Người ta hay nói: “Im lặng là vàng” hàm ý muốn khuyên mỗi người trong giao tiếp nên biết giữ im lặng, không nên tự bộc lộ mình hoặc can thiệt vào công việc của người khác, đó mới là khôn ngoan, chín chắn. Sự đúng đắn của quan điểm này chúng ta đã từng phân tích và ca ngợi rất nhiều. Tuy nhiên, liệu có phải khi nào im lặng cũng là đúng đắn?
Câu nói “Im lặng là vàng” được xem như một lời nhắc nhở của người xưa về cách ứng xử và đối nhân xử thế ở trên đời. Lời nói của chúng ta có sức sát thương rất lớn, đôi khi nó có thể khiến cho người nghe phải chịu nỗi đau tinh thần không thể chữa lành được. Một câu nói vô tình, một lời trêu chọc vô tâm, một lời phán xét, đánh giá hay chỉ trích đều có thể khiến ai đó tổn thương đến nỗi vỡ vụn, vậy nên chúng ta cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng chúng. Ngôn ngữ mang lại cho ta nhiều cái hay nhưng nếu ta tùy tiện sử dụng chúng thì sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Vậy khi nào, chúng ta “Im lặng là vàng”? Có rất nhiều trường hợp mà im lặng chính là một sự lựa chọn khôn ngoan mà chúng ta cần phải ghi nhớ. Lúc nào cần im lặng thì nên im lặng, vì có nói nhiều lúc nào cũng mang lại những rắc rối ngoài ý muốn. Thứ nhất, chúng ta nên im lặng khi mọi việc chưa rõ ràng. Một câu chuyện chưa đến hồi kết, còn đang rất mơ hồ thì cũng ta đừng nên phán xét hay bình phẩm. Bởi vì mình chưa thực sự hiểu về nó thì không nên cố thể hiện ta đây thông minh tinh tường hay hiểu biết để làm gì. Chợt vạ miệng bình phẩm đủ điều về việc đó, đến khi hồi kết lại không như mình nói thì thật đáng xấu hổ.
Tiếp đến là không nên chen vào chuyện của người khác. Mình có quyền nói, có quyền tự do ngôn luận nhưng nếu ta là một người có văn mình thì sẽ biết tự do ngôn luận trong khuôn khổ cho phép. Chuyện của người ta chỉ có người trong cuộc mới thực sự biết sự thật là đâu, dù mình có hiểu hay không hiểu cũng đừng nên xen vào mà luyên thuyên. Nói ra nói vào chẳng được lợi ích gì mà còn có thể trở thành người vô duyên khiến người khác cảm thấy khó chịu. Hoặc là đừng cố tỏ ra mình thông minh cái gì cũng biết. Người ta thường nói kẻ ngốc thích thể hiện còn người thông minh thì luôn cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói. Nếu bản thân chưa thực sự rõ về một điều gì đó thì đừng cố huênh hoang nói nhăng nói cuội, nó chỉ càng nhanh chóng đưa cái dốt của mình phơi bày cho thiên hạ biết.
Trong một cuộc đối thoại, thông qua sự tôn trọng người khác và sự tế nhị, im lặng của chúng ta cho phép người khác được phát biểu ý kiến thay vì ngắt lời, nói cùng lúc hay lấn át tiếng nói của người ta. Khi mình nói người ta lắng nghe, đến lúc người ta nói mình cũng phát biết lắng nghe. Phát biểu thao thao bất tuyệt, hùng biện hay có thể gây ấn tượng nhưng người im lặng và phát biểu ít nhưng vẫn thuyết phục được người nghe lại càng ấn tượng hơn. Sự im lặng là cần thiết để có thể giữ hòa khí, tránh xung đột nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải im lặng.
Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng trong tình huống thực sự cần thiết. Lời nói được ví như một lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là dịu kế nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng. Hãy ghi nhớ câu thành ngữ “Im lặng là vàng” vì nó là một lời khuyên quý báu trong cuộc sống giúp ta tránh khỏi những phiền phức không đáng có và giúp cho cuộc sống được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào chúng ta cũng giữ im lặng, nên tùy vào hoàn cảnh mà áp dụng nó. Đừng giữ im lặng mặc cho cái xấu đang hoành hành, ông cha ta đang muốn dạy dỗ và khuyên răn để các thế hệ sau sống theo luân lý và đạo đức chứ không phải hèn nhát và nhu nhược.
Chúng ta nên xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ sự im lặng đúng thời điểm. Thời đại hiện nay, nhịp sống hối hả bên cạnh những cái hay cái đúng còn có rất nhiều những quan điểm, lời nói, hành động sai trái cần được lên án và tố cáo. Trong các cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường phố, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học có những hành động tiêu cực trong quá trình kiểm tra đánh giá. Lúc này đây nếu chúng ta im lặng tức là đang tiếp tay cho cái ác, sự im lặng sẽ khiến ta trở thành người hèn nhát và vô trách nhiệm. Hay sự im lặng trong các cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung nào đó còn nói lên con người bạn thiếu quan điểm riêng và sau đó bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm.
Trong những trường hợp như thế, im lặng không còn là vàng nữa mà sự lên tiếng mới thể hiện sự can đảm và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Cho dù chúng ta vô cảm với xã hội nhưng cũng hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, thấy người khác đang gặp nguy hiểm mà không dám lên tiếng để rồi sau đó hối hận cũng đã muộn màng. Xã hội đang cần lắm những con người dũng cảm, dám nói, dám lên án phản ánh những cái xấu, cái ác để góp phần làm cho xã hội ngày càng phát triển văn minh và tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hết sức cẩn thận trong phát ngôn của mình, cần phải biết qan sát, lựa chọn lời nói để phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh.
Sự thật ở đời, cái gì mà chả có hai mặt và lời khuyên của ông cha ta để lại cũng không ngoại lệ. Quả nhiên, im lặng cũng là một nghệ thuật nếu không bạn cũng dễ truyền tải những thông điệp sai lệch đến cho đối phương. Tuy nhiên, hãy lựa chọn lời nói và thời điểm thích hợp sẽ tốt hơn nhiều sự im lặng không đúng lúc. Không phải cứ “Im lặng là vàng”, chúng ta phải lên tiếng thì thế thế giới mới biết chúng ta có những gì và sẽ cần những gì mới có thể phát triển.
Link nội dung: http://lichamtot.com/bai-hoc-gia-tri-tu-cau-thanh-ngu-im-lang-la-vang-a21096.html