- “Cà nhính” là gì?
- Nguồn gốc của trào lưu “cà nhính, cà nhính”
- Vì sao “cà nhính, cà nhính” lại virral mạng xã hội?
- Sức sáng tạo của gen Z là “vô cực”
- Ngôn ngữ gen Z: Sáng tạo nhưng phải có khuôn khổ
Nghe “cà nhính” thì rất quen tai bởi cụm từ này đã xuất hiện rất lâu trong ngôn ngữ của người dân Nam Bộ. Thế nhưng, nếu bạn muốn biết “cà nhính” là gì theo cách giải mã của gen Z thì hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
“Cà nhính” là gì?
“Cà nhính” hay “cà nhín” là một từ không có trong từ điển tiếng Việt. Thế nhưng nó đã xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày của người dân vùng Nam Bộ. Chính vì thế, nhiều người cho rằng “cà nhính” có thể là tiếng địa phương của miền Nam mà cụ thể là miền Tây Nam Bộ.
Cụm từ “cà nhính” trong ngôn ngữ miền Tây có thể hiểu nôm na là “ăn từng chút một” hoặc “ăn ít ít” Chẳng hạn như trong bữa ăn khi thấy con ăn ít, cha mẹ miền Tây thường nói: “Mày ăn cái gì mà cà nhính cà nhính vậy?”…
Vậy còn ý nghĩa “cà nhính” là gì trên mạng xã hội? Theo ngôn ngữ gen Z, “cà nhính” là một từ lóng dùng để diễn tả biểu cảm thích thú, hào hứng trước một việc gì đó.
Ngoài ra, cụm từ “cà nhính” còn mang ý nghĩa như một lời nhận xét, bình luận về một sự vật, hiện tượng thú vị, hài hước pha thêm chút yếu tố quái lạ.
Nguồn gốc của trào lưu “cà nhính, cà nhính”
Nguồn gốc của trào lưu “cà nhính, cà nhính” viral trên mạng xã hội bắt nguồn từ một đoạn livestream của ca sĩ Miko Lan Trinh và người bạn trai của mình, khi cả hai đang cùng nhau nấu ăn.
Trong đoạn livestream được chia sẻ, nữ ca sĩ đã liên tục nói “cà nhính, cà nhính” khi cầm đĩa thức ăn giơ lên trước camera cùng biểu cảm hào hứng, thích thú. Chính biểu cảm của Miko Lan Trinh cùng cách diễn đạt khi nói câu này đã thu hút và gây sốt trên mạng xã hội.
Ngoài ra, hành động đổ nước rã đông thịt bò vào nồi lẩu và gọi đó “nước tiết bò” của bạn trai Miko cũng góp phần làm cho đoạn clip lan tỏa rộng khắp các trang mạng xã hội.
Ban đầu, nhiều netizen đã cắt tình huống đó ra thành một clip ngắn để chế giễu phương pháp nấu ăn của bạn trai Miko Lan Trinh. Thế nhưng về sau, sự thu hút lại đổ dồn về câu nói “cà nhính, cà nhính” của nữ ca sĩ.
Vì sao “cà nhính, cà nhính” lại virral mạng xã hội?
Sau khi đoạn livestream “cà nhính, cà nhính” được chia sẻ lên mạng xã hội đã trở thành một trào lưu được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ đoạn video này lên tài khoản của mình. Thậm chí, nhiều người còn tạo ra những video “nhái”, khiến “cà nhính, cà nhính” lại càng thêm viral.
Sự sáng tạo nội dung của các Tiktoker liên quan đến “cà nhính” cũng đã giúp lan truyền xu hướng này một cách nhanh chóng. Cộng đồng TikTok còn có cả hashtag #Canhinh để gắn kết và chia sẻ những clip liên quan đến câu nói này và đưa “cà nhính” trở thành một trong những trào lưu thịnh hành trên TikTok.
Từ một câu nói biểu đạt cảm xúc cá nhân và không có một ý nghĩa rõ ràng từ ngữ, “cà nhính, cà nhính” dần trở thành một trào lưu phổ biến trên TikTok được cộng đồng mạng hưởng ứng, sử dụng tạo ra sự hài hước, tiếng cười, sự chú ý của người xem.
