Người có Bát khí chính là anh hùng hào kiệt trong đời

Khí tiết của con người, thông thường chỉ “bát khí”, gồm có: chí khí, chính khí, cốt khí, đại khí, hào khí, linh khí, hoà khí, còn cần thêm một chút ngạo khí. Gió lớn thét gào cảm khái: “Bát khí” hạo đãng tự đã là hào kiệt trong cõi người. Người có khí tiết, tuy chết rồi mà vẫn sống; hạng người thất tiết, tuy còn sống mà đã như chết rồi.

Chí khí

Trong “Tiêu Dao Du”, Trang Tử nói: “Chim én chim sẻ làm sao biết được cái chí của bạch phượng hoàng!”, cái chí này vươn xa ngoài thiên vạn lý, sao có thể bị kìm hãm trên những cành cây! Người không có chí chẳng lập được chỗ đứng, nước không có nguồn chẳng thể chảy thành sông.

Người lập chí lớn, nên gắng gỏi vì nó, tiền đồ không thể hạn lượng; người lập chí nhỏ, cũng phải nỗ lực chuyên cần, có thể thành tựu; người không có chí hướng, thì một việc cũng chẳng thành.

Tô Đông Pha có câu rằng: “Phát phấn tri biến thiên hạ tự, lập chí độc tận nhân gian thư” (Nỗ lực biết khắp các chữ trong thiên hạ, lập chí đọc cạn các sách của nhân gian), cuối cùng ông đã trở thành một đại văn hào của thời đại.

Chính khí

Trong “Công Tôn Sửu”, Mạnh Tử nói: “Ta khéo nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên (khí ngất trời) của ta. Cái khí ấy rộng lớn mênh mông, rất cứng cỏi. Nếu mình dùng sự cương trực mà bồi dưỡng nó mà dùng thì nó lan ra khắp khoảng trời đất”.

Ông đã nói với chúng ta rằng, khí hạo nhiên với chính nghĩa, nhân nghĩa và đạo đức cùng phối hợp, lan ra khắp khoảng trời đất, thể hiện từ trong hành vi, nhưng “quỷ thần kính nhi viễn chi” (đại ý là kính trọng quỷ thần mà ngưỡng vọng từ xa).

Văn Thiên Tường, một anh hùng dân tộc thời nhà Tống, khi ở trong ngục đã viết “Chính khí ca”, trong đó có đoạn:

“Thiên địa hữu chính khí,

Tạp nhiên phú lưu hình.

Hạ tắc vi hà nhạc,

Thượng tắc vi nhật tinh.

Ư nhân viết hạo nhiên,

Bái hồ tắc sương minh”

Bản dịch của Hoàng Tạo:

“Trời đất có chính khí

Toả ra cho muôn loài

Là sông núi dưới đất

Là trăng sao trên trời

Đầy rẫy cả vũ trụ

Khí hạo nhiên của người”.

Khảng khái đi vào nơi khó nạn, thiên cổ còn lưu danh.

Tượng Thừa tướng Văn Thiên Tường chụp tại Hồng Kông (ảnh: Chiuming/ Wikimedia Commons).

Cốt khí

Trong “Đằng Văn Công - quyển Hạ”, Mạnh Tử nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, đây được gọi là cốt khí. Người có cốt khí cứng cỏi như sắt thép, không có gì cản nổi, không gì không thể vượt qua. Người không có cốt cách cứng cỏi, an thân cũng chẳng xong.

Vu Khiêm là một công thần đời nhà Minh, trong “Thổ mộc chi biến” đã nỗ lực xoay chuyển tình thế, thế nhưng bản thân lại bị hãm hại, chịu bị giết oan thảm khốc. Trong bài thơ “Thạch hôi ngâm”, ông khẳng khái nói:

“Thiên chuỳ vạn tạc xuất thâm sơn,

Liệt hoả phần thiêu nhược đẳng nhàn.

Phấn cốt toái thân hồn bất phạ,

Yếu lưu thanh bạch tại nhân gian”.

Dịch nghĩa:

“Trải qua ngàn vạn rìu búa đập nện lấy ra khỏi rừng sâu,

Lửa hừng hực thiêu đốt cũng coi chuyện bình thường như thế.

Cho dù tan xương nát thịt làm sao sợ hãi,

Lưu sự thanh bạch tại nhân gian”.

Đại khí

Tuân Tử có câu: “Bất đăng cao sơn, bất tri thiên chi cao dã; bất lâm thâm khê, bất tri địa chi hậu dã”, nghĩa là: Không lên núi cao, không biết trời cao vậy; không xuống khe sâu, không biết đất dày vậy. Người đại khí, ắt biết trời cao đất dày. Hình tượng của họ chính là như ngọn núi cao sừng sững, hoài bão tựa như sông lớn cuồn cuộn, nó không những có thể dung nạp hết bụi đất trần ai, mà còn có thể chở cả vạn dòng suối khe.

Vậy nên, toàn thân từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đều toát ra chí lớn hừng hực, có thể đảm đương, không chút mê lầm. Với người thì khoáng đạt hào sảng, cử chỉ đường hoàng, khiến người kính sợ.

