Bị nổi mề đay liên tục kéo dài nhiều ngày Vì sao và phải làm sao

Nổi mề đay có thể kéo dài trong vài giờ rồi tự biến mất, hoặc biến mất sau điều trị. Thế nhưng, nhiều người bị nổi mề đay liên tục kéo dài trong nhiều ngày, cảm giác ngứa khó chịu, không biết phải xử lý như thế nào? Nguyên nhân do đâu? Tìm hiểu với bác sĩ CKI Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để hiểu thêm về tình trạng này.

nổi mề đay liên tục

Bị nổi mề đay liên tục là gì?

Bị nổi mề đay liên tục là tình trạng những vết mẩn đỏ, ngứa trên da xuất hiện nhiều hơn 2 lần/tuần và kéo dài hơn 6 tuần, chúng có thể là mề đay mạn tính. Nhiều người bị nổi mề đay hàng ngày, kéo dài trong 1 hoặc nhiều năm. Một số trường hợp mề đay liên quan đến rối loạn tự miễn. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân mề đay rất khó và đôi khi không thể tìm ra.

Trường hợp này, người bệnh thường được sử dụng kháng histamin, steroid và thuốc ức chế miễn dịch có thể làm dịu phát ban. Nổi mề đay liên tục không rõ nguyên nhân được gọi là nổi mề đay vô căn mạn tính.

Bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày có nguy hiểm không?

Bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày không nguy hiểm bởi hiếm khi mề đay mạn tính gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ đột ngột. Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan nếu bị nổi mề đay mạn tính kèm các triệu chứng nghiêm trọng của sốc phản vệ. Nếu xảy ra, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: chóng mặt, khó thở và sưng lưỡi, môi, miệng hoặc cổ họng. (1)

banner tâm anh quận 7 content
phát ban do mề đay trên da
Phát ban do mề đay trên da

Vì sao bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày, kéo dài mà không khỏi?

Bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày, kéo dài không khỏi thường khó xác định được nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết, trường hợp nổi mề đay mạn tính thường không có nguyên nhân. Hiếm khi dị ứng thuốc hoặc dị ứng thực phẩm gây phát ban mạn tính. Nguyên nhân gây mề đay mạn tính phổ biến nhất được xác định do: (2)

  • Thường xuyên sử dụng thực phẩm gây dị ứng.
  • Mắc các bệnh nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng) cũng có nguy cơ bị phát ban mề đay mạn tính.
  • Một số người nổi mề đay mạn tính do thời tiết nóng, lạnh hoặc ánh nắng.
  • Mặc quần áo quá chật hay các tác động khác gây áp lực lên da gây mề đay áp lực.

Một số rối loạn tự miễn có thể thấy ở người mắc mày đay mạn tính:

  • Bệnh celiac.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Lupus.
  • Sjogren
  • Viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh tuyến giáp.

Các tình trạng dị ứng khác có thể đi kèm với mề đay mạn tính như:

  • Hen suyễn.
  • Viêm da cơ địa.
  • Viêm mũi dị ứng.

Biến chứng có thể gặp khi bị nổi mề đay kéo dài

Biến chứng có thể gặp khi bị nổi mề đay kéo dài không đáng kể, nhìn chung người bệnh chỉ có cảm giác ngứa kéo dài. Ngứa do mề đay mạn tính có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như giấc ngủ.

Bị nổi mề đay liên tục, kéo dài nên làm gì?

Khi bị nổi mề đay liên tục, kéo dài cần được can thiệp điều trị bằng thuốc, vì cơ địa mỗi người khác nhau, cho nên người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân, đánh giá tình trạng và tìm ra phương án điều trị phù hợp. Mề đay mạn tính khiến người bệnh khó chịu, da không còn đẹp mịn màng, châm chích, ngứa,… ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ.

bị ngứa dữ dội do nổi mề đay liên tục
Bị ngứa dữ dội do nổi mề đay liên tục.

Phương pháp chẩn đoán tình trạng nổi mề đay kéo dài

Nổi mề đay kéo dài được chẩn đoán bằng khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng mề đay trên da và tìm hiểu các triệu chứng phát ban. Các xét nghiệm chẩn đoán phát ban mạn tính có thể xác định hoặc loại trừ nguyên nhân, bao gồm:

  • Các xét nghiệm tìm nguyên nhân, bệnh đi kèm hoặc để hỗ trợ điều trị tùy vào từng trường hợp cụ thể.
  • Sinh thiết da để xác nhận chẩn đoán và đánh giá các nguyên nhân hay bệnh khác.

