Bài viết của Beth Nguyễn, người Mỹ gốc Việt và là một tiểu thuyết gia. Các tác phẩm của cô bao gồm cuốn hồi ký Stealing Buddha’s Dinner và tiểu thuyết Short Girls, Pioneer Girl.
Khi gia đình đặt cho tôi cái tên này, họ không biết rằng chỉ 8 tháng sau đó, chúng tôi lại trở thành những người tị nạn và tôi sẽ lớn lên ở Michigan vào những năm 80, nơi chủ yếu là người da trắng và các cô gái thường sẽ mang những cái tên như Jennifer, Amy hay Stacy. Việc mang cái tên Bích không chỉ khiến tôi luôn nhận được sự chú ý mà còn làm tôi trở nên nổi bật một cách thảm hại.
“Tên của bạn là gì?”, mọi người sẽ hỏi. “Bạn đánh vần nó ra sao?”
Đôi khi họ cười phá vào mặt tôi: “Bạn biết tên của mình nghĩa là thế nào không? Thật sự bố mẹ đã đặt cái tên như thế cho bạn sao?”
Việc mang cái tên Bích không chỉ khiến tôi luôn nhận được sự chú ý mà còn làm tôi trở nên nổi bật một cách thảm hại (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Tôi luôn ghen tị với những đứa trẻ châu Á mà bố mẹ cho phép chúng đổi tên hoặc có thêm một cái tên “Mỹ” khác. Chẳng hạn như Phước ở nhà nhưng đến trường lại là Phil. Vậy mà bố mẹ tôi lại nhất quyết không đồng ý cho tôi đổi tên. Ông bà nói rằng tôi phải biết tự hào về con người của mình. Họ không hề sai. Và vì họ rất tức giận nên tôi biết mình chỉ nên giữ sự lo lắng về cái tên cho riêng bản thân mà thôi. Tôi không muốn phủ nhận cội nguồn Việt Nam của gia đình mình hay thay thế nó bằng những thứ được quảng cáo trên truyền hình. Và thế là tôi mắc kẹt với Bích.
Những kỷ niệm đầu tiên của tôi khi đi học đó chính là sự căng thẳng mỗi giờ điểm danh, khi tôi cố gắng đọc rõ cái tên của mình trước lúc giáo viên bắt đầu tìm cách phát âm nó ra. Những giáo viên tốt bụng nhất là những người đã trực tiếp hỏi cách đọc tên của tôi như thế nào. Trong một lớp học toàn là trẻ da trắng, quả thật không khó để tìm ra ai là người tên Bích.
Vốn đã là một đứa trẻ nhút nhát, sau đó tôi càng trở nên khép mình. Tôi tránh tiếp xúc với mọi người để không phải nói tên mình ra. Và tôi thật sự cảm thấy xấu hổ vì bản thân đã không đủ mạnh mẽ để xử lý cảm xúc của mình trước ánh mắt dò xét của người Mỹ.
Cái tên của một người vừa là thứ rất cá nhân nhưng cũng vô cùng công khai. Chúng ta phải nhìn thấy tên của mình ở khắp nơi, dưới mọi hình thức. “Tên của bạn ở đây” là thứ phải điền vào trên đầu mỗi bài tập ở trường tiểu học.
Bọn trẻ sẽ trang trí tên của chúng với ngôi sao hay trái tim, cố gắng làm tên của chúng lớn hơn của người khác. Việc nhìn thấy tên của mình khiến chúng hạnh phúc và thỏa mãn. Trái lại, tôi chưa từng tận hưởng được cảm giác ấy một lần nào trong đời, chưa bao giờ. Cái tên luôn khiến tôi bị mọi người chế nhạo. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy nó.
Bích trong tiếng Việt có nghĩa là một loại ngọc. Sau này tôi mới biết rằng con gái Việt Nam thường có truyền thống đeo vòng ngọc bích - loại đá có tác dụng bảo vệ và chữa lành cho cơ thể. Ngọc càng xanh thì càng tốt. Ở một đất nước khác, một cuộc sống khác, cái tên của tôi có lẽ cũng sẽ tốt đẹp như thế.
