Sau năm 1975, gạo phân phối theo cơ quan và địa phương. Trong trường đại học, mỗi sinh viên được 16 ký gạo/tháng. Tùy cơ quan, nếu công nhân trực tiếp sản xuất sẽ được 23 ký gạo/tháng. Tại địa phương mỗi người được 9 ký gạo/tháng. Gạo được phân phối nhiều đợt. Mỗi lần mua gạo, các gia đình nghèo thường mang ra chợ bán phần lớn, chỉ chừa lại một ít để ăn. Không phải chúng tôi dư gạo, mà phải bán gạo để giải quyết mọi nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống trước, rồi mới “chạy gạo” ăn sau.
Là sinh viên, tôi mua gạo tại trường. Sống trong ký túc xá sinh viên sáu người một phòng, chúng tôi đăng ký bốn phần ăn, còn hai phần gạo chúng tôi thay nhau mua. Ăn tại ký túc xá bị trừ 12 ký gạo/tháng/người. Những ngày không ăn thì được trả lại gạo, thêm vào số gạo dư, mỗi chiều, chúng tôi “rinh” số gạo này ra chợ chiều Thủ Đức bán rồi mua chuối, đường, đậu… về nấu chè.
Có lần mang gạo đi bán, chúng tôi đụng mặt bà trưởng phòng tổ chức trường đại học. Biết chúng tôi là sinh viên của trường, bà chỉ cười nhẹ. Gia đình tôi cũng trông vào số gạo của tôi ở trường. Đến phần tôi mua gạo, mẹ và anh hớn hở đi xe buýt lên trường, vào ký túc xá rinh 16 ký gạo về mà chẳng thấy nặng.
Có lần trời mưa, người ta bán gạo nhiều đợt, đợt cuối còn hai ký, gia đình không còn gì ăn, mẹ tôi lên trường kiếm gạo. Xuống kho gạo, người ta chỉ lên kho bếp. Đến kho bếp thì trời đã về chiều, lại không phải ngày xuất gạo. Khi nghe tôi gõ cửa xin mua gạo, thấy hai mẹ con ướt mèm trong mưa, cô thủ kho động lòng cân gạo cho mẹ con tôi. Hành động này khiến tôi nhớ mãi.
Năm 1978, thực phẩm khan hiếm, một ký gạo quy ra bốn ký bột mì hoặc bảy ký khoai. Bọn sinh viên một tuần được một bữa ăn cơm, còn lại ăn bánh mì do lò bánh mì của trường chế biến từ số bột mì tiêu chuẩn của sinh viên. Trước khi xây lò bánh mì, chúng tôi thường được ăn bánh canh bột mì hoặc khoai trừ cơm. Về nhà tệ hơn, nhiều lúc còn không có cả khoai để ăn!
Hồi công tác ở nông trường, tôi vuột mất một phần gạo 16 ký vì một tháng bệnh, không làm việc. Họ nói “không làm thì không có tiêu chuẩn gạo”. Cuối thập niên 1970, người ta chỉ bán gạo, dầu lửa cho cán bộ công nhân viên và những người thân diện “ăn theo”. Mẹ tôi cần giấy xác nhận của cơ quan để được đưa vào diện “ăn theo” công nhân viên. Có nơi xác nhận, có nơi không xác nhận. Những lúc không được xác nhận, mẹ không được mua gạo, dầu hỏa. Bà buồn mất mấy ngày.
Giờ đây mọi người xài bếp gas, bếp điện… thi thoảng mới thấy có người vào tiệm tạp hóa mua dầu lửa. Rồi thường xuyên nghe các cháu chọn đại lý gạo uy tín để mua gạo vừa thơm, vừa dẻo mà tôi cười buồn. Các cháu lớn lên khi đất nước đã đổi mới nên làm sao biết được, thời ông bà, cô dì, chú bác… quý từng giọt dầu lửa, mừng rỡ khi thấy xe thực phẩm về, dù đó là xe khoai lang đa số bị sùng, luôn ao ước có loại gạo “đổ nước tới đâu gạo nở tới đó” để gia đình được bữa cơm hiếm hoi.
Nghe tôi nhắc lại, các cháu xua tay: “Thôi bà Út ơi, cái thời đó tụi con không tưởng tượng được. Chỉ biết sống là phải hưởng thụ. Cứ gạo ngon, thơm, dẻo là ăn chứ nghĩ chi nhiều”. Nhỏ cháu gọi tôi bằng cô, thế hệ 8X đời giữa thêm vào: “Hôm nào cô Út ngán cơm, con mua hủ tíu mềm xào, hoặc pizza, hamburger cho cô Út ăn”.
Biếm hoạ về việc mất sổ gạo trong triển lãm "Thương nhớ thời bao cấp" năm 2018 tại Hà Nội |
Thế nhưng, tôi vẫn thường hâm cơm nguội dù bị các cháu cản. Tôi tiết kiệm từng hột gạo, từng món ăn dư thừa… hệt như mẹ và dì ngày xưa. Mỗi lần thấy chúng tôi phung phí thức ăn, mẹ hay rầy: “Phải để tụi bây đói một lần cho biết… Năm 1945, người ta chết vì đói, không có cả cơm cháy để ăn kìa”.
Những ngày đói khát đó đã qua lâu lắm rồi, và chẳng ai còn muốn nhớ nữa, nói chi mấy đứa cháu tôi hôm nay không biết sổ gạo là gì, cũng như không thể biết được nỗi buồn, hay hiểu được một “tai họa” kinh khủng thế nào với một cá nhân, một gia đình khi để mất sổ gạo.
Nguyễn Ngọc Hà
Link nội dung: http://lichamtot.com/buon-nhu-mat-so-gao-bao-phu-nu-phunuonline-a21415.html