Huyền thoại đền chúa Nguyệt

  • Thần đồng - Huyền thoại và sự thật!
  • Truông Bồn - Chứng tích của miền đất huyền thoại


Một lần ngược núi đồi Yên Thế, để nghe vang vọng đâu đây âm hưởng thần kỳ từ những bản hùng ca quật cường cuộc khởi nghĩa nông dân do người anh hùng Đề Thám lãnh đạo, chúng tôi được người dân bản địa giới thiệu thêm rằng, Yên Thế còn có đền Nguyệt Hồ rất linh thiêng, huyền bí - là nơi duy nhất tại Việt Nam thờ Chúa Bói, là địa chỉ văn hoá tâm linh của những đồng cô, đồng cậu vẫn luôn thành tâm hành hương về hầu chúa, được chiêm bái cảnh sắc, không gian giữa núi rừng ngàn năm xanh ngút. Đặc biệt, du khách đến đây được lắng đọng tâm hồn trong những cung bậc thần tiên của điệu hát văn, hầu thánh.

Lưu danh huyền thoại

Ai lên tới Cao Sơn Bạch Mã, hỏi thăm đền chúa Nguyệt nơi nao? Ghé hỏi thăm phố Kép đi vào/ Ngã tư Bố Hạ có con đường vào mỏ than/ Ngôi đền thờ Chúa có miếu Cậu, lầu Cô/ Xung quanh đá mọc lô xô con đường vào/ Cây ngọc lan xanh biếc bốn mùa”... Lời hát văn ca ngợi phong cảnh đền Nguyệt Hồ đã khá quen thuộc với nhân dân quanh vùng và những ai “mộ đạo”.

Nằm giữa những triền núi non trùng điệp, từ lâu, hát văn đã trở thành “đặc sản” tâm linh tại đền Nguyệt Hồ, xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Nơi đây giáp với địa phận huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), các sinh hoạt, tập quán đồng bào quanh xã Hương Vĩ mang đậm dấu ấn vùng núi.

Khung cảnh đền Nguyệt Hồ nhìn từ phía sau.

Bà Nguyễn Thị Chắt 90 tuổi - thủ nhang tại đền kể rằng: Cả nước duy chỉ có đền này thờ “Chúa Bói”, theo quan niệm, những thầy chiêm tinh, địa lý, thanh đồng khi trình đồng mở phủ đều lên đây dâng văn, xin lộc thánh. Trong đó một trong những nét văn hóa không thể thiếu là hát văn, hầu đồng.

Truyền thuyết kể rằng: “Bà Nguyệt Nga là người vùng Yên Thế, có lòng nhân hậu, lão tổ Quỷ Cốc Tử tiên sinh đã thương tình và truyền dạy cho bà pháp thuật chiêm tinh, tướng số và đặt tên hiệu là Nguyệt Hồ. Để ghi nhớ công lao và cuộc đời của Chúa, người đời sau dâng văn rằng: “Sống âm thầm mồ côi cha mẹ/ Gặp được thầy Quỷ Cốc tiên sinh/ Một đời người đi làm phúc cứu dân/ Tiên sinh ban phép đặt tên Nguyệt Hồ/ Tiếng đồn cho tới Kinh Đô/ Có bà Chúa Bói Nguyệt Hồ rất hay/ Cửa nhà gia sự hôm nay/ Đồng gia tín chủ Chúa Bà chỉ cho/ Chúa truyền các ghế khỏi lo/ Sắm danh sửa lễ làm tôi Chúa Bà/ Dâng lên vải vóc lụa là/ Thoi xanh, ngựa tía tiến về ngàn xanh...”.

Sau khi học được phép của Tiên Sinh, bà dành cả đời mình để làm phúc giúp dân lành. Chẳng bao lâu, danh thơm ấy đã lan truyền tới kinh đô, đức vua bèn mời chúa về, mỗi lần ra trận chống giặc xâm lăng, vua đều cho người đến, nhờ bà xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược. Giới thanh đồng thường nhận xét rằng: Bà chúa Nguyệt Hồ khi ngự đồng thường mặc áo xanh, múa mồi. Ngày lễ tại đền Nguyệt Hồ vào 15-2 âm lịch, tại đây phần tế được tiến hành với những nghi lễ độc đáo là lễ hát dâng văn. Người được chọn diễn xướng hát văn phải có giọng hát hay, đàn giỏi, đức tài trọn vẹn và gia đình không có tang bụi.

Điểm đến tâm linh

Ghé thăm đền Nguyệt Hồ, du khách không chỉ được trải nghiệm, thưởng thức những giá hát văn hầu đồng mà còn là dịp để tưởng nhớ đến công lao to lớn của chúa, nhắc nhở thế hệ trẻ cần có cái nhìn, tình cảm trân trọng cuộc sống có được như ngày hôm nay.

