Vamp Boy là gì mà cộng đồng mạng dạo gần đây “rần rần” nhắc đến và có liên quan gì đến nam rapper Playboi Carti trong giới hiphop?
Dạo gần đây, cộng đồng thời trang đường phố Việt Nam bỗng bâng khuâng và mong muốn đi tìm lời giải cho một câu hỏi hóc búa. Câu hỏi ấy - “Vamp Boy là gì?”- vẫn khiến nhiều người hoang mang và vắt óc suy nghĩ ra định nghĩa phù hợp. Vamp Boy có liên quan gì đến Playboi Cari, Vamp Boy có phải là “Cậu bé ma cà rồng”… thật nhiều câu hỏi sẽ được giải đáp qua bài viết này của Street Vibe.
Playboy Carti - “Ma cà rồng” của giới mộ điệu
Playboy Carti là nam rapper nổi tiếng trong giới hiphop xuất thân từ vùng Georgia, Mỹ. Với các album để đời như Whole Lotta Red, Die Lit… nam rapper nhanh chóng được nhiều người chú ý và trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ yêu rap/hiphop. Không chỉ trong âm nhạc, thời trang cũng là địa hạt mà Playboi Carti đang hoạt động.
Ghi đậm dấu ấn đầu tay khi xuất hiện với vai trò mẫu ảnh của BST OVO Summer 2016; Carti tiếp tục hành trình khi được diễn tại runway của VFILES thuộc khuôn khổ New York Fashion Week với vai trò rapper khách mời. Tiếp đến, người con xứ Georgia góp mặt trong MV “RAF” của A$AP Rocky cùng Quavo với bộ trang phục gồm chiếc áo Biker và chiếc áo sơ mi ngoại cỡ tên “Alistair Butler” từ thương hiệu Raf Simons.
Kể từ lần ấy, Carti được ưu ái xuất hiện trong các look của YEEZY 2017 và M+RC Noir Spring/Summer 2018. Thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp thời trang của anh không thể thiếu vắng lần xuất hiện tại show diễn Louis Vuitton SS/2019 và Off-White SS/2019 với vai trò người mẫu đường băng. Sau này, anh đồng thành cùng chiến dịch 2020 của Givenchy và trở thành “tín đồ”, “gương mặt thân quen” của Balenciaga.
Nhắc đến Playboi Carti, người ta nghĩ ngay đến hình tượng về một gã ma cà rồng da màu hay được các fan Việt ưu ái gọi cái với tên “Vamp Chúa”. Sở dĩ, đó cũng không phải là điều quá lạ lẫm với những ai yêu thích nam rapper này. Playboi Carti thường tự ví von bản thân như một cà rồng. Niềm say mê của anh dành cho loài sinh vật viễn tưởng này đến từ sự yêu thích cho bộ phim The Lost Boy (1987) kể câu chuyện về một băng nhóm ma cà rồng nổi loạn. Anh cũng chia sẻ với The Fader rằng Interview With the Vampire cũng là một tác phẩm điện ảnh mà bản thân yêu thích.
Nếu theo dõi Playboi Carti qua các mạng xã hội, bạn cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy anh thường xuyên sử dụng icon ma cà rồng hay miêu tả về bản thân như một sinh vật của bóng đêm. Riêng hội người hâm mộ của anh cũng có một cái tên “chất chơi” không thua gì thần tượng chính là “Vamps”.
Vamp Boy version Việt Nam
Định nghĩa chính xác của “Vamp Boy”?
Trên thực tế, không có một định nghĩa chính xác về danh từ hay phong cách nào tên “Vamp Boy” trên từ điển thời trang thế giới. Nếu tìm kiếm cụm từ “Vampire Boy” trên Google, bạn sẽ nhận được kết quả từ Urban Dictionary giải thích vô cùng khó hiểu rằng “Vampire Boy là một chàng trai rất lãng mạn và thu hút những người xunh quanh; mẫu bạn trai này say nắng bạn rất nhanh nhưng đó là điều tốt nhất có thể xảy ra với bạn“. Nhìn chung, lời giải thích này không thỏa đáng cho lắm.
Riêng nếu tìm kiếm ấy cụm từ qua TikTok, bạn sẽ tìm thấy những video về các chàng trai da trắng, mắt long lanh, gương mặt bí hiểm… như một con-ma-cà-rồng-lãng-tử. Nói cách khác, những video ấy và định nghĩa trên phần nào đó gợi nhắc người xem nhớ đến hình tượng chàng ma cà rồng Edward điển trai trong chuỗi phim Chạng Vạng.