Tình trạng bị nổi mề đay liên tục nhiều ngày phải làm sao?

1. Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ 2 là phương pháp điều trị đầu tiên cho tình trạng nổi mề đay liên tục nhiều ngày, bao gồm các loại thuốc như: bilastine, fexofenadine, cetirizine và loratadin…. Việc sử dụng thường xuyên các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 không được các bác sĩ khuyến cáo là phương pháp điều trị đầu tiên do tác dụng phụ an thần rõ rệt của nó.

2. Các loại thuốc khác

Nếu lựa chọn đầu tiên là điều trị mề đay mạn tính bằng thuốc kháng histamin H1 thế hệ thứ 2 không đáp ứng, các loại thuốc khác có thể được sử dụng bao gồm:

  • Omalizumab: nếu các triệu chứng không đáp ứng với phương pháp điều trị bậc một là thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2, Omalizumab đã được chứng minh có hiệu quả và an toàn trong điều trị mề đay tự phát mạn tính. Nó là một kháng thể đơn dòng, có tác dụng ngăn chuỗi phản ứng dị ứng.
  • Cyclosporine: bác sĩ có thể kê đơn thuốc này khi người bệnh không đáp ứng với sự kết hợp giữa thuốc kháng histamin H1 và omalizumab.
  • Corticosteroid: sử dụng ngắn hạn các loại thuốc chống viêm này có thể làm giảm bớt các cơn phát ban do mề đay mạn tính nhưng không thể sử dụng lâu dài do các tác dụng phụ có thể xảy ra.

3. Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt hằng ngày

Nổi mề đay liên tục, kéo dài nhiều ngày có thể được khắc phục khi điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đây vừa là phương pháp điều trị hỗ trợ vừa là cách giúp phòng ngừa mề đay mạn tính, bao gồm:

  • Mặc quần áo rộng, chất liệu mỏng, nhẹ, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Không gãy hoặc sử dụng xà phòng có tính sát khuẩn cao lên vùng da đang phát ban, tránh làm tình trạng tệ hơn.
  • Sử dụng kem trị ngứa, chườm mát, kem dưỡng để làm dịu vùng da bị mề đay.
  • Ghi lại các thời điểm bị nổi mề đay và những yếu tố bạn cho là nguyên nhân gây bệnh và tránh các tác nhân này.
  • Sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài.

4. Vệ sinh tổng quan nơi ở và các vật dụng tiếp xúc da

Các tác nhân gây phát ban, mề đay mạn tính, kéo dài có thể tồn tại ở bất cứ đâu xung quanh bạn. Giữ vệ sinh tổng quan nơi ở, các vật dụng tiếp xúc với da vừa giúp giảm các triệu chứng, vừa phòng ngừa phát ban kéo dài.

5. Kiểm tra các loại thức ăn nạp vào cơ thể

Các loại thực ăn đưa vào cơ thể có thể làm trầm trọng hơn tình trạng phát ban kéo dài trong nhiều ngày. Hơn nữa, một số loại thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, thực phẩm để lâu cũng là nguyên nhân gây dị ứng phát ban, nổi mề đay. Kiểm tra và ghi lại các loại thực phẩm mình nghi ngờ gây dị ứng và tránh sử dụng chúng cũng là cách giúp đẩy lùi tình trạng này.

Nổi mề đay liên tục kéo dài trong nhiều ngày còn được gọi là mề đay mạn tính. Dù bệnh không quá nguy hiểm, tuy nhiên bạn nên gặp bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da để điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Điều trị mề đay mạn tính tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu, trực tiếp khám và điều trị các vấn đề liên quan đến mề đay mạn tính và các vấn đề về da liễu khác như điều trị mụn, trị sẹo, xóa xăm công nghệ cao.

Hy vọng với những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị nổi mề đay liên tục kéo dài trong nhiều ngày sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích, có cách xử lý, phòng ngừa khi không may bị nổi mề đay mạn tính.

Link nội dung: http://lichamtot.com/me-day-nguyen-nhan-trieu-chung-bien-chung-va-phong-ngua-a21325.html