Chuyện phiếm Chín phần chết hay mười phần chết

1.

Thơ văn Cao Bá Quát (1809?-1855) được lưu truyền đến nay còn hơn một ngàn ba trăm năm mươi bài thơ, hơn hai mươi bài văn xuôi, một số bài ca trù, và nhiều câu đối. Khi bị triều đình Huế cho về Quốc Oai (Sơn Tây) giữ chức giáo thụ, ông làm thầy đồ sống qua ngày, có làm hai câu đối dán ở chỗ dạy học, lời lẽ ngông nghênh như sau:

Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái;

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Xưa nay đố ai dám chê tài hoa của danh sĩ họ Cao; nhưng mấy tay rảnh việc, bèn làm toán cộng thì thấy: nửa + nửa + nửa = một rưỡi. Lẻ mất rồi, ông Cao ơi! Muốn chẵn thì ông phải viết: Một phần ba người, một phần ba ngợm, một phần ba đười ươi. Nhưng nếu ai bạo gan trêu ghẹo ông Cao, dám sửa câu đối của ông như thế, thì tạm coi như trúng về toán mà thật tình lại trật lất về văn chương.

Tương truyền đây là chân dung Cao Bá Quát

2.

Ngôn ngữ dân gian cũng chẳng cần quan tâm tới phép toán cộng, cho nên để diễn tả cái ý thoát chết trong đường tơ kẽ tóc (a narrow escape from death), từ lâu đời người Việt hay nói “thập tử nhất sinh”, với nghĩa “mười phần chết, một phần sống”. Bây giờ thử gõ bốn chữ “thập tử nhất sinh” vào công cụ tìm kiếm Google, trong 0,36 giây có được khoảng 292 ngàn kết quả. Vậy thành ngữ này rất phổ biến, mặc dù theo đó mà làm toán cộng thì được mười một, cũng lẻ như câu đối trên kia của ông Cao.

Trái lại, để chẵn mười thì nói “cửu tử nhất sinh”, với nghĩa “chín phần chết, một phần sống”. Lại thử gõ bốn chữ “cửu tử nhất sinh” vào công cụ tìm kiếm Google, trong 0,38 giây có được khoảng 232 ngàn kết quả. Như thế, mức độ phổ biến của nó trong tiếng Việt hơi kém hơn thành ngữ “thập tử nhất sinh”, kết quả có được ít hơn 60 ngàn.

Khuất Nguyên theo tưởng tượng của người đời sau

3.

Rất có thể người Việt đã mượn hai thành ngữ nói trên từ lời ăn tiếng nói của người Hoa. Vậy, thói quen người Hoa dùng hai thành ngữ này ra sao?

Thử gõ bốn chữ Hán 九死一生 (cửu tử nhất sinh) vào công cụ tìm kiếm Google, trong 0,40 giây có được khoảng 5,5 triệu kết quả. Nhưng gõ bốn chữ 十死一生 (thập tử nhất sinh) vào công cụ tìm kiếm Google, trong 0,31 giây chỉ có được khoảng 27,3 ngàn kết quả. Mức chênh lệch quá lớn; phải chăng người Hoa có cái đầu “tính toán” chi ly hơn người Việt?

Từ điển Bách độ百度 (https://baike.baidu.com) ở Trung Quốc cho rằng thành ngữ “cửu tử nhất sinh” bắt nguồn từ tác phẩm Ly tao 離騷 bất hủ của Khuất Nguyên 屈原 (340-278 trước Công Nguyên), là danh sĩ nước Sở thời Chiến Quốc.

Thật ra, dài 375 câu, gồm hơn 2.480 chữ, bài Ly tao không có hai chữ “nhất sinh”, chỉ một lần duy nhứt Khuất Nguyên dùng hai chữ “cửu tử” ở câu 86. Hai câu 85-86 như sau:

Diệc dư tâm chi sở thiện hề / Tuy cửu tử kỳ do vị hối.

亦餘心之所善兮 / 雖九死其猶未悔.

Nhượng Tống (thế danh Hoàng Phạm Trân, 1904-1949) dịch:

Lòng ta đã thích đã ưa / Dẫu rằng chín chết có chừa được đâu.

Hàn Dũ theo tưởng tượng của người đời sau

4.

