Hai vợ chồng đều có lương cao, nhưng anh nhất định không chịu chia sẻ với vợ khi chi tiêu các khoản trong cuộc sống hàng ngày. Anh bảo anh phải dành dụm để mua nhà, mua xe. Nhưng rồi khi nhà, xe cũng do chị mua, anh lại bảo tiền anh để dành lo cho tương lai của các con. “Ừ thì như thế cũng tốt”, chị chặc lưỡi và nghĩ, “tự mình làm, tự mình nuôi gia đình, với mức lương hiện tại điều ấy cũng không khó khăn gì”. Chị mặc kệ anh với đống tiền tiết kiệm to đùng mà anh đang thích thú, nhưng anh lại không để cho chị yên. Tuy chị tự làm tự tiêu, nhưng anh luôn để mắt một cách rất gắt gao. Nếu cảm thấy việc chi tiêu hơi "bất ổn” là anh lại hạch sách chị “sao lại chi khoản ấy”, “sao lại hết nhiều tiền thế”. Nhiều lúc chị bực mình gắt lên, “đấy là tiền em làm ra, muốn chi sao là việc của em”. Lúc đó, anh lại tua đi tua lại điệp khúc: “Tiền mang gửi vào tiết kiệm để sau này dùng vào việc lớn. Em đừng mua sắm nhiều thế nữa, thế là đủ rồi...”. Cứ thế, hôm nào có việc gì không thể đừng, phải chi nhiều tiền là anh tiếc mãi. Không đồng tình trong cách sử dụng tiền bạc không hiếm, đây cũng là nguyên nhân gây ra bất hòa trong gia đình. Có nhiều gia đình, chồng thì muốn mua thứ này, vợ lại muốn thứ kia, rồi cả hai mặt nặng mày nhẹ bởi "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Nhiều người cho rằng, mặc dù tiền bạc không phải là tất cả, nhưng nó vẫn là phương tiện quan trọng để người ta đạt đến hạnh phúc. Vì thế, một cuộc hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của người vợ và chồng khi quan niệm về tiền bạc. Hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ sống phóng khoáng, nên quan niệm về tiền bạc cũng thoáng, “của ai người nấy tiêu, khi có việc gì chung sẽ bàn bạc, cùng đóng góp lại”. Ban đầu, mọi việc có vẻ dễ dàng và ổn thỏa, nếu cả vợ và chồng đều đi làm, có thu nhập ổn định. Nhưng chỉ cần phát sinh một biến cố nào đó đòi hỏi phải bỏ ra một khoản tiền lớn, hoặc thêm một đứa con… không khí căng thẳng mới chính thức bắt đầu. Và khi đó, không ít người bắt đầu hạch sách, trách móc vì việc đưa nhiều đưa ít, nghi ngờ và dẫn đến rạn nứt mối quan hệ. Trở lại chuyện của người phụ nữ trên, vì phải nghe chồng “chì chiết” nhiều về việc phải giữ tiền, đến lúc chị cũng không còn để ý đến những lời nói của anh. Nhưng cái lần có người họ hàng của anh ở quê ra chơi, ở lại chơi với anh chị một ngày, chị mới thấy dường như “sáng tỏ” con người thực của anh. Khách vừa đi khỏi, anh lập tức chỉ trích chị: “Sao em phải sĩ diện hão thế. Tiền bạc chính là khúc ruột của mình chứ nào phải cỏ rác mà cứ tiêu pha bừa bãi. Lần sau đừng có bày đặt gửi quà cáp cho tốn kém”. Chị kinh ngạc đến mức một lúc sau mới nói được: “Sao anh lại bần tiện đến mức tính toán cả với người thân của mình. Bác ấy lặn lội đường xa đến đây chơi là vì tình nghĩa chứ đâu phải vì vài cái món quà ấy”. Anh lại cười nhạt: “Tôi chỉ tầm thường vậy thôi, tiền phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được chứ có phải giấy vụn đâu...”. Chị thấy trái tim mình quặn thắt lại khi nghe những lời anh thốt lên. Thoáng đi qua trong đầu chị hai chữ li dị, không lẽ suốt đời chị phải sống với người keo kiệt, bủn xỉn trong đối nhân xử thế như thế này sao.