Vamp Boy tại Việt Nam
Quay trở về Việt Nam, danh từ “Vamp Boy” được sử dụng phổ biến trong thời gian gần đây và dường như mang một định nghĩa hoàn toàn khác - rất khó để giải thích chính xác đó là một phong cách hay lifestyle. Có người cho rằng, Vamp Boy chính là những người yêu thích Playboi Carti (hoặc dòng nhạc/artist mang vibe tương tự) và phối đồ mang hơi hướm punk/rock hoặc lấy cảm hứng từ nam rapper.
Nhìn chung, vẫn có thể nhìn ra điểm chung của nhóm người này thông qua một số điểm giống nhau. Định nghĩa trên và cách nhận biết này đều do Vamp Boy Việt tự đặt ra:
- Phần thân trên của outfit sẽ là những chiếc áo len form crop họa tiết sọc đỏ đen… hoặc mấy quả áo len rách rưới, đổ lông. Áo khoác bên ngoài vô cùng đa dạng nhưng điểm chung chính là phải mang form crop/boxy hoặc đôi khi là oversize.
- Phần quần cũng phong phú không kém với đủ chất liệu như jeans/da nhưng bắt buộc phần ống phải loe và tạo cảm giác “bụi bụi” hoặc ống thật dài để tạo hiệu ứng stack ở phần ống.
- Phần giày: Các bạn trẻ dành sự ưu tiên cho những đôi giày Brothel Creeper (của hãng George Cox là một ví dụ điển hình), giày Converse x Rick Owens… hoặc những đôi giày đế chunky “siêu to”, “siêu hầm hố” và “siêu chiến”.
- Phụ kiện phải cực kì nhiều và cầu kì. Từ dây chuyền, nhẫn, xích quần móc khóa quần, kính, nón Trucker hay nón len hướng Punk và dây nịt nhìn “cool ngầu”. Đặc biệt, không thể không kể đến những Pin được đính lên áo hay nón.
- Tóc tai: Đa dạng - phổ biến nhất vẫn là Mullet hoặc kiểu tóc Spiky.
- Cách Posing: Độc đáo - khó quên.
- Thương hiệu quần áo hay được sử dụng: AAH Midnight Club, Lazythink, Thatfarm… và đồ si.
Công tâm mà nói, chính những “Vamp Boy” này đã và đang thổi một làn gió mới vào thời trang đường phố Việt Nam - khiến sân chơi nước nhà ngày một đa dạng, đáng nhớ hơn và tạo nên xu hướng. Riêng về thuật ngữ “Vamp Boy”, có lẽ nó cũng giống từ “Darkwear” khi không tồn tại ở quốc tế mà chỉ xuất hiện duy nhất ở Việt Nam.
Vamp Boy là từ để mỉa mai?
Cũng có người cho rằng, “Vamp Boy” là danh từ chỉ những “fan nửa mùa” của Playboi Carti và có phong cách ăn mặc gần giống miêu tả phía trên - nhưng “không đến nơi đến chốn”. Vậy, có thể thấy từ “Vamp Boy” khá giống từ “N*igga” trong văn hóa của người da màu. Có thể gọi nhau một cách vui vẻ nhưng cũng có thể được dùng để dèm pha.
“Vamp Boy” là một xu hướng tại sân chơi nước nhà, việc có những người theo xu hướng ấy nhưng không thể “mặc đúng công thức” vô tình chung tạo nên một sự mỉa mai cho danh từ này. Đó là điều vô cùng bình thường, bởi vì khi bất cứ thứ gì trở thành xu hướng - cũng sẽ có người ủng hộ và người ghét nó.
Vampirecore - Bạn đã nghe qua về aesthetic này chưa?
Như đã nói phía trên, từ điển thời trang thế giới không có định nghĩa chính xác nào về thuật ngữ hay phong cách tên “Vamp Boy”. Tuy nhiên, trong thời trang thật sự có một aesthetic mang tên Vampirecore để chỉ những người phối đồ với cảm hứng từ ma cà rồng. Vampirecore chịu ảnh bởi phong cách thời trang của thế kỷ 17 và 18 cũng như thời đại Victoria thuộc Anh Quốc. Vì vậy, họ phối đồ mang hơi hướm “cổ điển” cũng là điều thường tình. Và trên hết, họ dành sự quan tâm đặc biệt đến ma cà rồng, máu và màu đỏ rực.