Cái tên luôn khiến tôi bị mọi người chế nhạo. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy nó (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Trên thực tế, hầu hết những người từng nói thích cái tên Bích của tôi hoặc tỏ ra tức giận với ý tưởng thay đổi tên của tôi, đều là phụ nữ da trắng. Họ là người cho tôi biết rằng cái tên Bích thật hay ho, độc đáo và thú vị biết nhường nào. Họ nói cái tên đẹp đẽ này là một phần quan trọng của cội nguồn văn hóa và bản sắc của tôi, là thứ đại diện cho bản thân tôi. Họ thích cái tên này và cảm thấy rất buồn nếu tôi thay đổi nó.
Có điều, họ không nói rằng họ muốn mình được mang tên Bích.
Tôi muốn tin họ, trong một thời gian dài tôi đã lựa chọn tin họ. Nhưng tôi cũng biết rằng họ chỉ thích sự kỳ lạ này, miễn là bản thân họ không phải dính dáng đến rắc rối do nó mang lại. Đôi khi tôi cũng tự hỏi liệu họ có thích việc cảm thấy thương hại cho tôi hay không.
Tôi đã cố gắng sống cùng cái tên Bích. Tôi đã từng thêm trọng âm vào trên chữ i để viết cho đúng chính tả tên mình. Âm thanh nằm đâu đó giữa câu hỏi và câu cảm thán. Nhưng làm sao tôi có thể thoát khỏi ánh mắt của người đời?
Một trong những sự thật của cuộc đời tôi chính là cái tên này là một sự xấu hổ, và việc là một đứa trẻ xuất thân từ gia đình tị nạn sống tại Mỹ là một sự xấu hổ. Nước Mỹ đã làm cho tôi biết được điều đó và cũng khiến cho tôi cảm nhận sâu sắc nhất về điều đó ngay từ khi tôi bắt đầu biết nhận thức.
Suốt khoảng thời gian thơ ấu, tôi không thể tách cái tên Bích ra khỏi bản thân mình, không thể tách nó ra khỏi ký ức bị mọi người cười nhạo. Họ đã cho tôi biết rằng cái tên chính là trò cười của cuộc đời tôi, rằng tôi quá ngu ngốc và hèn nhát để làm bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận nó.
Cứ mỗi khi nhìn thấy những chữ cái viết nên tên mình tôi đều nhìn thấy một phiên bản khác của tôi, một người mà tôi đã phải tự tạo ra để che giấu vết thương lòng. Ngay cả giờ đây ngồi gõ những chữ này, thật lòng tôi vẫn muốn trốn tránh chúng.
Tôi không thể tách cái tên Bích ra khỏi bản thân mình, không thể tách nó ra khỏi ký ức bị mọi người cười nhạo (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Và tôi không thể viết về phân biệt chủng tộc mà không viết về bạo lực.
Tôi nhớ khi còn là một đứa trẻ đã từng nghe bố và các chú của mình nói về vụ giết hại Vincent Chin ở Detroit vào năm 1982. Đến hôm nay, tôi lại kể cho các con nghe về vụ sát hại những phụ nữ gốc Á tại Atlanta. Tôi dạy cho chúng hiểu về thuộc địa, về chủ nghĩa phương Đông và những luật chống lại sự kỳ thị người nhập cư châu Á. Tôi dạy chúng về việc những người châu Á, người Mỹ gốc Á luôn là vô hình ngoại trừ lúc họ trở thành mục tiêu chế nhạo hoặc định nghĩa của một hành vi nào đó - như là cách để tạo ra nỗi sợ hãi, cưỡng ép sự phục tùng và củng cố thêm sự phân biệt chủng tộc đối với những người da màu.
Dĩ nhiên, các con tôi rất lo sợ. Tất cả chúng ta đã luôn lo sợ trong suốt nhiều năm qua. Và giờ đây, chúng ta lại càng phải cẩn thận hơn mỗi khi rời khỏi nhà.
Vậy mà, trong suốt cuộc đời mình, nước Mỹ luôn nói với tôi rằng tôi đang phản ứng thái quá. Rằng việc châm chọc những cái tên châu Á là bình thường, rằng chẳng sao cả khi chế nhạo người châu Á - những người nước ngoài kỳ quặc mà ai trông cũng na ná nhau, giọng phát âm thì buồn cười và dở tệ.
Tôi biết những điều này trở thành quá bình thường bởi nó vẫn diễn ra hàng ngày trên các phương tiện truyền thông và cả trong cuộc sống thật. Mỗi lần như vậy, khi người châu Á bày tỏ sự tức giận, mọi người lại phản bác rằng “Bạn nhạy cảm quá đấy” hay “Chỉ là đùa thôi mà”.
