“Tận nhân lực, tri thiên mệnh”
Đó là câu nói nằm lòng của ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I. Ông nói nhiều đến may mắn và số mệnh nhưng ông luôn tin rằng, mọi sự đổi mới không đến một cách tình cờ mà xuất phát từ nỗ lực vượt qua chính mình, từ năm này qua năm khác, một cách kiên trì và bền bỉ.
Tự thoát ra khỏi những lối mòn
Vào dịp APEC 2006 tổ chức tại Việt Nam, chiếc cúp của Minh Long I được lựa chọn làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. Chiếc cúp, biểu tượng chiến thắng của phương Tây, với thiết kế phần thân nở rộng đặt trên phần eo rất nhỏ sẽ lập tức đổ hoặc nghiêng khi đưa vào lò nung. Các hãng gốm sứ khác trên thế giới phải sử dụng giải pháp nung hai phần này riêng biệt rồi ráp lại bằng keo hoặc bắt ốc vít. Vào thời điểm bấy giờ, Minh Long I là hãng đầu tiên trên thế giới tìm ra kỹ thuật nung liền khối. Sau đó, họ đẩy độ khó của kỹ thuật này lên cao hơn trong hai tác phẩm Cúp Sen Vàng và Cúp Hồn Việt được trưng bày trong Festival gốm sứ Bình Dương có kích thước lớn, đặc biệt là chiếc cúp Hồn Việt có phần thân giống như một chiếc bình hoa cao gần một mét, chiều ngang gần 90 cm cộng thêm hai chiếc quai lớn là linh vật cách điệu giữa rồng và phượng đặt trên eo cúp chỉ nhỏ 8 cm. Tuy nhiên, đến chiếc chén ngọc ra đời nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: chiếc chén lớn và nặng 29kg, lấy cảm hứng từ chiếc bát ăn cơm trong cung đình chỉ chạm nhẹ trên đôi cánh trông mỏng manh, cong cong, đang vút bay của ba linh vật đầu rồng, mỏ phượng mới đặt ra bài toán về lựa chọn vật liệu và nung liền khối phức tạp và kỳ công hơn bao giờ hết. Sau bốn năm thử nghiệm, chỉ đến những phút cuối trước khi giao hàng, họ mới kịp có được tác phẩm hoàn chỉnh, không bị nghiêng sau khi ra khỏi lò.
Những tác phẩm trên của Minh Long I đều có họa tiết màu xanh cobalt (màu được ưa chuộng nhất trong lịch sử gốm sứ thế giới) trên nền sứ trắng và được nung ở nhiệt độ cao là 1380 độ. Trong đó, ông Lý Ngọc Minh tự hào nhất là màu ông tái hiện thành công từ “màu Blue Huế” (bleu de Hue) - màu xanh vừa có màu lam của bầu trời, vừa có màu tím trên đồ sứ triều đình nhà Nguyễn đặt hàng riêng từ Trung Quốc. Trước đây, vì tình cờ mà những người thợ có được màu sắc ấy, bây giờ màu xanh này chỉ còn lưu lại trong bảo tàng và bộ sưu tập của các nhà bán đấu giá nổi tiếng trên thế giới. Việc nung thứ màu đặc biệt này ở nhiệt độ cao 1380 độ cũng là một kỳ công. Bản thân các hãng gốm sứ cao cấp nổi tiếng thế giới như Meissen (hãng đầu tiên ở châu Âu nung gốm ở nhiệt độ cao) cũng chỉ nung hoa văn ở nhiệt độ 800 độ để tránh màu bị “bay” mất. “Màu Blue Huế” từng được dùng trên nền sứ trắng trên cúp Hồn Việt và Sen Vàng nhưng ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Minh Long I vẫn chưa thực sự hài lòng: “trắng thì nhàm, không toát lên vẻ rực rỡ”. Vì vậy, đến phiên bản cúp Sen Vàng tặng cho Mặt trận Tổ quốc nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 12, ông tự thử thách mình bằng cách phối màu “Màu xanh Huế” trên nền vàng chanh dịu: làm sao để hai màu mới, với thành phần hóa học khác biệt không bị “bay màu” hay thay đổi khi đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao?
