Sẽ ra sao khi bạn bị hoang tưởng những khuôn mặt thân thuộc hội chứng Capgras

Người bị hoang tưởng Capgras có nhiều biểu hiện của bệnh tâm thần. Bệnh lý này còn được gọi với cái tên “hội chứng kẻ mạo danh” hay “chứng hoang tưởng Capgras”.

Hiểu một cách đơn giản, đây là chứng bệnh tâm thần hiếm gặp, nó khiến người bệnh bị rối loạn nhận diện. Theo đó, họ luôn có những niềm tin phi lý rằng những người thân xung quanh họ đã bị thay thể bởi những kẻ mạo danh đáng sợ.

Hội chứng hoang tưởng Capgras là gì?

Một ngày nọ, người bạn đời của bạn trở nên hoảng loạn khi nhìn thấy bạn. Anh/cô ta liên tục gào thét và cố gọi ai đó đến giúp để tìm ra “người bạn đời thật sự”. Không những vậy, họ còn buộc tội bạn là kẻ mạo danh. Nếu tình trạng này kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, có thể vợ/chồng của bạn đã mắc phải hội chứng “những khuôn mặt thân thuộc”.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, những người trải qua ảo tưởng này còn tin rằng con vật, đồ vật hoặc thậm chí một ngôi nhà là kẻ mạo danh.

Hội chứng này được đặt theo tên của nhà khoa học Joseph Capgras (1873 - 1950). Năm 1923, Joseph và cộng sự của ông lần đầu tiên miêu tả trong bệnh án trường hợp một người phụ nữ mắc căn bệnh kỳ lạ. Cô ta nhất định cho rằng chồng và con mình đã bị bắt cóc và thay thế bởi những bản sao. Không những vậy, bệnh nhân này còn tự nhận mình là con cháu của vua Louis XVIII và là công tước Salandra.

Bất cứ ai cũng có thể bị hoang tưởng Capgras. Tuy vậy, bệnh phổ biến hơn ở phụ nữ và rất hiếm xảy ra ở trẻ em.

Những nguyên nhân nào khiến bạn bị hoang tưởng Capgras?

" data-event-label="https://cdn.hellobacsi.com/wp-content/uploads/2018/01/so-cuu-tai-nan-giao-thong-3-e1516349928389.jpg">Nguyên nhân gây chứng Capgras

Sau những trường hợp đầu tiên mắc bệnh, các nhà nghiên cứu cho rằng hội chứng này chỉ diễn ra ở nữ giới. Tuy nhiên, đến năm 1936, thế giới đã công nhận có bệnh nhân nam bị hoang tưởng Capgras. Đến năm 1980, một số thống kê đã cho thấy gần 1/3 số người bị Capgras là nạn nhân của những chấn thương tâm lý hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Hội chứng Capgras thường liên quan đến bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ. Nguyên nhân là vì hai bệnh lý này làm ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ và thay đổi cảm quan thực tế của người bệnh. Bên cạnh đó, tâm thần phân liệt (đặc biệt là tâm thần phân liệt hoang tưởng) cũng có thể gây ra chứng hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc” trong thời gian ngắn.

Trong một số ít trường hợp, chấn thương não sẽ gây ra hội chứng Capgras, đặc biệt là các chấn thương ở bán cầu não phải. Nguyên nhân là vì não phải thuộc vùng xử lý nhận dạng khuôn mặt. Người bệnh động kinh cũng thường mắc phải chứng hoang tưởng này.

Theo Medical News Today, một số nhà nghiên cứu tin rằng hội chứng Capgras xảy ra do một vấn đề trong não như teo não, tổn thương hoặc rối loạn chức năng não. Nhà tâm lý học Andy Young đưa ra giả thuyết, bệnh nhân Capgras có xuất hiện “ảo tưởng đôi” và sự phân ly của chứng tâm thần phân liệt. Theo đó, nhận thức của bệnh nhân vẫn còn khả năng nhận diện khuôn mặt nhưng phần cảm xúc nhận diện khuôn mặt người thân bị tổn thương. Điều này gây ra sự hoang tưởng và hoảng loạn ở người bệnh.

Những người khác tin rằng, vấn đề nằm ở việc xử lý thông tin và nhận thức của bộ não. Sự hoang tưởng xuất hiện trùng khớp với những ký ức bị hư hỏng hoặc đã mất đi.

Song, điều thú vị của chứng hoang tưởng Capgras là khi người bệnh chỉ nghe chứ không nhìn thấy thì những cảm xúc và khả năng nhận diện người thân sẽ trở lại bình thường.

Điều trị chứng hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc”

" data-event-label="https://cdn.hellobacsi.com/wp-content/uploads/2019/12/uong-thuoc-tranh-thai-khan-cap.jpg">Điều trị cho người bị hoang tưởng Capgras

Cho đến nay, phương pháp điều trị chứng Capgras vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện. Tuy vậy, các bác sĩ tâm thần đã sớm xác định được những lựa chọn điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Trong đó, liệu pháp tâm lý được xem là phương phảp điều trị được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất tính tới thời điểm hiện tại. Điểm quan trọng của liệu pháp này là sự tin tưởng của bệnh nhân và bác sĩ.