Tôi hiểu rồi, trò đùa quan trọng hơn sự tồn tại của chúng tôi.
Tất cả chúng ta đã luôn lo sợ trong suốt nhiều năm qua. Và giờ đây, chúng ta lại càng phải cẩn thận hơn mỗi khi rời khỏi nhà (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản dưới tên thật bởi đó là cuốn hồi ký và tôi nghĩ rằng đó là việc mà ai cũng sẽ làm, dùng tên thật để kể về câu chuyện thật của bản thân. Dù sao thì lúc ấy tôi cũng chẳng có ý tưởng cho một cái tên nào khác. Sau đó tôi mới được biết một tác giả sau khi xuất bản rồi thì không nên đổi bút danh nữa.
Một lần trong khi đi dự bữa tiệc với các nhà văn khác, tôi vô tình nghe được một người đang cười cợt với cái tên của tôi. Cô ta không biết tôi đang đứng ngay đó và lắng nghe tất cả.
“Thật không thể tin là có người lại dùng cái tên như thế!”
Tôi tự hỏi liệu cô ấy có nhớ nổi khoảnh khắc đó không? Khoảnh khắc mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời và đã giữ mãi trong lòng suốt bao nhiêu năm nay.
Khi cuốn sách thứ hai được xuất bản, nó được đánh giá trên tạp chí Times cùng một vài tựa sách khác nằm trong chuyên mục “sách nước ngoài”. Nhưng sách của tôi không phải “nước ngoài” nào cả. Nó là tiểu thuyết lấy bối cảnh ở miền Trung Tây nước Mỹ và do một nhà xuất bản lớn của Mỹ phát hành. Tôi nghĩ, thứ “nước ngoài” nhất trong cuốn sách của mình chính là cái tên tác giả: Bich Minh Nguyen.
Nguyễn, một cái họ phổ biến nhất Việt Nam, đã trở thành cái họ có thể chấp nhận và chỉ hơi khó phát âm một chút tại Mỹ. Cái tên Bích thì vẫn còn chờ tới lượt. Liệu việc đổi tên bây giờ có đúng đắn hay quá rẻ rúng hay không? Tôi đã cố suy nghĩ về điều này, cố gắng viết ra điều này trong nhiều năm.
Tôi chỉ biết rằng việc là Bích ở một thị trấn toàn người da trắng vào những năm 80 giống như một bài kiểm tra mà tôi liên tục thất bại. Điều này có vẻ như một tiêu chuẩn kép: những người khiến tôi thấy xấu hổ với cái tên cha sinh mẹ đẻ cũng chính là những người nói rằng nếu tôi đổi tên thì chẳng khác gì phản bội lại gốc rễ của mình. Thứ mà tôi mong muốn thật sự bất khả thi: không có tên, không bị ai dòm ngó.
Việc là Bích ở một thị trấn toàn người da trắng vào những năm 80 giống như một bài kiểm tra mà tôi liên tục thất bại (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Tôi luôn dùng những cái tên giả khác nhau khi đi đến nhà hàng. Khi là Rose, khi là Sophia hoặc Beatrice. Cho tới một hôm, khoảng vài năm trước, khi người phục vụ tại nhà hàng Shake Shack ở công viên Quảng trường Madison hỏi tên, tôi đã nói: “Beth”. Trong khoảnh khắc đó tôi không chỉ nói “Beth”, tôi thật sự là Beth.
Tôi bắt đầu dùng cái tên này nhiều hơn. Từ người bán hàng, người trông trẻ, thợ điện, người mới quen, đồng nghiệp mới…, tôi luôn nói mình là Beth. Và một niềm vui nho nhỏ lóe lên, giống như luồng gió mát từ tủ lạnh trong ngày nắng nóng, sẽ đến với tôi. Giống như một phiên bản bí mật của bản thân tôi. Như một cuộc sống khác.
Beth là một thí nghiệm xã hội với giả thuyết rằng cuộc sống tại Mỹ sẽ dễ dàng hơn với một cái tên mà không ai có thể hiểu sai nó đi. Và quả đúng là sự thật.