Ðể diễn tả ý cực kỳ gian nan nguy hiểm, mất mạng như chơi, người Hoa còn một thành ngữ nữa là “thập sinh cửu tử” 十生九死 (tạm hiểu: trong mười phần sống sót thì có tới chín phần chết; tức khả năng sống sót là một phần mười). Thành ngữ này có nguồn gốc từ bài thơ Bát nguyệt thập ngũ tặng Trương Công Tào 八月十五贈張功曹 (Rằm tháng Tám tặng Trương Công Tào) của Hàn Dũ 韓愈 (768-824) đời Ðường.

Bài thơ này Hàn viết tại Sâm Châu 郴州 (phía nam tỉnh Hồ Nam) vào đêm trung thu năm 805 để tặng Trương Công Tào, tức Trương Thự 張署. Năm 803 Hàn và Trương cùng nhậm chức giám sát ngự sử. Vì nhiệm vụ ngự sử là phải can gián vua, cả hai dâng sớ tâu với vua Ðường Ðức Tông về các tệ nạn trong chốn cung đình. Vua mích lòng bèn giáng chức cả hai, bắt phải rời khỏi kinh thành. Hàn đi làm huyện lệnh ở huyện Dương Sơn 陽山 (tây bắc tỉnh Quảng Ðông), còn Trương đi làm huyện lệnh ở huyện Lâm Vũ 臨武 (tỉnh Hồ Nam).

Năm 805, Ðường Thuận Tông lên ngôi tháng Giêng, sang tháng Hai ra chiếu đại xá thiên hạ. Sáu tháng sau, Ðường Hiến Tông lên ngôi, lại đại xá thiên hạ lần nữa. Do có người ghen ghét, cản trở nên cả hai lần đại xá ấy Hàn và Trương vẫn không được triệu hồi về kinh thành. Hàn còn bị đổi đi tới huyện Giang Lăng 江陵 (phía nam tỉnh Hồ Bắc). Sau khi được lịnh vua, Hàn Dũ bèn viết bài thơ này tặng bạn đồng liêu cùng chung cảnh khốn cùng là Trương Thự.

Trong bài thơ dài 29 câu, gồm 203 chữ, ở câu 9 Hàn Dũ viết: Thập sinh cửu tử đáo quan sở. 十生九死到官所. Ý nói rằng khi đi đến nơi nhậm chức (đáo quan sở: reaching the official post) là chốn cực kỳ nguy hiểm, xem như mười phần chết hết chín (thập sinh cửu tử).

Trong một bản tiếng Anh, câu thơ này của Hàn Dũ được dịch là: “At a ten to one risk of death, I have reached my official post.” Người dịch đã mượn lối nói cá cược “ten to one” (cược mười ăn một) để diễn tả cái ý cầm chắc rủi ro (risk) mất mạng.

Nguyễn Minh (thế danh Nguyễn Minh Tú, sinh năm 1940 tại Hà Nội) dịch “thập sinh cửu tử”“chín phần chết trên mười phần sống” với hàm nghĩa chín phần mười (9/10).

Xem ra con số để tính toán cụ thể trong cuộc sống đời thường khi đưa vào ngôn ngữ văn chương thường có tính ước lệ, hoặc phiếm định; bám chặt vào con số theo nghĩa chính xác của nó ắt là không nên. Chẳng hạn, dù mua bánh trung thu nhân “thập cẩm” đắt tiền nhất, có ai dám chắc phần nhân bánh có đủ mười thứ sơn hào hải vị? “Thập” ở đây nên hiểu là nhiều thứ, nhiều loại (mixed). Cũng vậy, xưa nay kinh điển nhà Phật vẫn lưu truyền rằng Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn (bát vạn tứ thiên pháp môn 八萬四千法門; 84.000 methods), nhưng chưa thấy sách vở nào làm bản liệt kê tỉ mỉ xem tất cả gồm những pháp môn gì. Thật ra, chỉ nên hiểu “tám vạn bốn ngàn” có nghĩa là vô số, vô biên, không xác định (indefinite); ý nói cái khổ của chúng sinh vô biên thì Phật pháp nhiệm mầu, tùy duyên mà ứng nghiệm cứu người vô biên, vô số kể.

Nhiêu Lộc, 07-7-2020

Huệ Khải

Link nội dung: http://lichamtot.com/chuyen-phiem-chin-phan-chet-hay-muoi-phan-chet-cgvdt-a21057.html