Mục đích của việc chữa trị là giải quyết các nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn, nếu người bệnh bị tâm thần phân liệt dẫn đến hội chứng Capgras thì điều trị tâm thần phân liệt cũng đồng thời cải thiện Capgras. Tuy nhiên, nếu hội chứng này xảy ra trong quá trình trị bệnh Alzheimer thì các lựa chọn điều trị sẽ bị hạn chế.

Để quá trình điều trị chứng hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc” đạt hiệu quả cao, người thân của bệnh nhân cần tạo một môi trường tích cực. Điều này sẽ giúp bệnh nhân giảm căng thẳng và cảm thấy an toàn hơn.

Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế cũng áp dụng liệu pháp xác nhận trong trị liệu chứng hoang tưởng Capgras. Trong trị liệu xác nhận, những ảo tưởng của bệnh nhân được hỗ trợ thay vì bị từ chối. Quá trình này sẽ làm giảm lo lắng, hoảng loạn của người bệnh.

Kỹ thuật định hướng thực tế cũng hữu ích trên một số người bệnh. Theo đó, người chăm sóc sẽ đưa ra lời nhắc nhở thường xuyên về thời gian, địa điểm hiện tại.

Những nguyên nhân cơ bản của hội chứng Capgras cần được phát hiện càng sớm càng tốt. Phương pháp dùng thuốc cũng mang lại hiệu quả khả quan, các loại thuốc thường được các bác sĩ kê toa bao gồm:

- Thuốc ức chế cholinesterase, giúp tăng cường dẫn truyền thần kinh liên quan đến sự cải thiện trí nhớ và phán đoán

- Thuốc chống loạn thần

Theo đó, nhiều bệnh nhân bị hoang tưởng Capgras sau khi được dùng thuốc chống loạn thần theo liều dưới đây đã có các dấu hiệu phục hồi và dần nhận ra gia đình của mình:

- Risperidone: 3 mg/ngày

- Sertraline: 100 mg/ngày

- Clonazepam: 6 mg/ngày

Bên cạnh đó, một số người bệnh bị chấn thương vùng đầu cần được phẫu thuật não để nâng cao hiệu quả điều trị.

Chăm sóc người bị hoang tưởng Capgras

" data-event-label="https://cdn.hellobacsi.com/wp-content/uploads/2019/08/cham-soc-nguoi-benh-alzheimer-e1566315502489.png">Chăm sóc người bệnh Capgras

Chăm sóc người bệnh tâm thần chưa bao giờ là việc dễ dàng. Người mắc chứng hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc” có thể đòi hỏi quá mức về mặt cảm xúc, đặc biệt nếu bạn là người mà họ xem là kẻ mạo danh.

Sự chăm sóc của người thân đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân bị hoang tưởng Capgras. Dưới đây là một số lưu ý giúp hỗ trợ bệnh nhân một cách tốt nhất:

- Cố gắng hiểu những gì họ đang trải qua, sự thấu hiểu giúp người thân có thể đồng cảm với bệnh nhân

- Dừng việc tranh luận với người bệnh vì họ không thể nhận ra những gì họ nghĩ là sai lệch

- Hãy làm nhiều việc để người bệnh cảm thấy an toàn, nếu không biết nên làm gì, bạn có thể hỏi họ về những yêu cầu

- Công nhận tình cảm của người bệnh dành cho người thân

- Tránh để người bệnh tiếp xúc với những người bị họ cho là “kẻ mạo danh”, việc này sẽ khiến họ hoảng loạn hơn

- Chào hỏi bệnh nhân thật to trước khi bước đến gần họ, họ không thể xác định hình dạng khuôn mặt nhưng vẫn có thể nhận dạng qua giọng nói

Nhìn chung, kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều trị hội chứng Capgras gặp khá nhiều khó khăn do các biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh tâm thần khác. Đặc biệt là hội chứng Fregoli.

Cả hai bệnh lý này đều mang đến đau khổ đáng kể cho người bệnh và những người xung quanh. Trong khi hội chứng Capgras khiến bệnh nhân tin rằng kẻ mạo danh đã thay thế những người thân yêu thì hội chứng Fregoli làm họ tin rằng những người khác nhau trên thực tế là cùng một người. Theo đó, bệnh nhân cho rằng một ai đó đã thay đổi ngoại hình, giới tính, tính cách để sống với nhiều danh tính khác nhau xung quanh họ.

Hàng năm, tỷ lệ người bị hoang tưởng “những khuôn mặt thân thuộc” ngày càng tăng lên. Đây là một bệnh thần kinh nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguyễn Anh Thư / HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Link nội dung: http://lichamtot.com/se-ra-sao-khi-bi-hoang-tuong-nhung-khuon-mat-than-thuoc-a20787.html