Hai kỹ thuật tiên phong nói trên đều được áp dụng trong sản phẩm Minh Long phục vụ nhân dịp APEC 2017: Người ta có thể thấy màu “Màu xanh Huế” và màu vàng chanh trên bộ sản phẩm Hoàng Liên và kỹ thuật nung liền khối thể hiện trong chiếc Chén ngọc APEC. Nhưng kỹ thuật chế tác phức tạp nhất từ trước đến nay mà ông Lý Ngọc Minh cho rằng “phải nghiên cứu đã đời”, “khó vô cùng” lại nằm ở hai chi tiết tưởng chừng đơn giản: Khay ăn chính và nắp đậy. Làm thế nào để chế tác khay chính với kích thước siêu lớn và phẳng, có cấu trúc mềm mại như lụa và rồi sau khi nung không bị biến dạng vẫn giữ được vẻ duyên dáng như vậy? Việc tạo ra chiếc khay nằm ngoài khả năng của hệ thống máy móc hiện đại của Minh Long vì kích thước của nó to quá khổ (52×38 cm, chiều dài gần gấp đôi đường kính một chiếc đĩa ăn thông thường) và sẽ nhìn “cứng như một viên gạch” nếu đưa vào máy dập tự động. Còn chiếc nắp đậy là sự “vắt óc” tính toán làm sao để nó vừa mỏng, vừa nhẹ, khi vừa nung không bị méo vừa giữ được sự láng mịn ở mép vung vốn mảnh như một đường chỉ, đảm bảo cho việc lật giở vung luôn nhẹ nhàng, tinh tế, không gây trầy xước (sứ có hàm lượng aluminum oxide (Al.O3) cao - một chất mà độ cứng chỉ đứng sau kim cương nên nếu không đảm bảo được sự láng mịn tuyệt đối sẽ làm hỏng lớp men của đĩa).
Mỗi dịp tung ra một tác phẩm độc nhất vô nhị cho những dịp trọng đại như vậy là Minh Long I lại cố gắng thách thức những kỹ thuật chế tác trước đó của họ. Tác phẩm của họ, chủ yếu được làm thủ công với số lượng có hạn, giống như một bữa tiệc phô bày kỹ thuật trang trí hoa văn và thiết kế kiểu dáng cầu kỳ, đầy ắp những lớp nghĩa biểu tượng cùng kỹ thuật và những yêu cầu chế tác phức tạp ở mức độ cao được nâng cấp qua những thử nghiệm kéo dài hàng thập kỉ của những người thợ làm gốm ở đây. “Kỹ thuật có nhiều điều mà cuộc đời mình thì ngắn ngủi lắm. Tôi có thói quen là tham, cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng muốn học.” - Ông Lý Ngọc Minh, “tổng công trình sư” những tác phẩm của Minh Long I chia sẻ.
Ông là người không bao giờ thỏa hiệp với những gì không phải là đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ. Lấy nhiệt độ nung là một ví dụ, với gốm sứ cao cấp, các nước châu Á khác chỉ nung ở nhiệt độ 12800C, riêng Nhật là 13450C nhưng Minh Long I nung ở nhiệt độ 13800C, ngang với các hãng hàng đầu của Đức, chỉ thêm 1000C nhưng nhiệt lượng tiêu tốn gấp đôi, để sản phẩm trong hơn, mịn hơn, bền hơn. “Tạo hóa lạ lắm, nhiệt độ cao mới thành kim cương, thành ngọc còn nhiệt độ thấp chỉ là đất đá” - Ông nói.
Bộ đồ ăn Hoàng Liên (có 29 sản phẩm) và chén ngọc APEC (hàng ba, bìa trái).
Mỗi lần làm một tác phẩm mới, đối diện với những bài toán mới, là một lần ông kéo mình ra khỏi lối mòn. Nhưng với ông, việc quyết định thực hiện những ý tưởng đó không phải là một cuộc đấu tranh với cái cũ để dám thử nghiệm cái mới mà chỉ đơn giản là sự cần mẫn, hoàn thành công việc của mình với kết quả cao nhất: “Thoát khỏi lối mòn cũng là do mình chịu khó, siêng năng, mình làm, mình mới phát hiện ra trong lối mòn đó có một lối khác. Nếu không bước vào đó, làm sao mình có kinh nghiệm, làm gì có đột phá, làm gì có cơ hội thấy được cái khác?”.
Làm những gì chưa ai làm
Người Đài Loan có câu ngạn ngữ: “Muốn hại bạn bè thì hãy xúi họ đi làm nghề sành sứ”. Sản xuất đồ sứ cũng giống như bước vào một mê cung nhưng không ai biết lối ra, luôn ẩn chứa những rủi ro không thể lường trước. Dù kiểm soát nghiêm ngặt nguyên liệu đầu vào, giấy hoa, nhiệt độ nung nhưng chỉ biết sản phẩm của mình có hoàn thiện hay không sau khi nó đã đi qua công đoạn cuối cùng, mở cửa lò, khi “gạo đã nấu thành cơm mất rồi”. Hàng trăm ngàn sản phẩm trên cùng một dây chuyền nhưng có thể không giống nhau, từ chất lượng cho đến hoa văn màu sắc.
