Chùa Ngọc Hoàng là một trong những ngôi chùa lớn, đẹp và nổi tiếng linh thiêng ở TP.HCM. Đến với chùa Ngọc Hoàng, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng kiến trúc đẹp, tham gia các hoạt động tâm linh và có cơ hội cầu nguyện cho sự bình an và may mắn trong cuộc sống, đặc biệt là chốn linh thiêng để cầu con và cầu tình duyên. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá lịch sử, kiến trúc và thời điểm thích hợp để tham quan cảnh quan tại chùa Ngọc Hoàng.
Chùa Ngọc Hoàng còn có tên gọi khác là Điện Ngọc Hoàng hay chùa Phước Hải Tự là một trong những địa điểm tâm linh nổi tiếng từng tiếp đón tổng thống Mỹ Barack Obama. Tọa lạc tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ quen thuộc với người dân Sài Gòn cũng như du khách bởi vẻ đẹp cổ kính và là nơi linh thiêng để cầu tình duyên, con cái.
Chùa Ngọc Hòa Từng tiếp đón tổng thống Mỹ Barack Obama
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XX, do một người tên Lưu Minh với pháp danh là Lưu Đạo Nguyên người Quảng Đông, Trung Quốc xây dựng. Ban đầu vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, được Lưu Minh sử dụng vừa là nơi thờ phượng, vừa làm nơi họp kín để lên kế hoạch lật đổ nhà Mãn Thanh.
Về sau năm 1982, điện thờ được Hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản, kể từ đó điện thờ này thuộc quyền quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, điện Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng vì khu chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng của người Trung Hoa.
Chùa Ngọc Hoàng mở cửa tham quan từ 7h sáng đến 17h30 chiều hàng ngày. Riêng những ngày mùng 1 và ngày rằm âm lịch chùa sẽ mở cửa từ 5h sáng đến 19h tối.
Để cho chuyến tham quan được thuận lợi hơn bạn nên sắp xếp thời gian phù hợp với giờ hoạt động của chùa để chuyến đi được trọn vẹn hơn.
Chùa Ngọc Hoàng được đặt tại địa chỉ 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Bạn có thể di chuyển đến chùa bằng nhiều phương tiện khác nhau như:
- Xe buýt: hiện nay có các tuyến xe Buýt số 18, 93, 150 đến các điểm dừng gần chùa Ngọc Hòa như đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Đài truyền hình Thành Phố,... Từ các điểm dừng này bạn có thể đi bộ, xe ôm hoặc Taxi để đến chùa.
- Xe máy, ô tô: Nếu bạn sử dụng xe máy hay ô tô cá nhân, hãy tìm địa chỉ trên bản đồ và lái xe theo hướng dẫn.
- Taxi/xe ôm: Nếu bạn muốn di chuyển thoải mái và không mất thời gian, hãy gọi taxi hoặc đặt xe grab để đến chùa Ngọc Hoàng.
- Nếu bạn ở các tỉnh khác đến thành phố, thì có thể chọn phương tiện như máy bay, xe khách phù hợp, khi đến trung tâm thành phố bạn có thể đặt taxi hay xe ôm chở bạn đến chùa. Hoặc đặt xe dịch vụ để tài xế chở bạn đến đúng chùa Ngọc Hòa, tuy nhiên do đường Mai Thị Lựu tương đối nhỏ bạn nên cân nhắc với những xe kích thước lớn.
Bạn có thể tham quan Chùa Ngọc Hoàng vào bất kỳ thời điểm trong năm. Tuy nhiên, để tránh đông đúc và xếp hàng chờ đợi, bạn có thể lựa chọn thời điểm thấp điểm, ví dụ như vào các ngày trong tuần hoặc vào buổi sáng sớm, tránh đi vào các ngày chùa có lễ bạn sẽ cảm nhận được sự bình dị và trọn vẹn vẻ đẹp cổ kính của cảnh quan nơi đây.
