu mang tên Chiền chiền (số 42/11 đường Đồng Xoài, P.13, Q. Tân Bình) mà chủ tiệm là nhà thơ, nghệ sĩ diễn ngâm Thúy Vinh. Nó nằm đó như một tác phẩm gửi từ hư vô tới, để đón đợi những đôi mắt yêu nghệ thuật tạo hình đến ngắm và suy ngẫm về lẽ tồn tại “thành, trụ, hoại, không”.
Trụ Công Vũ với bộ khủng long - Ảnh : T.C.V cung cấp |
Cũng với mong muốn thể hiện một số đề tài liên quan đến nội dung trên, Vũ tiếp tục tạo hình, đắp nổi phù điêu các vị La hán từng cầm chùy đánh vỡ hư vô, thoát vòng sinh tử - hiện trang trí quanh quán cà phê văn nghệ Tượng đá (số 292/2A Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh). Ở đó đã có những buổi trưng bày thư pháp, giới thiệu những tác phẩm mới, trao đổi bàn tròn về nhiều chủ đề sáng tác như: tồn tại và hư vô. Mà, theo Vũ, mọi tồn tại, trước hết, đều gắn liền với hư không bao la - “tìm cách thể hiện hư không trong tác phẩm của mình là điều tôi đang dốc sức”.
Khi chúng tôi hỏi hư không vốn vô hình vô ảnh, chẳng có mắt tai mũi lưỡi, làm sao thể hiện, tạc tượng được? Vũ đáp: “Hư không giống như nước chảy, chẳng có hình dáng cố định, hễ nước chứa trong bình hình vuông thì nước có hình vuông, nếu chứa trong bình hình tròn thì nước có hình tròn. Hư không cũng vậy, không hình không bóng, nhưng dung chứa tất cả chúng ta. Hư không gần gũi từng giờ, từng khắc bên ta, nhưng cũng rất xa ta, dù ta cất công đi tìm cũng không bao giờ gặp một hình bóng cố định của hư không”.
Tuy vậy, Vũ vẫn tìm cách đặc tả hư không đó qua các hình dáng có thể. Để, tuy không thấy được toàn thể, nhưng cũng gởi đến người xem một phần nào đó gợi nhớ đến hư không. Trong hư không vô cùng tận mà cảm nhận hư vô. Gần đây nhất, trong một chuyến đi dài ra khỏi cảnh sống náo nhiệt ở thị thành, đến một vùng núi vắng vẻ ở Bình Thuận, từ trên đỉnh cao nhìn xuống, anh thốt lên: “Mình đã thấy hư vô!”.
Cây bồ đề 3.000 lá bằng composite đầu tiên ở VN - Ảnh : T.C.V cung cấp |
Lúc ấy, anh không say vì rượu bia mà sao nói giống như người trong mộng. Nhưng không, anh đang sống thực, bởi ít lâu sau, anh dẫn chúng tôi đến tịnh viện Từ Nghiêm ở Đại Tùng Lâm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ cho xem một trong những “chân dung của hư vô” mà anh phác họa, điêu khắc. Ban đầu ai nấy đều nói: “Hư vô ở đâu đây? Đây là tượng Địa Tạng vương Bồ Tát cơ mà!”. “Đúng vậy, các anh nên nhớ dẫu hư không có cùng có tận, thì đại nguyện của Địa Tạng vương vẫn không cùng không tận bao giờ. Ngài đã nguyện gì? Ngài nguyện tất cả tội nhân trong địa ngục đều thoát khổ và được thăng hoa, bấy giờ Ngài mới thành chánh giác.
Nên đến nay Ngài vẫn một tay cầm tích trượng để dộng cửa lao tù, mở toang ngục thất, một tay cầm viên bảo châu Như ý chiếu sáng đường đi cho lớp lớp linh hồn. Như thế đó, Ngài bao trùm cả hư không trong đại nguyện của Ngài. Vì địa là sâu dày, tạng là gồm chứa. Gồm chứa sâu dày đến nỗi hư vô cũng bó mình trong ấy”. Vũ nói sẽ tiếp tục tạc tượng Địa tạng để khi nhìn tượng nhớ đến đại nguyện vì đời, nhớ đến hư vô bị ánh sáng bảo châu quét ra ngoài đại địa: “Tôi chọn con đường thể hiện bóng dáng của hư vô bằng tâm cảm của mình như thế”.
Vũ đã có nhiều công trình điêu khắc vô danh đặt tại Đà Nẵng, TP Vinh, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu trong mười mấy năm qua. Tại TP.HCM, có lẽ công chúng lần đầu biết nhiều đến Vũ qua một số tác phẩm trưng bày tại Cung Văn hóa Lao Động vào dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM. Số đông thân hữu văn nghệ lại mến phục Vũ qua tác phẩm Cây bồ đề đặt tại chánh điện Giác Quang Diệp Thất (chùa Lá) ở quận Gò Vấp, với gần ba nghìn chiếc lá được tạo hình từ chất liệu composite, đứng xa 20 - 30 thước trông như lá thật. Anh nói, hai tiếng bồ đề có nghĩa là giác ngộ. Và anh đã “giác ngộ” rằng, không thể nào vẽ được chân dung của hư vô, thế nhưng vẫn có thể cảm nhận nó, nhất là vào những ngày dành riêng cho người cõi âm như rằm tháng bảy Đinh Hợi 2007 - ngày xá tội vong nhân, ngày của những người về lại với hư không...
Giao Hưởng