Trẻ em quốc tế nghỉ hè như thế nào

Vì sao các quốc gia đều coi trọng nghỉ hè?

Theo các tài liệu lịch sử, nhà giáo dục người Mỹ Horace Mann đã khởi xướng kỳ nghỉ hè đầu tiên trên thế giới vào năm 1837, mặc dù trước đó, có giả thiết cho rằng, từ xưa, do mùa hè thường trùng với dịp thu hoạch của người nông dân, do vậy các lớp học cho học sinh nghỉ một thời gian để giúp đỡ cha mẹ công việc đồng áng. Sau đó, các nhà lập pháp Mỹ đã tranh luận và tiến tới sự thống nhất rằng ý tưởng học tập quanh năm không lý tưởng với trẻ em. Những kỳ nghỉ hợp lý xen kẽ với việc học tập sẽ giúp học sinh đạt được hiệu quả cao hơn, bảo đảm sức khoẻ của trẻ em. Trong đó, kỳ nghỉ hè có một vai trò quan trọng bởi mùa hè thường có thời tiết nóng bức nên nhiều nền giáo dục trên thế giới không bắt buộc đi học vào mùa hè. Đây cũng là thời điểm nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch để thư giãn, tránh nóng, nên họ thường đưa con cái đến những vùng có khí hậu mát mẻ, ôn hoà hơn.

Đến nay, hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới đều cho phép học sinh nghỉ hè, bên cạnh các kỳ nghỉ khác như nghỉ đông, nghỉ lễ Tạ Ơn, lễ Quốc Khánh, lễ Phục Sinh, Tết Nguyên đán,… Kỳ nghỉ hè cũng thường là kỳ nghỉ dài nhất so với các kỳ nghỉ khác trong năm. Đơn cử, tại Mỹ, khoảng 70% trường học tuân theo lịch học truyền thống, trong đó có ba kỳ nghỉ chính là nghỉ hè, nghỉ đông và nghỉ xuân. Kỳ nghỉ hè của học sinh thường diễn ra trong khoảng từ 10 - 11 tuần. Trong khi hầu hết bang miền Bắc học sinh được nghỉ hè từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9 thì ở các bang miền Nam, miền Tây nghỉ hè từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 8.

Tại Anh, kỳ nghỉ dài nhất của học sinh cũng là nghỉ hè, kéo dài từ 5 - 7 tuần, thường bắt đầu vào cuối tháng 7 và kết thúc vào đầu tháng 9. Kỳ nghỉ hè tại Nhật Bản kéo dài khoảng 40 ngày (5 - 6 tuần), từ khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng 8. Bên cạnh đó, vì nước Úc nằm ở nam bán cầu nên mùa hè trái ngược với các nước ở bắc bán cầu, nên kỳ nghỉ hè của Úc thường bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau, kết hợp với cả nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới.

Trẻ em Nhật đi cắm trại cùng bố mẹ. (Ảnh: Shutter Stock)

Trẻ em Nhật đi cắm trại cùng bố mẹ. (Ảnh: Shutter Stock)

Có thể thấy, đến nay kỳ nghỉ hè đã trở thành một chuẩn mực trong bất kể nền giáo dục nào. Điều này thể hiện sự cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho học sinh, giáo viên, cũng như tính hiệu quả của quá trình dạy và học. Một điều đáng quan tâm khác là, với một kỳ nghỉ dài như vậy, việc học sinh ngắt quãng việc học mà không ôn luyện kiến thức có thể dẫn đến nguy cơ sức học, sự chú ý, tập trung với việc học bị giảm sút. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, kỳ nghỉ hè nên được tận dụng triệt để cho các trải nghiệm để học sinh có thêm nhiều kỹ năng sống, gắn kết hơn với gia đình, bạn bè, tìm hiểu những nguồn tri thức, vùng đất mới… Tuy nhiên, nếu gắn quá nhiều hoạt động trong một kỳ nghỉ có thể khiến học sinh trở nên mệt mỏi, thiếu thời gian nghỉ ngơi, làm mất đi giá trị, lợi ích của nghỉ hè.

Như thế nào mới là kỳ nghỉ hè đúng nghĩa?

Không có một khái niệm cứng nhắc cho một “kỳ nghỉ hè đúng nghĩa” bởi việc mỗi một đứa trẻ trên thế giới có thể tận hưởng mùa hè của chúng theo nhiều cách khác nhau. Nếu như những cậu bé hiếu động ở Mexico mong chờ đến mùa hè để được tham gia đủ các hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời như xe đạp, đu dây, trượt cầu trượt và ăn thật nhiều món tráng miệng mát lạnh thì nhiều bé gái tại Urganda có thể sẽ ưa thích những hoạt động trong nhà như đọc sách, chơi trò giả làm đầu bếp, đóng vai mục sư,…

Ở Mexico và Philippines, trẻ em thích đi biển hoặc đi bơi vào mùa hè để giải toả cơn nóng. Nhiều cô cậu bé ở Phillipines thích nghệ thuật nên tham gia các khoá học, chương trình về vẽ tranh và làm đồ thủ công để nâng cao sức sáng tạo. Trong khi đó, bóng đá là một trong các môn thể thao được yêu thích bởi trẻ em Uganda, Nepal, Philippines, Honduras và nhiều quốc gia khác; do đó không khó để bắt gặp những hình ảnh này trong dịp nghỉ hè của các em.