Mặc dù hiện nay ý nghĩa của “cà nhính, cà nhính” vẫn còn khá mơ hồ, nhưng có lẽ vì thế mà nó kích thích sự tò mò của người xem, khiến họ muốn tìm hiểu và khám phá ý nghĩa của câu nói này. Hơn thế, cụm này cũng đã chứng minh được một điều, đó là sự sáng tạo và tính gây chú ý thường xuất phát từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Xem thêm:
Xịt keo là gì? Nguồn gốc của trend "xịt keo cứng ngắc"
Ý nghĩa của cụm từ "Mãi đỉnh", "Đỉnh kout" trên MXH facebook, tiktok là gì?
Rizz là gì? Trào lưu Rizz trên TikTok và những điều đặc biệt
Sức sáng tạo của gen Z là “vô cực”
Thực tế, “cà nhính” không phải là khẩu ngữ đầu tiên gen Z biến tấu thành teencode. Trước “cà nhính”, cụm từ “ô dề” cũng được giới trẻ sử dụng phổ biến để chỉ hành vi lố lăng, không giống ai.
Thậm chí, có rất nhiều cụm từ lóng mà gen Z sáng tạo không theo bất kỳ quy tắc nào như: xu cà na, sin lũi, chằm Zn, mãi mận, mãi keo… và để hiểu được ý nghĩa của những cụm từ này, chắc chắn phải cần đến từ điển gen Z.
Dưới đây là số câu từ mà giới trẻ gen Z thường xuyên dùng để nói chuyện, chat chit với nhau:
- Khum: có nghĩa là “không”
- Sin lũi: có nghĩa là “xin lỗi”
- U là trời: có nghĩa là “trời ơi”
- Ét o ét: có nghĩa là SOS - một tín hiệu quốc tế được sử dụng để yêu cầu trợ giúp
- Gét gô: có nghĩa là “Let’s go”
- Xu cà na: có nghĩa là mệt mỏi, quá xui xẻo, quá chán, quá buồn
- Chằm Zn: có nghĩa là “trầm cảm”
Ngôn ngữ gen Z: Sáng tạo nhưng phải có khuôn khổ
Chúng ta đang sống ở thời đại mới, hội nhập, công nghệ 4.0, do đó các bạn trẻ được thỏa sức sáng tạo, đặc biệt là gen Z - thế hệ tràn đầy năng lượng, sức sống và lòng nhiệt huyết.
Thế nhưng, xét về khía cạnh sáng tạo ngôn ngữ, nhiều người bày tỏ quan điểm rằng, tiếng lóng gen Z chỉ nên dùng trong lúc trò chuyện giao tiếp với bạn bè bình thường. Việc cùng thế hệ với nhau và có mức độ quen biết, thân quen nhất định, nếu cuộc trò chuyện có thêm tiếng lóng sẽ tạo nên sự hài hước, thú vị và gần gũi hơn.
Tuy nhiên, sử dụng tiếng lóng quá nhiều dễ khiến các bạn trẻ bị lãng quên ý nghĩa ban đầu của từ ngữ đó. Ngoài ra, trong một số văn bản hành chính, hay những cuộc trò chuyện nghiêm túc với cấp trên, người lớn tuổi… sử dụng tiếng lóng là không phù hợp, có thể khiến mọi người không hiểu hoặc thấy không được tôn trọng.
Thế thế hệ trẻ nói chung và gen Z nói riêng cũng là một cộng đồng thu nhỏ, chúng ta có thể tạo ra những mã ngôn ngữ mới lạ để giao tiếp với nhau cho vui, nhưng cần thận trọng để không làm ảnh hưởng đến mã giao tiếp chung của toàn cộng đồng, hay làm méo mó và lai tạp tiếng Việt. Phải luôn ý thức rằng, sáng tạo nhưng cũng phải có khuôn khổ, chứ không thể vượt đường biên giới.
Trên đây là những chia sẻ về ý nghĩa của cụm từ “cà nhính” là gì cũng như một số từ ngữ gen Z thường xuyên sử dụng khi nói chuyện, nhắn tin với bạn bè. Song cũng cần lưu ý, tránh việc lạm dụng hay sử dụng trong hoàn cảnh, với đối tượng giao tiếp không phù hợp vì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả cũng như làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.