Hào khí

Người có hào khí, tính cách đường hoàng, tấm lòng rộng mở, làm người thản đãng, hào sảng, lạc quan, thường thường không câu nệ tiểu tiết, ví như Hạng Vũ, Lý Bạch, Tô Thức, Giá Hiên cư sĩ cũng như những trang anh hùng hào kiệt khác. Họ có đủ khả năng đối diện với cuộc đời, có thể lên cũng có thể xuống, ngay cả khi kinh qua trắc trở, muôn vàn cực khổ cũng không quay đầu, dũng mãnh tiến thẳng về phía trước.

Tân Khí Tật có thể nói là sự nghiệp gian nan, hết lần này tới lần khác chịu khuất nhục, nhưng một chút cũng không cải biến khí tiết hào sảng của mình. Trong “Vĩnh ngộ lạc - Kinh khẩu Bắc Cố đình hoài cổ”, ông vẫn đinh ninh:

“Tưởng đương niên

Kim qua thiết mã

Khí thôn vạn lý như hổ”.

Tạm dịch:

“Nhớ năm nào

Ngựa sắt giáo vàng

Vạn dặm đất, nuốt phăng như hổ”.

Linh khí

Con người đứng đầu vạn vật sinh linh, có đủ linh khí, nhưng linh khí chân chính lại là một chủng loại khí chất có thể cảm thụ một cách trực quan và thông thấu.

Một người mà tâm linh đã đạt đến cảnh giới “minh tâm kiến tính”, thì đã có linh khí cuồn cuộn không dứt. Có thể thấy những điều người khác không thấy, nghĩ những điều người khác chưa từng nghĩ tới, biết những điều mà người khác không biết.

Điều gọi là “nhân tình luyện đạt giai văn chương” (Am tường nhân tình thế thái là văn chương), cái linh khí hiển hiện, không nơi nào không có mặt. Dùng cho sự vật sự việc, thì viên mãn thông thuận, dùng cho người, thì thuận lợi như khơi nguồn.

Thi tiên Lý Bạch nổi tiếng với ngạo khí, không chịu “cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý” (ảnh: Wikimedia Commons).

Hoà khí

Lão Tử nói: “Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương, xung khí dĩ vi hòa”, nghĩa là: Trong vạn vật không có vật nào không cõng Âm và ôm Dương. Ở giữa là nguyên khí dung hòa. Khổng Tử nói: “Lễ chi dụng, hoà vi quý”, nghĩa là: Chỗ dùng của Lễ, lấy hoà làm quý.

Những lời giảng xưa tương tự như thế, ví như: hoà khí sinh tài, hoà khí trí tường (hoà khí đem đến phúc lành), hoà trung cộng tế (đồng lòng tương trợ), gia hoà vạn sự hưng, đều lấy hoà làm quý vậy.

Bình hoà, hoà hợp, hoà khí, hoà thiện, hoà ái, hoà hảo, ôn hoà, vui vẻ an hoà, từ trong tâm tới ngôn hành cử chỉ, đều toát nên sự thân thiện, thiện ý, lương thiện, thiện lương, sự ấm áp giàu nhân ái, nên là sự chọn lựa của những người khôn ngoan. “Tướng tương hoà”, giai thoại lưu truyền cho tới ngày nay, đủ để chứng minh điều đó.

Ngạo khí

Nhân sinh tại thế, không thể nhất nhất cầu toàn, cần tranh thì mới tranh, sao có thể lãnh đạm vô tình! Thế nên, Lý Bạch đối diện với uy hiếp của hoàng thân quốc thích, dám hét to lên rằng: “Dễ đâu cúi đầu gãy lưng phụng quyền quý/ Khiến ta chẳng được mặt mày tươi”.

Văn Thiên Tường khi đối diện với uy hiếp sinh tử, vẫn ngạo cốt hiên ngang: “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Từ cổ người đời ai chẳng chết, lưu lại lòng son với sử xanh).

Ngay cả phận nữ nhi như Lý Thanh Chiếu, cũng dùng mấy vần thơ mà biểu đạt được tấm lòng ái quốc, tưởng nhớ tráng sĩ như sau:

“Sinh đương tác nhân kiệt

Tử diệc vi quỷ hùng

Chí kim tư Hạng Vũ

Bất khẳng quá Giang Đông!”

Dịch thơ:

“Sống làm người anh kiệt

Chết cũng ma anh hùng

Xưa nay nhớ Hạng Vũ

Chẳng chịu về Giang Đông!”

“Bát khí” của nhân sinh, không dễ mà tu được. Nhưng “tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ” mới thực là đại sự của đời người. Tu thân không thể kiên trì bền bỉ, sao có thể bàn đến tề gia được đây? Càng chẳng thể nhắc đến trị quốc bình thiên hạ, thế nhân lại càng nên thận trọng. Lấy “bát khí” truyền mỹ đức, biết nhân tâm.

Thanh Ngọc

Theo Sound of Hope

Video: Trí huệ người xưa: Nói là một năng lực, nhưng im lặng mới là cách hành xử của bậc cao nhân

videoinfo__video3.dkn.tv||149278959__

Có thể bạn quan tâm:

Link nội dung: http://lichamtot.com/nguoi-co-bat-khi-chinh-la-anh-hung-hao-kiet-trong-doi-dkntv-a21296.html