Học tài thi phận

‘Học tài, thi phận’

Tinh Anh 30/07/2021 11:30

Đó là câu nói lưu truyền trong dân gian, ý để chỉ những người thực sự có năng lực nhưng lại không được may mắn trong khoa cử. Trong lịch sử văn học cận đại từng có nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương) là người có tài, nhưng thi mãi cũng chỉ đậu tú tài. Song, câu nói đó chủ yếu được các sĩ tử bất tài dùng để tự an ủi khi thi trượt.

Một điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Nguồn: VOV.

Những tưởng trong thời đại 4.0 này, quan niệm học tài thi phận sẽ không còn tồn tại, bởi mọi thứ đều được minh bạch, rõ ràng, không có sự mờ ám khuất tất. Những ai thực sự có tài, trong bụng “một bồ kiến thức” thì làm sao có thể thi trượt được? Vậy mà câu nói đó vẫn có vẻ đúng, bởi nhiều học sinh có học bạ rất “đẹp”, nhưng điểm thi lại rất thấp.

Mới đây thôi, Bộ GDĐT công bố báo cáo so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và điểm trung bình học bạ lớp 12 theo từng môn của học sinh ở các địa phương. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ, bởi một số địa phương có điều kiện học tập thuận lợi, truyền thống học tốt lại có sự chênh lệch ghê gớm giữa hai điểm trung bình.

Đơn cử như ở môn lịch sử, các học sinh ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng... đều có số điểm thi THPT quốc gia trung bình thấp hơn điểm trung bình học bạ tới hơn 3 điểm. Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh... đều có sự chênh lệch trung bình điểm tới trên 2 điểm. Điều này được người ta lý giải là... học tài thi phận.

Kể ra sử dụng cụm từ “học tài, thi phận” cũng chẳng sai, bởi kết quả học tập tốt mà điểm thi thấp thì biết giải thích thế nào đây? Song, bản chất của cái sự “học tài, thi phận” đó là cái gì, thì lại là cả câu chuyện đáng bàn. Liệu có phải các học sinh thực sự học tốt, chứa “một bụng kiến thức” mà thi vẫn không thể đạt được điểm cao? E rằng không đúng!

Thực tế cũng có một vài học sinh có tâm lý không vững nên khi vào phòng thi không thể tập trung làm bài dẫn đến việc điểm số không cao so với thực lực. Song, tỷ lệ đó không nhiều, nếu không muốn nói chỉ là cá biệt. Vậy chỉ có thể giải thích rằng, học sinh đạt điểm thấp khi thi là do hổng kiến thức, học tủ, học lệch nên không làm được bài.

Học sinh bị hổng kiến thức đến độ không làm được bài thi, hoặc chỉ làm được một phần dẫn đến đạt điểm thấp, vậy thì vì sao điểm trung bình học bạ của các em lại “tốt” như vậy? Điều đó chỉ có thể lý giải rằng các em đã được thày cô nâng đỡ vì một lý do gì đó, hoặc chí ít cũng là “nới tay” trong quá trình học tập tại trường cho “đẹp” học bạ.

Nói vậy nhiều người sẽ không phục và cho rằng, không thể có sự nhấm nháy tiêu cực “trên diện rộng”, tức là nhiều học sinh được nâng đỡ đến vậy. Vâng, điều đó thì đúng. Hầu hết học sinh có “thực lực” để rồi khi thi thì chẳng biết mô tê gì, phần lớn là do bệnh thành tích của thày cô và nhà trường, chứ lỗi cũng không phải của các em.

Với cơ chế hiện nay, tâm lý của hầu hết các thày cô giáo và các nhà trường đều mong muốn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đỗ đại học cao. Cũng không hẳn là vì lo cho tương lai của học sinh, mà đơn giản là vì thành tích của giáo viên và nhà trường. Bệnh thành tích vốn đã ăn sâu, mọc rễ trong tư duy của không ít thày cô giáo, các trường THPT.

Khi mà các thầy cô và BGH các trường THPT còn chạy theo thành tích tỷ lệ học sinh khá giỏi, chứ không quan tâm đến chất lượng kiến thức thực tế của học sinh thì vẫn còn xảy ra tình trạng “học tốt” nhưng thi điểm lại rất thấp. Cho dù điểm có cao cũng là do đề thi “trúng tủ” chứ cũng không phải thực học. Học tài thi phận chỉ có thể chấm dứt khi mà ngành giáo dục đặt chất lượng giảng dạy, học tập lên hàng đầu.

Link nội dung: http://lichamtot.com/hoc-tai-thi-phan-bao-dai-doan-ket-a19112.html