Là bậc thầy hiền triết thế nhưng Khổng Tử vẫn phải ngả mũ trước người đàn ông vô danh này Người ấy là ai

TIN MỚI

Một lần, Khổng Tử và các học trò của ông đi bộ đường dài ở vùng nông thôn để đến một thác nước hùng vĩ. Thác nước này nổi tiếng bởi sự hùng vĩ và độ cao của nó. Nhìn từ xa, con thác hiện lên thật uy nghi, dòng nước đổ từ trên cao xuống tạo ra âm thanh vang dội cả một góc trời.

Khi đến gần thác nước, họ nhìn thấy một người đàn ông trong dòng nước hung dữ, bị con thác nhấn chìm bởi những khối nước dội từ trên cao xuống.

Khổng tử vội vã nói với những người đồng hành: "Nhanh lên, đến thác nước! Người đó chắc chắn đã bị rơi vào dòng nước này. Ngay cả cá cũng không thể sống sót trong môi trường nước như vậy. Chúng ta phải cứu anh ấy".

Họ chạy nhanh hết mức có thể nhưng khi xuống sườn đồi, họ mất dấu người đàn ông. Vì vậy, họ tiếp tục bước đi hi vọng có thể tìm thấy anh ta. Một lúc sau, họ băng qua khu rừng để đến con sông, cách thác nước một đoạn ngắn về phía hạ lưu. Cả đám người tin chắc người đàn ông kia có thể đã bị dòng nước cuốn trôi ra đây và họ chỉ có thể tìm thấy xác người ấy mà thôi. Thay vào đó, họ thấy anh ta đang bơi ra khỏi thác nước một cách thản nhiên, xõa mái tóc dài và hát lớn giống như vừa trải qua những khoảnh khắc tuyệt vời. Tất cả mọi người đều sửng sốt.

Là bậc thầy hiền triết, thế nhưng Khổng Tử vẫn phải “ngả mũ” trước người đàn ông vô danh này: Người ấy là ai? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Khổng Tử cực kỳ tò mò mà không hiểu làm cách nào mà người đàn ông đó có thể sống sót thậm chí thản nhiên thoát ra khỏi con thác đó. Ông tiến đến và hỏi người lạ mặt kia: "Khi chúng tôi nhìn thấy anh ở thác nước trên kia, chúng tôi tưởng rằng anh bị ngã xuống đó và cần được trợ giúp. Tôi không hiểu anh làm thế nào để có thể chống chọi với dòng nước dữ đó. Anh có kỹ năng gì đặc biệt hay sao?".

"Không, tôi không có kỹ năng gì đặc biệt", người đàn ông trả lời. "Tôi chỉ đơn giản là làm theo bản chất của nước. Vì vậy, tôi thực sự không nghĩ về nó nhiều lắm. Nếu phải mô tả, tôi sẽ nói rằng khi những dòng nước xoáy đổ xuống, tôi sẽ quay theo chúng. Nếu một dòng nước mạnh đẩy tôi xuống, tôi sẽ lao theo nó. Khi làm như vậy, tôi hoàn toàn biết được rằng khi cơ thể xuống đến lòng sông, dòng chảy sẽ đảo ngược và tạo ra lực nâng cơ thể lên. Khi mọi thứ diễn ra, tôi để bản thân xuôi dòng cùng với chúng".

"Vì vậy, việc của anh chỉ là xuôi theo dòng nước chứ không phải cố gắng tìm cách chế ngự nó?", Khổng Tử hỏi lại.

"Đúng rồi. Mặc dù dòng nước cực kỳ mạnh mẽ, nhưng nó cũng là một người bạn mà tôi đã quen qua nhiều năm, vì vậy tôi có thể cảm nhận được nó muốn làm gì và tôi tận dụng dòng chảy của nó mà không cố gắng điều khiển nó hoặc áp đặt ý muốn của tôi lên nó".

Lời bình:

Nếu coi dòng thác kia là những thăng trầm của cuộc sống và người đàn ông chính là chúng ta, vậy thì bài học ở đây là gì? Rõ ràng, cuộc sống không bao giờ phẳng lặng, nó luôn chứa đựng những bão tố, thách thức chờ chúng ta đổi mặt. Có khi đứng trước những sóng gió đó, việc chúng ta cần làm là thản nhiên chấp nhận. Chấp nhận ở đây không có nghĩa là buông xuôi hoàn toàn mà là vận hành theo quy luật của nó.

Cũng như dòng nước kia, sau con thác sẽ là dòng nước yên bình, phẳng lặng. Trải qua những thức thách, rồi chúng ta sẽ chạm đến bình yên. Khi chạm đáy cũng là lúc để bản thân ta bắt đầu đi lên. Bởi vậy, dù có khó khăn đến đâu cũng tuyệt đối đừng bỏ cuộc. Bạn chỉ cần kiên cường hơn nữa, nhẫn nại hơn nữa, linh hoạt hơn nữa thì sóng gió rồi cũng sẽ đi qua.

Nhiều người trong cuộc sống chỉ vì những chuyện bản thân không thể quản mà phiền lòng. Nhưng bạn đừng quên rằng vạn vật đều có những cách vận hành riêng. bởi vậy, nếu có điều gì đó không vận hành theo cách chúng ta muốn, đó cũng là điều bình thường, vì chính bản thân chúng ta đôi khi cũng không làm theo cách mà người khác mong muốn. Đời người chỉ thực sự an yên khi trong tâm tĩnh lặng. Tâm đã vững, dù ngoài kia có khó khăn đến đâu, bão táp mưa sa như thế nào thì cuộc đời vẫn sẽ yên bình.

Nguồn: Mindful Spring

Link nội dung: http://lichamtot.com/la-bac-thay-hien-triet-the-nhung-khong-tu-van-phai-nga-mu-truoc-a18779.html