Đắc đạo đắc pháp và đắc quả

Đắc đạo, đắc pháp và đắc quả

Tu tập


ĐẮC ĐẠO, ĐẮC PHÁP VÀ ĐẮC QUẢ

Trả lời câu hỏi của Nguyên Phương

HỎI 1: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên nào?

ĐÁP: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên như sau:

1- Phải có ý chí dũng mãnh;
2- Phải có nghị lực kiên cường;
3- Phải bền lòng, không nản chí trước những khó khăn;
4- Phải gan dạ, và nhất là phải có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng tuyệt đối.

Khi hội đủ các yếu tố trên, dù có đứng trước cái chết con cũng không hề nao núng bỏ pháp, do đó, chỉ trong một kiếp này con đạt được đạo.

—o0o—

HỎI 2: Đắc đạo và đắc pháp có cùng nghĩa với nhau không?

ĐÁP: Đắc đạo khác với đắc pháp, vì đắc đạo là thành tựu sự giải thoát toàn diện, còn đắc pháp thì mới đạt được từng phần của đạo. Cho nên đắc đạo, đắc pháp không giống nhau.

Ví dụ: Con học xong chương trình Tiểu học thì phải thi tốt nghiệp Tiểu học. Khi tốt nghiệp Tiểu học xong, con phải thi vào Trung học. Khi tốt nghiệp Trung học xong, con phải thi vào Đại học. Khi tốt nghiệp xong Đại học thì con mới hoàn thành kiến thức của chương trình giáo dục.

Đắc pháp cũng giống như thi tốt nghiệp của mỗi cấp. Cho nên mới thi tốt nghiệp cấp Tiểu học mà cho rằng học hết chương trình giáo dục là sai, không đúng được. Do đó, đắc pháp không thể gọi là đắc đạo được.

Pháp của Phật có tám lớp: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; và gồm có ba cấp: Giới, Định, Tuệ. Cho nên, học và tu tập xong lớp Chánh kiến thì mới đắc pháp lớp Chánh kiến. Đắc pháp lớp Chánh kiến thì không thể gọi là đắc đạo được. Đến đây có lẽ con đã hiểu rõ rồi chớ?

—o0o—

HỎI 3: Đắc Sơ Quả có giống Sơ Thiền không?

ĐÁP: Sơ Quả tức là Tu Đà Hoàn; Tu Đà Hoàn là quả Nhập Lưu; Nhập Lưu tức là vào dòng Thánh; vào dòng Thánh thì phải ly dục, ly ác pháp; mà đã ly dục, ly ác pháp thì nó tương đương với Sơ thiền. Cho nên kinh dạy: “Ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, do ly dục sanh hỷ lạc”. Vì vậy, Sơ Quả tức là Sơ Thiền.

Do tu tập Sơ Thiền mới đắc được Sơ Quả, ngoài Sơ Thiền thì không bao giờ có Sơ Quả. Trong Sơ Thiền có trạng thái Sơ Thiền Thiên. Đó là trạng thái ly dục ly ác pháp.

—o0o—

HỎI 4: Trong các tích chuyện của kho tàng chân lý (Dammapada), có nhắc đến một cô gái nọ trẻ đẹp, giàu có. Khi gặp Phật nghe pháp đắc Sơ Quả, mà cô đã có chồng và con.

Cũng một số gia đình gặp Phật, vợ hoặc chồng đều đắc quả như: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, v.v… mà qua Thầy dạy tiến trình tu tập để đạt Thánh quả phải sống nghiêm chỉnh giới luật… Đặc biệt, phải đoạn trừ ái kiết sử và ngũ triền cái. Vậy những thành phần có gia đình mà đắc Thánh quả đó có mâu thuẫn với lộ trình tu tập không ạ?

ĐÁP: Trong các chuyện tích (tiền thân Đức Phật) người cư sĩ nghe pháp đắc Sơ Quả, đó là do sự kiết tập sai của các Tổ.

Người cư sĩ nghe pháp đắc pháp nhãn thanh tịnh thì có, chứ không thể đắc Sơ Quả được. Vì Sơ Quả là quả Thánh, không thể nghe xong bài pháp mà thành Thánh được.

Vì tập khí con người quá nhiều, phải nhiệt tâm, nhiệt quyết tu tập hết sức mình mới quét sạch tập khí nhiều đời, chứ không phải là một việc dễ làm như trong chuyện tích nói. Các bạn lấy kinh nghiệm tu tập của mình thì biết rất rõ. Cho nên không thể nào tin một điều nói không thực tế.

PHÁP NHÃN THANH TỊNH là gì? Pháp nhãn thanh tịnh là một tên khác của CHÁNH KIẾN; chánh kiến tức là cái thấy biết không làm khổ mình, khổ người; có nghĩa là cái thấy biết nhẫn nhục và xả tâm. Ở đời, người ta nhẫn nhục bằng cách chịu đựng, chứ không phải nhẫn nhục bằng cách xả tâm để ly dục, ly ác pháp. Do thấu suốt lý lẽ cuộc đời, biết nhẫn nhục mà xả tâm, vì thế mới gọi là pháp nhãn thanh tịnh.

