Tết xưa Ảnh: TL |
Độc giả gửi tới chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa câu hỏi: “Một trường tiểu học nọ lên ma két chương trình mừng Xuân Quý Mão 2023 có tên Xuân yêu thương, Tết xum vầy. Tôi thấy phổ biến là dùng sum vầy, nhưng người làm ma két lại nói phải viết xum vầy mới đúng. Vậy xin chuyên mục cho biết, Tết sum vầy hay Tết xum vầy đúng chính tả”.
Quả thực, trong tiếng Việt, không chỉ có sum vầy/xum vầy, mà hàng loạt các từ hữu quan có hai cách phát âm khác nhau, tạo thành hai cách viết khác nhau, như sum họp/xum họp, sum suê/xum xuê, sùm soà/xùm xoà; um sùm/um xùm …Những cặp từ này thường gây ngập ngừng, thắc mắc, nhầm lẫn cho không ít người khi đặt bút viết.
Với sum vầy thì đây là cách viết được hàng loạt cuốn từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận, như Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức), Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị), hay Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân), Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên)... Ví dụ Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giảng: “sum vầy • đg [vch] như sum họp. trúc mai sum vầy ~ “Những mong cá nước sum vầy, Bao ngờ đôi ngả nước mây cách vời”.
Trong khi với cách viết xum vầy, chỉ có Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập) ghi nhận và giải nghĩa: “xum vầy • Họp lại đông đảo sau một cơn cuồng-phong kinh-thiên động-địa, cả gia-đình lại được xum vầy đầm ấm”. Cũng cuốn từ điển này ghi nhận “xum họp • Họp lại với nhau anh em xum họp; vợ chồng xum họp”.
Như vậy, cách viết được hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt ghi nhận là sum vầy chứ không phải xum vầy. Tuy nhiên, vẫn còn đó thắc mắc, là căn cứ vào đâu để nói rằng, sum vầy mới đúng chính tả. Để trả lời câu hỏi này, buộc chúng ta phải có thêm căn cứ về từ nguyên.
Chữ sum trong sum vầy là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn từ chữ sâm với tự hình là 森. Đây là một chữ được cấu tạo bởi 3 chữ mộc 木 đứng cạnh nhau theo phép hội ý (một trong lục thư - 6 phép cấu tạo chữ Hán), biểu thị cây cối sinh trưởng rậm rạp, um tùm, nghĩa gốc là rậm rạp, đông đúc. Sau này, chữ sâm có thêm một số nghĩa đáng chú ý, mà Hán ngữ đại từ điển đã giảng như: 1.cây cối rậm rạp, tốt tươi [thụ mộc cao tủng phồn mật mạo 樹木高聳繁密貌]; 2.vẻ đông đúc; người hoặc vật đông đúc, vui vươi [chúng đa mạo, mậu thịnh mạo 眾多貌,眾盛貌].
Vậy, có căn cứ nào để chứng minh sâm trong tiếng Hán đã biến âm thành sum trong tiếng Việt?
Câu trả lời là chúng ta có những căn cứ rất rõ ràng:
① Trong khi Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 8 của sâm là “vị sâm nghiêm 謂森嚴”, nghĩa là “nói [về] vẻ nghiêm mật” (nghiêm ngặt, không có kẽ hở nào), thì Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức thu thập và giảng nghĩa từ sâm nghiêm với hai cách đọc là sâm nghiêm và sum nghiêm: “sâm nghiêm • tt. C/g. Sum-nghiêm, nghiêm-nhặt, cấm kẻ lạ tới lui: Khu quân-sự là nơi sâm-nghiêm”; và mục “sum nghiêm • tt. Oai-nghiêm, nghiêm-nhặt, có đông người hầu-hạ, canh giữ: Cửa quan là chỗ sum-nghiêm”.
Những dẫn chứng trên đây cho thấy, sum nghiêm trong tiếng Việt có gốc từ sâm nghiêm trong tiếng Hán. Điều thú vị là trong Hán ngữ cũng có thành ngữ Sâm nghiêm bích luỹ, chỉ công sự phòng ngự kiên cố, bất khả xâm phạm; tỉ dụ sự phòng thủ nghiêm ngặt (使防禦工事嚴整不可侵犯.比喻防守嚴密 - Hán ngữ đại từ điển). Và, nếu như trong tiếng Hán có từ song thanh sâm sâm 森森, thì trong Việt cũng có từ láy sùm sùm - cả hai đều có nghĩa là cây cối rậm rạp, um tùm.