Chùa Ngọc Hòa nằm trong khuôn viên rộng khoảng 2300m2, thiết kế theo kiểu đền chùa Trung Hoa được trang trí rực rỡ, theo dòng lịch sử ngôi chùa khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính nhuốm màu thời gian. Chùa sử dụng gạch xây dựng và mái lợp ngói âm dương, bờ nóc và góc mái được trang trí bằng nhiều tượng gốm màu. Các linh vật được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo rất chân thực. Trong chùa lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật như tranh thờ, tượng thờ, hương án, câu đối,... được làm bằng chất liệu gỗ, gốm và giấy bồi. Ngôi chùa này không chỉ thu hút về tâm linh mà còn bởi phong cách kiến trúc tuyệt đẹp này.
Kiến trúc mái lợp ngói âm dương.
Khác với vẻ ngoài cổ kính, bên trong các điện chùa Ngọc Hòa đã được trùng tu đôi phần. Bên cạnh việc giữ lại những kiến trúc cổ đặc trưng, các hoa văn và họa tiết được trang trí rực rỡ, toát lên vẻ đẹp đầy ấn tượng. Năm 1994, Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Ngọc Hòa được chia làm 3 gian, mỗi gian mang một lối kiến trúc độc đáo đậm nét cổ xưa và thờ những vị thần khác nhau.
- Gian giữa: Là không gian lớn nhất bao gồm tiền điện, trung điện và chánh điện. Vị trí tiền điện, bên trái thờ thần Thổ Địa, bên phải là thần Môn Quan. Trung điện thờ Phật Dược Sư, hai bên là tượng của Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng. Vị trí chánh điện là nơi đặt tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế có thiên binh thiên tướng đứng hầu. Bên trái là Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải thờ Phật Chuẩn Đề.
Ngọc Hoàng Đại Đế tại Chùa Ngọc Hoàng
- Gian bên trái: Gian này bao gồm ba điện thờ. Điện thứ nhất thờ nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng Lỗ Ban, Thái Tuế. Điện thứ hai thờ Thập Điện Diêm Vương bao gồm 10 bức chạm gỗ tái hiện rõ nét 10 cửa địa ngục, mỗi bên đặt 5 bức. Điện thứ ba thờ tượng Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở và 13 đức thầy. Đó là lí do vì sao chùa này nổi tiếng với cầu con vô cùng hiệu nghiệm.
- Gian bên phải: không gian này bao gồm nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà cùng bài vị của những người quá vãng. Bên trong điện thờ Phật bà có cầu thang gỗ dẫn lên hướng điện Quan Âm.
Không gian phía sau chùa Ngọc Hoàng trước kia từng có một ngôi miếu thờ đá của người Khmer, sau này khi chùa Ngọc Hoàng được xây dựng ngôi miếu này được cải tạo và trở thành miếu thờ Ông Đá như ngày nay. Bên trong miếu thờ đặt một viên đá hình chữ nhật được lấy từ núi Thái Sơn ở Trung Quốc. Phía trước là lưu hương, bên trái là đá Bạch Hổ, bên phải là đá Thanh Long.
Ngoài ra chùa còn thờ các vị Phật, Bồ Tát, các vị thần theo tín ngưỡng người Hoa như Phật Thích Ca, Địa Tạng Vương Bồ Tát,... Tổng cộng có khoảng 300 tượng thờ được làm bằng gỗ và chạm khắc tinh xảo.
Với vị trí nằm giữa lòng thành phố, chùa Ngọc Hoàng không chỉ đem lại vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy mà còn là nơi gắn kết tình yêu thương giữa con người và đạo Phật. Nơi bạn có thể đến để cầu con, cầu tình duyên và cầu bình an sức khỏe:
Chùa Ngọc Hoàng có một điện thờ nằm phía bên trái của chùa thờ Kim Hoa Thánh Mẫu cùng 12 bà mụ coi sóc việc sinh nở và 13 đức thầy, đây là nơi được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến để cầu ước con cái. Khu vực này luôn đông đúc người ra vào không kém so với điện thờ Ngọc Hoàng.