Tôi không phải là Beth để làm cho mọi người thoải mái hơn. Tôi là Beth để làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Với cái tên Beth, tôi trở nên “Mỹ” hơn, bớt châu Á hơn trong mắt mọi người. Nó là trải nghiệm khá sâu sắc và đau đớn. Với Bích, tôi là một người ngoại quốc khiến mọi người không được thoải mái. Với Beth, chẳng một ai khen ngợi về trình độ tiếng Anh của tôi nữa.
Những đứa bạn thân nhất đều chấp nhận cái tên mới của tôi một cách tự nhiên. Những người khác tỏ ra ngạc nhiên và không đồng tình. Một số nói rằng dù thế nào thì họ vẫn gọi tôi bằng cái tên cúng cơm. Tôi hiểu, nhưng nếu bạn từ chối chấp nhận cái tên người khác chọn, chẳng phải là bạn đang từ chối chấp nhận con người của họ hoặc điều mà họ đã tự quyết định cho bản thân hay sao?
Tôi không phải là Beth để làm cho mọi người thoải mái hơn. Tôi là Beth để làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, vì chưa gặp bất cứ rắc rối nào về mặt pháp lý nên trên tất cả giấy tờ tôi vẫn giữ tên Bích. Có lần đang đi cùng các con vào cửa hàng, nhân viên yêu cầu xem bằng lái của tôi. Và cô ấy bắt đầu cười. “Đây thật sự là tên của chị à?”, cô nhân viên hỏi.
Nếu là trước đây, tôi sẽ xuôi theo, cười trừ để tránh sự khó chịu. Tôi đã quá quen với chuyện như thế này và sẽ nói: “Đúng vậy, cái tên tôi hơi khó đọc”. Nhưng vì đang ở cùng các con nên tôi đã nhìn chằm chằm vào người nhân viên đó cho đến khi cô ta trở thành người cảm thấy không thoải mái.
Sau khi rời đi, con trai nói với tôi: “Cô ấy đã chế nhạo tên của mẹ. Thật xấu tính”. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên thằng bé phải trải qua chuyện như vậy. Nó và anh trai đều được đặt những cái tên khá đơn giản, dễ hiểu mà ở Mỹ sẽ không ai thắc mắc.
Beth không thể thay đổi quá khứ của tôi, gia đình hay cuộc sống của chúng tôi khi tị nạn tại Mỹ (Ảnh: Bich Minh Nguyen)
Gần đây, các con tôi học về ngôn ngữ cổ. Chúng đang cố gắng hiểu cách phát triển của từ ngữ và âm thanh. Đôi khi một từ có thể trở thành đối lập của chính nó. Ví dụ như “cleave”, có nghĩa là tách ra nhưng cũng có nghĩa là bám lấy. Tôi nghĩ chúng đang cố để hiểu được sự mất mát của ngôn ngữ khi nó biến thành một thứ khác. Liệu đó có phải là sự mất mát? Liệu mọi người có đang nhận thức được rằng ngôn ngữ của họ đang chuyển từ cổ đại sang hiện đại không?
Tôi giải thích với chúng rằng đôi lúc sự thay đổi này rất chậm nên chúng ta chỉ có thể nhận thấy được từng chút một qua từng thời điểm. Ngôn ngữ thay đổi xung quanh chúng ta và chúng ta cũng là một phần trong đó. Giống như tiếng lóng, thành ngữ, những từ mới, cách phát âm mới... Từ ngữ không tự động thay đổi. Chúng ta phải thay đổi. Đôi lúc, chúng ta cũng đối lập với chính mình.
Ngay lúc này, tôi đã thay đổi thành Beth. Tôi thoải mái vì Beth bình thường và không có gì nổi bật. Nhưng Beth không thể thay đổi quá khứ của tôi, gia đình hay cuộc sống của chúng tôi khi tị nạn tại Mỹ. Nó có thể không là mãi mãi. Nó chỉ giống như tạo cho bản thân tôi một chút không gian, nơi tôi có thể hướng sự nhìn nhận của mọi người theo cách tôi muốn chứ không phải bị áp đặt theo cách nào khác. Tôi nhận ra rằng cả đời mình, tôi đã chờ đợi một sự cho phép nào đó - sự cho phép của chính tôi - để trở thành người này.
Nguồn: Newyorker
Link nội dung: http://lichamtot.com/chuyen-cua-bich-khi-y-nghia-cai-ten-tieng-viet-cha-me-dat-cho-bi-a20872.html