- Từ điển chữ Nôm trích dẫn (chunom.org) ghi nhận chữ sâm 森 có một số âm đọc như sum, sùm, xum:
“1-Âm sum (sâm): Vợ là Dương thị tên rày, Cùng nhau kết tóc sum vầy tào khang (Thạch Sanh); Một nhà sum họp trúc mai, Trời cho được chút con trai nối dòng.
2-Âm sùm (sâm): Vậy nó lấy hết các áo quần tốt, mặc vào sùm sùm sề sề, lại lấy cái bung đội trên đầu, khuất mặt khuất mày đi hết” (Chuyện đời xưa).
3-Âm xum (sâm): Rỗng không gan cáo ruột cầy, Béo bùi xum đến đắng cay lánh rời (Song tinh)”.
- Từ điển Dictionnaire Annamite-Français (Génibrel, J.F.M., 1898) cũng đã ghi nhận, chữ sâm 森 có một số âm đọc như sum trong sum vầy, sum hiệp (tức sum họp - HTC), sùm trong bùm sùm, sùm sề, sùm sụp.
Chúng ta thấy chữ sâm 森 có một âm đọc là xum trong từ xum đến (tức xúm đến, xúm lại). Nhưng xum chẳng qua cũng là biến âm từ sum mà ra. Bởi thế, Dictionnaire Annamite-Français (Génibrel, J.F.M., 1898) đã ghi nhận cách viết súm đến, súm lại.
-Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 7 của sâm 森 là “âm trầm u ám mạo - 陰沉幽暗貌” (vẻ âm trầm, u ám). Đây chính là nghĩa từ nguyên của chữ sùm trong từ sùm sụp, mà Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng là “sụp-sụp, thấp và tối-tăm: Nhà cửa sùm-sụp, đội nón sùm-sụp, che dù sùm-sụp”.
Ngay như chữ rậm trong rậm rạp cũng vốn bắt nguồn từ chữ sâm 森. Mối quan hệ ngữ âm S-R chúng ta còn thấy trong nhiều trường hợp như SẦU-RẦU (buồn rầu); SÚC-RÚT (co rút lại)…như Lê Ngọc Trụ đã ghi nhận trong Tầm nguyên tự điển Việt Nam.
Đến đây sẽ có ý kiến thắc mắc, vậy vầy trong vui vầy, sum vầy có nghĩa là gì?
Lâu nay, từ vui vầy vẫn được xem là từ láy. Tuy nhiên, vui vầy là một từ ghép đẳng lập, trong đó vui thì đã rõ nghĩa, còn vầy trong vui vầy, sum vầy có nghĩa là tụ họp, quây quần; sum vầy, vui vầy có nghĩa là tụ họp lại một cách đông đúc vui vẻ:
-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên): “vầy • đg [cũ, vch] sum họp, đoàn tụ. vui vầy ~ vầy duyên cá nước ~ “Chắc rằng mai trúc lại vầy, Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau!” (TKiều).
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “vầy • Sum-họp Sum vầy. Vui vầy. Vầy duyên cá nước. Văn-liệu: Nơi vui bạn ngọc, nơi vầy cuộc tiên (Nh-đ-m). Tiên đua vẻ ngọc, ngọc vầy đoàn tiên (H-T).
Như vậy, sở dĩ phải viết Tết sum vầy mới đúng, vì cách viết này thông dụng, và đã được hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt cũng như từ điển chính tả tiếng Việt ghi nhận. Mặt khác, chữ Nôm sum 森 trong sum vầy, được mượn nguyên tự hình và tự nghĩa của chữ sâm 森 trong Hán tự, để chỉ sự đông đúc, vui tươi, rậm rạp. Và cũng chính chữ sâm/sum 森 này đã tạo nên nghĩa đông đúc, rậm rạp của sum trong hàng loạt các từ như sum họp, sum suê, sùm soà; um sùm, sùm sề, sùm sùm, sùm sụp…
HTC/1/2023