Người còn Ái Kiết Sử, Ngũ Triền Cái mà vào dòng Thánh thì làm sao vào được! Có tương ưng chỗ nào đâu mà vào. Khi đọc kinh đến đây, thì con nên tư duy suy nghĩ rằng: những bài kinh này không phải là kinh của Phật thuyết, mà là kinh của Ma thuyết.

—o0o—

HỎI 5: Thưa Thầy, các sư Nam tông dạy rằng: Nếu đắc Sơ Thiền (Tu Đà Hoàn) thì vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con và được hưởng phước báo như chư Thiên, sung sướng đầy đủ, v.v… nhưng vẫn luân hồi tái sanh trong 7 kiếp, đến kiếp thứ 7 thì tu tập đắc quả A La Hán. Đúng thế không thưa Thầy?

Thưa Thầy tôn kính! Trôi lăn trong bao kiếp luân hồi, cũng như long đong, lao đao trong kiếp sống, nay được đến với Thầy, con tâm nguyện được thành tựu trên bước đường tu đạo. Đây là cơ hội và duyên lành của con.

Nhưng con vẫn cảm thấy duyên và động lực chưa có thể thúc đẩy con. Con rất cần sự gia lực nơi Thầy!

ĐÁP: Con hãy tư duy, khi vào dòng Thánh thì làm sao còn DÂM DỤC được, mà vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con được?

Còn DÂM DỤC là còn có chồng con, vợ con; còn có chồng con, vợ con là còn phàm phu; còn phàm phu thì chỉ có chứng quả HƯỚNG LƯU, nghĩa là mới hướng về Thánh quả, chứ chưa dự vào dòng Thánh (NHẬP LƯU) được.

Giảng như các sư Nam tông là giảng theo chữ nghĩa kiến tưởng giải của tà kiến ngoại đạo, không đúng nghĩa của Phật dạy.

Nếu nói Phật dạy: “Chứng quả Tu Đà Hoàn còn phải bảy kiếp nữa mới chứng quả A La Hán”, lời dạy này cũng có ý đúng, nhưng chúng ta phải hiểu: Nếu một người nhập vào dòng Thánh (Tu Đà Hoàn) mà cứ giữ tâm ở tại trạng thái ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền này, để thọ hưởng cảnh giới Sơ Thiền Thiên, mà không chịu tiến lên tu tập nữa để chứng quả A La Hán, thì trạng thái này chỉ kéo dài được 7 kiếp. Trong thời gian 7 kiếp ấy, tâm không bị lui sụt thì người ấy đủ năng lực Bảy Giác Chi để nhập Tam Thiền, Tứ Thiền và thể hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán.

Câu này còn có nghĩa là một người ly dục, ly bất thiện pháp, nhập Sơ Thiền suốt 7 ngày sẽ chứng quả A La Hán; nếu 7 ngày chưa chứng thì 7 tháng; nếu 7 tháng chưa chứng thì 7 năm.

Còn nếu lui sụt lại làm người, và làm người thì có chồng con, vợ con như những người khác là một sự thường tình của thế gian. Lúc bấy giờ không còn nhập vào dòng Thánh nữa. Nhập vào dòng Thánh tức là Thánh, mà Thánh sao lại có chồng con, vợ con giống như người thế tục vậy?

Cho nên, vì những điều trên đây, mọi người chưa tu chứng quả A La Hán thì nên im lặng như Thánh, không được giảng thuyết, làm sai ý Phật, khiến cho Phật giáo suy đồi, và như thế thì Phật giáo sẽ mất gốc, thì tội ấy về ai các bạn có biết không?

Khi nào giữ hạnh độc cư trọn vẹn, thì con đường tu tập mới đủ mọi động lực tiến tới chứng đạo.

Nhưng giữ gìn độc cư thường bị hôn trầm, thuỳ miên, vô ký và loạn tưởng tấn công; nó là những tên giặc cứng đầu nhất, cần phải lưu ý để diệt trừ cho bằng được.

Khi giữ hạnh độc cư thì hôn trầm, thuỳ miên, loạn tưởng và còn bao nhiêu ác pháp cản trở sẽ tấn công tới tấp, khiến cho con đường tu tập của các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do sự khó khăn đó, các bạn thiếu ý chí sẽ bỏ cuộc tu hành. Và như vậy sẽ lỡ dở, đời chẳng ra đời; đạo chẳng ra đạo.

Chúc con tu tập xả tâm tốt, nhớ xả tâm kỹ, chóng đạt thành sự giải thoát.

Thầy của con

(Trích sách Những bức tâm thư - Tập 3, NXB Tôn Giáo - 2014, trang 261-267)


Chia sẻ trang này

(Số lượt xem bài: 2242)

Link nội dung: http://lichamtot.com/dac-dao-dac-phap-va-dac-qua-chanh-phat-phap-nguyen-thuy-a18180.html