"Tha hương cầu thực" giúp một số người ở Hải Dương giàu nhanh nhưng những hệ lụy lâu dài cũng đang ngày càng lộ rõ.
Trận động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) đã qua đi nhưng nỗi lo của người Hải Dương có người thân làm ăn, sinh sống ở đây vẫn còn đó. Qua những thiên tai và điển hình là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người nhận ra những lúc như vậy về với quê hương, gia đình mình là nhất và đặt câu hỏi "có nhất thiết phải tha hương cầu thực?".
Bàn về "tha hương cầu thực", đó là thành ngữ ông cha ta thường dùng để nói về con người vì hoàn cảnh quá khó khăn, cơ cực hay vì lý do gì đó mà phải xa quê hương đi mưu sinh, kiếm sống. Ở Hải Dương còn nhiều người "tha hương cầu thực" trong khi họ vẫn có nhiều lựa chọn tốt ở quê nhà. Ở làng tôi, bình quân cứ 3 nhà thì 1 nhà có người đi xuất khẩu lao động hoặc du học hệ vừa học vừa làm ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, chủ yếu là người trẻ. Có những người cha, mẹ để lại bố mẹ già, con nhỏ, từ bỏ công việc ổn định ở nhà máy trong tỉnh để vay tiền đi xuất khẩu lao động. Có gia đình đã có điều kiện nhưng vẫn muốn nhà có một đứa đi nước ngoài để giàu hơn nữa. Thế nên, có học sinh đang học lớp 11, 12 nhưng không chú tâm học hành, thi cử mà chỉ ham chơi chờ ngày đi học tiếng sang nước ngoài kiếm tiền, nghĩ việc học không quan trọng.
Dẫu biết ngày nay, hội nhập quốc tế, công dân toàn cầu đang là xu hướng nhưng những người xuất khẩu lao động, du học với tâm thế "đi cày" vài năm lấy vốn để làm giàu nhanh liệu có đúng tinh thần hội nhập đó?
Đúng là làng tôi thay đổi nhiều lắm nhờ có những người đi nước ngoài. Nhà cao tầng ngày một nhiều nhưng trong nhà thường thiếu đi trụ cột gia đình. Nhà to, tiền nhiều thì có nhanh, có thật đấy nhưng nhìn lại thì hệ luỵ cũng không ít. Đó là những đứa con mới lớn vì thiếu sự dạy dỗ của cha mẹ mà hư đốn, tù tội. Những ngôi nhà to nhưng chỉ toàn người già, trẻ nhỏ. Đằng sau vinh quang ở quê nhà cũng là những ngày làm việc hơn chục tiếng, những hộp cơm ăn vội, phút chợp mắt ngắn ngủi, chưa nói tới những lao động, du học sinh bất hợp pháp còn phải sống chui lủi khổ sở, đầy rủi ro.
Tôi có vài người bạn là du học sinh Nhật Bản thường làm phục vụ ở quán thịt nướng, khách sạn đến 1-2 giờ sáng mới về, sáng hôm sau đến lớp chỉ ngủ gục trên bàn, không học được gì. Lúc kéo vali ra sân bay mấy năm trước, đứa nào cũng nghĩ về một tương lai tươi sáng với những kiến thức, kinh nghiệm học ở một đất nước tiên tiến để trở thành công dân toàn cầu. Thế mà, thứ bạn giỏi nhất sau mấy năm ở nước ngoài là kỹ năng bồi bàn, rửa bát, làm móng...
Chưa hết, sau khoảng 3 - 4 năm ở nước ngoài, du học sinh, lao động về nước ở lưng chừng tuổi tác cũng khó tìm được công việc phù hợp. Có người chọn quay lại nước đó vì chẳng biết đi đâu, làm gì. Có người lấy vốn đầu tư kinh doanh nhưng số người thành công thì ít, người thất bại, bị lừa thì nhiều.
Như vậy, có nhất thiết phải "tha hương cầu thực" để đánh đổi khi trong nước, trong tỉnh Hải Dương đang ngày càng nhiều cơ hội học tập, làm việc hấp dẫn và đầy tiềm năng phát triển. Có thể, sự giàu có đến chậm hơn nhưng bền vững. Ta sẽ có trọn vẹn thời gian bên gia đình, có sự nghiệp gây dựng dần theo thời gian chứ không phải "cày cuốc", lao lực, chịu đựng gian khổ khi còn trẻ rồi lại lỡ dở khi về già. Nhìn hẹp hơn ở Hải Dương, thế hệ trẻ có lẽ không nhất thiết phải tha hương nơi tỉnh ngoài hay các thành phố lớn khi trên chính quê hương ngày nay cũng có nhiều cơ hội phát triển và rộng cửa chào đón con em trở về.
"Tha hương cầu thực" sẽ tốt nếu ta có đủ điều kiện, lộ trình rõ ràng và mục đích thực sự để phát triển lâu dài thay vì chỉ muốn làm giàu nhanh.
PHONG TUYẾT
Link nội dung: http://lichamtot.com/co-nhat-thiet-phai-tha-huong-cau-thuc-bao-hai-duong-a18097.html