Di cung hoán số có đổi được vận mệnh hay không

Mục Lục [Ẩn]

  • Di cung hoán số theo quan điểm của đạo Phật
  • Bí quyết thay đổi cuộc đời mà không cần di cung hoán số

Di cung hoán số là câu chuyện thường xuất hiện trong dân gian. Có rất nhiều người tin rằng những ai yểu mệnh hay số khổ thì có thể làm lễ di cung hoán số để thay đổi số mệnh. Theo quan điểm đạo Phật, thực hư câu chuyện di cung hoán số là như thế nào?

Kính mời quý Phật tử cùng theo dõi qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh trong bài viết dưới đây.

Di cung hoán số theo quan điểm của đạo Phật

Nhiều người tin rằng con người sinh ra ai cũng có số mệnh riêng, số mệnh ấy mang tính định sẵn và cố định như có người giàu, người nghèo, có người bệnh tật ốm đau... Vì tin có số mệnh nên họ đi di cung hoán số với mong muốn thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, theo quan điểm đạo Phật cuộc sống của chúng ta vui hay khổ là do nghiệp báo. Không chỉ là chủ nhân tạo ra nghiệp mà chúng ta cũng chính là người thừa kế nghiệp mình tạo ra.

Như trong kinh Nghiệp báo sai biệt, Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp của mình mà lưu chuyển. Do nhân duyên này nên có chia ra thượng, trung, hạ; sai khác nhau chẳng đồng. Hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo mạng sống ngắn ngủi, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo mạng sống dài lâu; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo nhiều bệnh tật, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo ít bệnh tật; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo thân thể xấu xí, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo thân thể đẹp đẽ; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo uy thế nhỏ, hoặc có nghiệp khiến chúng sinh được quả báo uy thế lớn; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh bị quả báo dòng họ thấp hèn, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh được quả báo dòng họ cao quý; hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của ít, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh tiền của nhiều;... hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu vui sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu khổ sau vui, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu khổ sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến chúng sinh ban đầu vui sau vui,...”

Cho nên nghiệp là thai tạng sinh ra chúng ta. Nghiệp quy định cha mẹ, hoàn cảnh gia đình, giới tính, cơ thể chúng ta sinh ra lành mạnh hay khuyết tật,... Tất cả đều do nghiệp quyết định vậy nên không có việc di cung hoán số thay đổi được số mệnh.

Bên cạnh đó, trong cuộc sống chúng ta cũng bắt gặp nhiều trường hợp di cung hoán số nhưng tai họa vẫn xảy đến. Vậy nên di cung hoán số không đúng đạo lý và không đúng với tinh thần đạo Phật. Con người chúng ta phụ thuộc vào nghiệp và nghiệp có thể chuyển được ít hay nhiều là nhờ sự cố gắng tu tập, làm các việc thiện lành của chính chúng ta.

Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về chủ đề Di cung hoán số theo quan điểm đạo Phật (ảnh minh họa)

Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ về chủ đề Di cung hoán số theo quan điểm đạo Phật (ảnh minh họa)

Bí quyết thay đổi cuộc đời mà không cần di cung hoán số

Theo lời Đức Phật dạy, chúng ta sướng hay khổ, thành công hay thất bại đều phải xuất phát từ việc làm chủ bản thân. Tuy nhiên, việc chúng ta làm chủ thân mình như: đi, đứng, ngồi, giơ chân, giơ tay,... thì chỉ là làm chủ được một phần; còn sâu sắc hơn là phải làm chủ được tâm, vì tâm chính là chủ nhân của thân thể này.

Nếu tâm không làm chủ được thì thân này là vô chủ. Giống như người lái xe không tự chủ được thì xe đó sẽ gây ra tai nạn. Cho nên, chúng ta phải quản trị tâm mình - đây là một điều vô cùng khẩn thiết, cấp bách.

Vậy để làm chủ tâm thì chúng ta nên làm như thế nào?

Trong kinh, Đức Phật dạy:

“Tâm dẫn đầu các pháp

Tâm làm chủ tâm tạo

Nếu với tâm thiện lành

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng chẳng dời hình”.

Trong vũ trụ này, không có điều gì là vô nhân, vô duyên - đã gieo nhân thì ắt phải gặt quả. Vậy nên, để có kết quả tốt đẹp tới với mình thì chúng ta cần tu tâm thiện lành, luôn phấn đấu rèn luyện để chuyển hoá những nghiệp xấu, đau khổ, bất hạnh thành các nghiệp tốt, may mắn.