Sau hai thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới vào đầu những năm 1990 và 2008, theo đuổi lĩnh vực gốm sứ càng lộ rõ là một mong ước xa xỉ khi đầu tư quá tốn kém mà bán ra “không có giá”.Thế mà, “ngành sứ này khó vô cùng nhưng người ta không bỏ đi được, nó là cái nghiệp, nghiệp chướng” - Ông Lý Ngọc Minh cười. Vào năm 2013, trên New York Times có một bài báo “tiễn biệt” một trong những nhà máy sản xuất gốm sứ lâu đời nhất của Ý, Richard Ginori (sáng lập năm 1735): Trong những ngày cuối cùng trước khi đóng cửa, các thợ làm gốm ở đây vẫn nghiên cứu và hoàn thiện những đơn hàng yêu cầu rất cao đến từ Nhật Bản với lý do “Không phải tự nhiên mà chúng tôi là những người thợ Ginori”. Thế giới vẫn chứng kiến một loạt những hãng gốm sứ “cứng đầu”, theo đuổi sự hoàn mỹ của nghệ thuật chế tác gốm sứ mà không trụ nổi trước sự cạnh tranh của những đồ sứ Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường mà phải đóng cửa như Wedgewood và Rosenthal (Ngay trước khi phá sản, họ vẫn mời Karl Lagerfield, một nhà sáng tạo, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ thời trang đắt đỏ hàng đầu thế giới thiết kế chiến dịch quảng bá cho mình).
Ông từng tự nhận mình là một tay chơi chính hiệu trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, một tay chơi không màng đến sản lượng, doanh số hay lợi nhuận mà chỉ “tìm cách để tạo ra sản phẩm tốt nhất, chinh phục khó khăn và chơi tới cùng”.
Và một nghịch lý là, đứng trước sự rủi ro và tốn kém của ngành gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh “đặt cược” vào một thứ rủi ro và tốn kém khác: Công nghệ cao. Ông sẵn sàng đầu tư những công nghệ mới ngay cả khi chưa rõ kết quả đầu ra với mong muốn có thể chuẩn hóa quy trình sản xuất gốm sứ.
Cách đây hơn 20 năm, Minh Long I là một trong những hãng đầu tiên trên thế giới sử dụng máy CNC (máy tiện cơ khí được điều khiển bằng máy tính) trong sản xuất gốm sứ. Ông Lý Ngọc Minh đã đầu tư tới 12 chiếc máy CNC, nhiều hơn bất cứ một cơ xưởng nào tại Việt Nam lúc đó, mỗi máy trị giá hàng trăm ngàn USD đi kèm với phần mềm điều khiển hơn 50.000 USD, bấy giờ là một con số đầu tư khổng lồ, ngoài một - hai hãng của Đức, các hãng có tiếng về gốm sứ ở châu Á như Nhật Bản, Đài Loan và ở châu Âu như Pháp, Ý đều chấp nhận tiện bằng tay còn hơn là bỏ ra một cái giá quá đắt để đem lại độ chính xác cao cho sản phẩm như vậy.
Sau đó vài năm, khi khái niệm làm phần mềm vẫn còn quá mới mẻ ở Việt Nam, ông đã không ngần ngại mua hệ thống máy chủ lên tới vài chục ngàn USD và mời những công ty công nghệ thông tin lớn nhất Tp. Hồ Chí Minh viết phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), chi trả cho họ với số tiền “hậu hĩnh” là 2.000 USD/tháng. Cuối cùng, sau ba năm các kỹ sư công nghệ thông tin phải bỏ cuộc vì không thể ngờ được sự phức tạp của quá trình sản xuất gốm sứ với những sản phẩm đi ra từ cùng một mẻ nhưng lại có số phận và vòng đời khác nhau, phải phân loại, tái chế, loại bỏ, đánh mã số khác. Nhưng Minh Long I thì không dừng lại, họ tự lập ra một công ty công nghệ thông tin của riêng mình, sau 2 năm nghiên cứu và viết ERP, kiểm soát đến vị trí và điều kiện từng sản phẩm trong hàng trăm ngàn sản phẩm ra lò mỗi ngày trên một nhà kho rộng trên 120.000 mét vuông.
Ông Lý Ngọc Minh, sau nhiều năm đi và học hỏi ở khắp các công ty về gốm sứ hàng đầu thế giới, cho rằng mình học được ở người Nhật tính cần cù, chăm chỉ và tính chính xác của người Đức. Ít ai biết rằng, ông là một trong những doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam đầu tư để xây dựng và vận hành nhà máy theo chuẩn ISO 9001 khi đây vẫn là một chỉ số mới mẻ ở Việt Nam, chi trả 250 triệu tại thời điểm đó (đó là con số cao nhất từ trước đến nay vì sau đó ba năm, dịch vụ này chỉ còn khoảng 50 triệu) cho một đoàn tư vấn của GS. Nguyễn Quang Toản, người đầu tiên giảng dạy về ISO 9000 và quản trị chất lượng cho các trường đại học tại Việt Nam dẫn đầu.
Những rủi ro không thể lường hết và dù thế nào cũng không thể tránh khỏi những sản phẩm thất bại và tái chế sau mỗi mẻ gốm sứ khiến người ta không khỏi nghĩ đến những nỗ lực dùng công nghệ để đạt đến độ chính xác tuyệt đối trong sản xuất của ông Lý Ngọc Minh giống như tìm cách lấy bàn tay che cả bầu trời. Nhưng ông lại có một suy nghĩ khác, nghề nghiệp khiến ông nhận ra rằng, “99% mọi chuyện xảy ra là do số mệnh, chỉ 1% là do con người” nhưng “không có lý do gì mà 1% đó mình không quyết định đúng”.