Trong hậu cung đền Nguyệt Hồ đặt tượng Bà Chúa bản đền, chúa Nguyệt Hồ, tức Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng Chầu, ông Hoàng, các Cô, Cậu và Đức Thánh Trần. Hai cung ngoài tòa đại bái cũng bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Như vậy, theo bề dày lịch sử, đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên nhiều lớp tín ngưỡng, ngoài thờ “Bà chúa Nguyệt Hồ- Chúa Bói”, còn thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”, thờ Cô, thờ Cậu, thờ Sơn Trang, thờ các ông Hoàng và đức Thánh Trần Triều...

Một vấn hầu đồng, hát văn ở đền Nguyệt Hồ.

Được chứng kiến một canh hát văn, hầu đồng ở đền Nguyệt Hồ thật sự mang đến cho mọi người nhiều cảm xúc. Tiếng trống từ từ vang lên, âm thanh nỉ non của sáo trúc, sáo mèo, đàn nguyệt, đàn tranh hòa quyện giữa núi rừng khiến cho buổi lễ có sức hút lạ kì. Trên ban thờ, lễ vật đã tươm tất bánh kẹo, hoa quả. Phía dưới chiếu, thanh đồng, cung văn và người đi lễ trang nghiêm chắp tay thành kính, một canh hát văn tại đền Nguyệt Hồ được bắt đầu như vậy.

Cung văn Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, anh từng tới nhiều đền to phủ lớn ở Việt Nam nhưng với Nguyệt Hồ lại là độc đáo bậc nhất, bởi lẽ đây chính là nơi thờ chúa Bói. Những ai đến đây đều mê đắm những điệu hát văn trầm lắng, sâu sắc và bay bổng như nghiêng ngả đất trời, ta như thoát ra khỏi thế giới hiện thực để đến với thế giới của thần tiên.

Lời văn hát mừng chúa bản đền không chỉ mang âm hưởng núi rừng, bản sắc văn hóa của địa phương mà còn thể hiện được phong cách, cuộc đời chúa: “Rừng tùng bách bốn mùa rợp bóng/ Cánh sen hồng còn đọng hơi sương/ Hay đâu là sự phi thường/ Nguyệt hồ chúa bói anh linh ai tày/ Ơn lão tổ theo thày học đạo/ Mười năm tròn tu kiếp thiên gia/ Nói rồi binh lửa can qua/ Mẫu cho giáng thế trừ tà cứu dân”.

Khi diễn xướng, mỗi thanh đồng, cung văn như một diễn viên thể hiện say sưa trong từng bản nhạc, điệu múa. Những câu chuyện huyền thoại của các nhân vật lịch sử trong mỗi giá hầu đồng lần lượt được “kể” nối tiếp nhau bằng màn diễn xướng nghệ thuật qua điệu bộ, cử chỉ của thanh đồng và lời ca của cung văn một cách đầy hưng phấn. Âm nhạc khi bổng, khi trầm đã khiến cho những ai chứng kiến buổi lễ đều thấy phấn chấn, vui tươi và chắc chắn dư âm ấy sẽ còn lắng đọng với nhiều người. “Tiếng lành đồn xa”, hằng năm đặc biệt vào mùa xuân có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các địa phương trong nước hành hương về đền Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an.

Trong ngày lễ chính, nhân dân vùng Yên Thế rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau đó lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguỵêt Hồ được tiến hành với những nghi lễ độc đáo như lễ dâng văn chúa Nguyệt Hồ. Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hát văn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được xem như là thánh ca của dân tộc Việt, gồm có hát thờ, hát thi, hát hầu đồng và hát sân khấu. Trong đó, hát văn phục vụ nghi lễ hầu đồng ở miền Bắc gọi là hát chầu văn, ở miền Trung có tên gọi hầu văn, còn ở miền Nam gọi là hát bóng.

Ở đây, yếu tố tín ngưỡng và văn hóa đan quyện vào nhau làm cho người dự cùng lúc đáp ứng được nhu cầu tâm linh và nhu cầu mỹ cảm thông qua hưởng thụ những giá trị văn hóa nghệ thuật của diễn xướng dân gian... Điều đó lý giải vì sao hầu đồng vẫn là sinh hoạt không thể bị loại bỏ khỏi đời sống hiện đại.

Rời Hương Vĩ vào một buổi chiều, trong lòng lữ khách còn âm hưởng thánh thót những lời văn dâng chúa: “Lên trên ngàn lắm quả nhiều hoa/ Chúa bà đốt đuốc vào ra sớm chiều/ Bồ hây lặng trĩu lưng đeo/ Soi cho quốc phú dân cường/ Soi trong Nam Việt bốn năm phương thái hòa ...”.

Link nội dung: http://lichamtot.com/huyen-thoai-den-chua-nguyet-bao-cong-an-nhan-dan-dien-tu-a21586.html