Với nghi lễ đơn giản, được hướng dẫn tận tình nhiều người sẵn lòng từ nơi xa đến đây để thành kính dâng lễ nguyện vọng. Không biết có linh nghiệm thực sự hay không nhưng có rất nhiều người đến đây cầu con và đã được toại nguyện. Và sau đó họ đã trở lại để tạ lễ. Ngay cả những đang mang thai cũng đến đây để cầu “ mẹ tròn con vuông”, mong muốn đứa bé sinh ra được bình an, hạnh phúc. Chính vì thế nơi này còn có tên gọi là chùa cầu con linh thiêng tại Sài Gòn.
Việc cầu tình duyên tại đây cũng không hề kém so với việc cầu con cái. Trong chùa Ngọc Hoàng có thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, đây là nơi được các bạn đến để cầu ước tình duyên với mong muốn tìm được ý trung nhân, không còn cô đơn lẻ bóng.
Mọi người thường truyền tai nhau rằng chỉ cần đến đây thắp hương, khấn tên mình và tên người ấy, sau đó sờ vào tượng thờ Ông Tơ Bà Nguyệt để xin kết duyên. Khi đó, Thánh Mẫu sẽ thỏa ước nguyện, để cho Ông Tơ Bà Nguyệt kết duyên tơ hồng.
Bên cạnh sự nổi tiếng linh thiêng trong việc cầu tình duyên, con cái, chùa Ngọc Hoàng cũng được mọi người đặc biệt quan tâm đến đây để cầu sức khỏe, bình an. Bạn có thể đến điện thờ Phật Dược Sư thành tâm khấn phật cầu mong sức khỏe tốt, bình an cho bản thân và người thân của mình.
Hằng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch chùa sẽ tổ chức lễ vía Ngọc Hoàng là lễ hội lớn nhất trong năm. Vào ngày lễ này các du khách đổ xô về đây rất đông để dâng hương giải hạn, cầu tài lộc, may mắn và bình an cho một năm sắp đến. Bạn có thể sắp xếp đến đây vào dịp này để cầu nguyện và trải nghiệm không khí lễ hội nơi đây.
- Vì chùa là chốn linh thiêng nên khi đến đây bạn nên chọn trang phục trang trọng, kín đáo, không quá màu mè, không quá phản cảm.
- Trong lúc tham quan chùa, cần giữ gìn vệ sinh và không gây ồn ào hoặc phá hỏng công trình kiến trúc của chùa, không vứt rác bừa bãi.
- Nếu muốn cầu nguyện tại chùa, hãy xếp hàng và tuân thủ các quy định của chùa.
- Nên xin phép ban quản lý nhà chùa trước khi chụp ảnh hoặc quay phim các công trình kiến trúc tại đây.
Ngoài chùa Ngọc Hoàng, bạn cũng có thể ghé thăm một số địa điểm du lịch khác trong khu vực như:
- Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: Cách chùa Ngọc Hoàng khoảng 3,9km. Địa chỉ: 97A Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM.
- Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh: Cách chùa Ngọc Hoàng khoảng 3,1km. Địa chỉ: 07 Công Trường Lam Sơn, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
- Bưu điện Trung tâm Sài Gòn: Cách chùa Ngọc Hoàng khoảng 2,6km. Địa chỉ: 02 Công xã Paris, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
- Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn: Cách chùa Ngọc Hoàng khoảng 2,5km. Địa chỉ: 01 Công xã Paris, Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.
- Dinh Độc Lập: Cách chùa Ngọc Hoàng khoảng 2,7km. Địa chỉ: 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM.
Chùa Ngọc Hoàng là một địa điểm tôn giáo tâm linh hấp dẫn và nổi tiếng của TP.HCM. Với kiến trúc đẹp, cổ xưa, các hoạt động tôn giáo, cầu tình duyên, con cái mang nghĩa tâm linh cao, chùa đã thu hút rất nhiều người dân và khách du lịch đến tham quan, cầu nguyện và tìm kiếm sự bình an trong cuộc sống. Nếu có dịp đến TP.HCM, bạn hãy ghé thăm chùa Ngọc Hoàng để trải nghiệm và cảm nhận sự linh thiêng của ngôi chùa này.
Link nội dung: http://lichamtot.com/chua-ngoc-hoang-chua-cau-con-cau-duyen-o-tphcm-a21702.html