Một hoạt động khác mà phần lớn trẻ em ở các nước thường làm trong kỳ nghỉ hè là giúp đỡ gia đình, từ các việc nhỏ như dọn dẹp phòng ốc, sắp xếp đồ cá nhân, gấp quần áo cho đến nhiều việc trợ giúp khác trong gia đình như làm việc nhà, trông em nhỏ, trông cửa hàng của bố mẹ, làm vườn… Nghỉ hè cũng là dịp nhiều gia đình quây quần, đoàn tụ. Nếu ở xa, các gia đình thường đưa con cái về quê thăm ông bà, họ hàng, người thân để tăng sự gắn kết gia đình. Họ cũng có thể đi du lịch cùng nhau để nghỉ dưỡng hoặc khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, nghỉ hè không chỉ có chơi mà không học. Thông thường trường học vẫn giao cho học sinh một lượng bài tập hè nhất định để các em học sinh không quên kiến thức sau kì nghỉ dài. Tại Nhật Bản, các nhà giáo dục quốc gia này cho rằng tận dụng tốt kỳ nghỉ là điều quan trọng nhưng một lượng bài tập hè, với số lượng không quá nặng nè, cũng cần thiết để kỳ nghỉ của các em trở nên cân bằng hơn. Bài tập hè của học sinh tiểu học Nhật rất đa dạng, thường bao gồm bài tập ôn lại kiến thức đã học, quan sát sự phát triển của cây trồng (rau muống, khoai tây,…), nghiên cứu tự do (làm thủ công, nhật ký bắt côn trùng,…), đánh giá cuốn sách các em đã đọc trong dịp hè, vẽ tranh về những khoảnh khắc đẹp trong kỳ nghỉ hè,… Bài tập hè của học sinh không nhằm mục đích tạo thêm áp lực cho các em mà chỉ giúp trẻ duy trì thói quen học tập hằng ngày, cho dù chỉ 10 phút 1 ngày. Thông thường, nếu trẻ trẻ muốn bài tập hè hoàn thành nhanh nhất có thể thì ước tính chỉ 5 ngày làm là xong.

Những chuyến đi xa giúp cả người lớn và trẻ em đều được giải trí.

Những chuyến đi xa giúp cả người lớn và trẻ em đều được giải trí.

Trong khi rất nhiều gia đình, trẻ em háo hức đón chờ kỳ nghỉ hè thì nhiều người lại cảm thấy rất áp lực để cân bằng các hoạt động trong thời gian này. Nhiều phụ huynh không thể nghỉ làm để đưa con cái đi du lịch, đi chơi nên đã gửi con vào các trại hè hoặc nhờ người trông coi, chăm sóc. Quyết định này có thể gây ra sự căng thẳng giữa bố mẹ và con cái khi nhiều đứa trẻ lo lắng không thể hoà nhập được với các bạn bè khác trong trại hè. Ngoài ra, nhiều trẻ tỏ ra thất vọng khi kỳ vọng tự do vui chơi, bơi lội, giải trí mà không bị quản thúc cũng không được đáp ứng.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình ở Mỹ thường lựa chọn việc lắng nghe nguyện vọng của con cái trước, nhằm tìm đến điểm thống nhất chung giữa con cái và cha mẹ về những hoạt động có thể làm được trong dịp hè. Ngoài ra, việc nấu ăn cùng nhau và thưởng thức bữa tối cũng là một sự khởi đầu thú vị, mang tính giáo dục cho trẻ. Những bố mẹ bận rộn dù không thể thực hiện những chuyến đi xa vẫn có thể sắp xếp thời gian cho con trẻ, như cùng con đi dạo, đi bộ đường dài, đạp xen, vẽ tranh, tô tượng,… giúp cả người lớn và trẻ em đều được giải trí.

Có thể thấy, một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa tùy thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của mỗi trẻ em, mỗi gia đình. Tuy nhiên, điểm chung của tất cả các kỳ nghỉ hè là trẻ em đều cần niềm vui, thư giãn, giải trí, cũng như sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, để sau đó bắt đầu một năm học, kỳ học mới.

Link nội dung: http://lichamtot.com/tre-em-quoc-te-nghi-he-nhu-the-nao-a18814.html