Học hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta biết di cung hoán số là không đúng. Cho nên, để chuyển hóa cuộc đời thì chúng ta cần bắt đầu thực hành sửa đổi những thói quen nhỏ như keo kiệt, bủn xỉn nay sẽ sửa thành mở rộng tâm bố thí, giúp đỡ mọi người; tiếp đó là không nói lời bịa đặt thêu dệt đối với người khác; không ăn trộm, ăn cắp…

Nếu muốn kéo dài thọ mạng thì chúng ta cần tô bồi cội phước, chăm làm các việc thiện để tăng phước tăng duyên. Như ngọn lửa của chiếc đèn cháy được là nhờ có bấc và dầu, mạng sống của chúng ta cũng vậy. Bấc đèn là thọ mệnh (hay phúc báu tiền kiếp của chúng ta) còn dầu đèn là phúc báu. Ngọn lửa cháy lâu hay ít là nhờ vào bấc ngắn hay dài. Nếu hết bấc, hoặc hết dầu thì đèn tắt mà bóng đèn vỡ hay gió thổi thì đèn cũng tắt.

Thứ nữa, chúng ta biết rằng tiền nghiệp của mình là có sẵn và khó thay đổi. Mà bấc lại được ví là tiền nghiệp cho nên bấc cũng được xem khó thay đổi. Nhưng dầu và bóng đèn thì lại có thể thay đổi được. Giống việc đổ đầy dầu, bấc ngắn thì ngọn lửa vẫn cháy. Cũng vậy, nếu kiếp này chăm chỉ tu tập, làm phước, sám hối thì thọ mạng của chúng ta có thể cũng được kéo dài.

Từ đây, chúng ta thấy rằng phước báu là rất quan trọng trong việc kéo dài thọ mạng. Theo lời Đức Phật dạy, để phước báu tăng trưởng thì chúng ta nên quy y Tam Bảo. Vì Tam Bảo là ruộng phước màu mỡ, tối thượng của thế gian.

Trong kinh Pháp Cú Thí Dụ có câu chuyện quy y Tam Bảo của ông trời Đế thích chuyển hóa nghiệp phải làm lừa. Khi ông Đế Thích thấy mình bỗng nhiên mất đi năm đức tướng nên tự biết thọ mạng của mình sắp hết. Ông cũng biết sau khi chết sẽ đọa làm thân con lừa nên ông vội tìm đến chỗ Đức Phật chí tâm quy y Phật, Pháp, Tăng. Do phúc báu của ông tăng trưởng sau khi phát nguyện quy y nên ông đã thoát kiếp làm con lừa, được trở thành Đế Thích như xưa.

Quy y Tam Bảo giúp phước báu được tăng trưởng (ảnh minh họa)

Quy y Tam Bảo giúp phước báu được tăng trưởng (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, trong kinh Đức Phật có dạy 10 điều lành để sống khỏe và được thọ mạng dài lâu:

1. Tự mình không sát sinh

2. Khuyên người không sát sinh

3. Khen ngợi việc không sát sinh

4. Thấy người không sát sinh, tâm sinh vui mừng

5. Thấy người bị giết, tìm cách cứu thoát

6. Thấy người sợ chết, an ủi tâm họ

7. Thấy người sợ hãi, bố thí sự không sợ hãi

8. Thấy người bị các thứ khổ, khởi tâm thương xót

9. Thấy người đang được cấp cứu, khởi tâm đại bi

10. Dùng các thức uống ăn bố thí cho chúng sinh

Mong rằng, qua bài viết này, quý Phật tử và các bạn sẽ hiểu rõ về việc di cung hoán số. Từ đó, chúng ta biết tư duy và thực hành lời Phật dạy để được kết quả tốt đẹp, chuyển hóa khổ đau ngay trong cuộc sống hiện tại và tương lai.

Bài liên quan
Xem bói: Thay đổi vận mệnh hay rước họa vào thân?
Sự thật về dâng sao giải hạn mà ai cũng nên biết
Hạn tam tai là gì? Làm sao để hóa giải hạn tam tai?
Hướng dẫn cách ngồi thiền giúp thư giãn, tĩnh tâm, sáng suốt

Link nội dung: http://lichamtot.com/di-cung-hoan-so-co-doi-duoc-van-menh-hay-khong-a18861.html