Nhận Biết Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh AVPD

Rối loạn nhân cách né tránh (AVPD) là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi việc luôn thu mình, cảm thấy mình không đủ tốt, và nhạy cảm quá mức với các đánh giá tiêu cực.

Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh Là Gì?

Rối loạn nhân cách né tránh (Avoidant personality disorder - AVPD) là một trong các rối loạn nhân cách nhóm C - liên quan đến sự lo lắng và sợ hãi. Những người mắc rối loạn nhân cách né tránh luôn có cảm giác bất lực và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích, họ muốn tương tác với người khác, nhưng lại có xu hướng tránh né các tương tác xã hội do sợ hãi bị từ chối.

Đặc điểm chính của những người mắc rối loạn nhân cách né tránh là “luôn thu mình, cảm thấy mình không đủ tốt, và nhạy cảm quá mức với các đánh giá tiêu cực”. Nỗi sợ bị từ chối và bị chế giễu là những rào cản ngăn họ thiết lập các mối quan hệ xã hội. Họ có xu hướng cảm nhận tiêu cực về bản thân và có niềm tin mãnh liệt rằng mình không đủ tốt. Do đó, họ cố gắng tránh né các mối quan hệ và các tình huống xã hội.

Khác với kiểu thu mình trong rối loạn nhân cách phân liệt, ở những người có rối loạn nhân cách né tránh, họ thu mình không phải vì họ không có hứng thú, mà ngược lại, những người này mong muốn có các mối quan hệ và được yêu thương. Họ mong muốn như vậy nhưng họ lại sợ bị từ chối - chính mâu thuẫn này gây ra đau khổ cho họ và làm cho họ sống trong các cảm xúc trầm uất, lo âu và cảm nhận tồi tệ về bản thân mình.

Dấu Hiệu Và Triệu Chứng

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Ấn bản lần thứ Năm (DSM-5 TR), cá nhân có thể được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách né tránh nếu người đó có sự ức chế xã hội, cảm thấy mình không đủ tốt và nhạy cảm quá mức với các đánh giá tiêu cực; khởi phát từ giai đoạn đầu tuổi trưởng thành và thể hiện trong các bối cảnh khác nhau qua bốn (hoặc nhiều hơn) trong số các biểu hiện dưới đây:

1. Tránh né các hoạt động nghề nghiệp liên quan nhiều đến tương tác liên cá nhân vì sợ bị chỉ trích, không đồng tình hoặc bị từ chối.

2. Không sẵn sàng thiết lập mối quan hệ với người khác trừ khi chắc chắn mình sẽ được yêu thích.

3. Thể hiện sự kiềm chế trong các mối quan hệ thân mật vì sợ bị xấu hổ hoặc chế giễu.

4. Lo lắng đến việc bị chỉ trích hoặc bị từ chối trong các tình huống xã hội.

5. Bị ức chế trong những tình huống liên cá nhân vì cảm thấy mình không đủ tốt.

6. Nhìn nhận bản thân là một người kém cỏi về mặt xã hội, không hấp dẫn hoặc thấp kém so với người khác.

7. Ngần ngại một cách bất thường trong việc chấp nhận các rủi ro cá nhân hoặc tham gia vào các hoạt động mới, vì chúng có thể khiến cho họ bị lúng túng.

LƯU Ý: Các triệu chứng được nêu chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc rối loạn nhân cách né tránh, hãy tìm gặp nhà tâm lý tại các cơ sở đánh giá & điều trị tâm lý/tâm thần uy tín để có kết luận chính xác.

Nguyên Nhân Nào Gây Ra Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh?

Hiện nay, nguyên nhân chính xác dẫn tới rối loạn nhân cách né tránh vẫn đang được nghiên cứu, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng rối loạn này có thể được thúc đẩy bởi một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy ước tính, yếu tố di truyền chiếm khoảng 64% khả năng khởi phát rối loạn nhân cách né tránh ở một người.

  • Khí chất bẩm sinh: Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa một số đặc điểm tính khí thời thơ ấu và rối loạn nhân cách né tránh. Những đặc điểm đó bao gồm cứng nhắc, quá nhạy cảm, ít cởi mở với trải nghiệm mới, thường xuyên né tránh những hậu quả có thể xảy ra, sợ hãi và đau khổ quá mức.

  • Kiểu gắn bó: Những người có kiểu gắn bó sợ hãi có nguy cơ cao mắc rối loạn nhân cách né tránh hơn. Gắn bó sợ hãi đề cập đến việc một người mong muốn gần gũi với người khác nhưng lại không tin tưởng họ và sợ bị từ chối.

  • Môi trường sống: Việc thường xuyên bị từ chối và đối xử khác biệt trong thời thơ ấu cũng có thể là tác nhân dẫn đến rối loạn nhân cách né tránh.

Đáng chú ý, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn nhân cách né tránh có thể là kết quả của sự tương tác phức tạp giữa các trải nghiệm thời thơ ấu và khí chất bẩm sinh của cá nhân. Ví dụ, trẻ có thể có các đặc điểm bẩm sinh không dễ chịu, đáp lại là cha mẹ hoặc người chăm sóc có các hành vi chối bỏ hoặc không đủ yêu thương và chăm sóc. Các trải nghiệm bị người lớn từ chối hoặc bỏ mặc thời thơ ấu, được củng cố bởi sự từ chối từ bạn bè đồng trang lứa, có thể dẫn đến sự hình thành các sơ cấu nhận thức khiến cá nhân tránh né mọi tình huống xã hội có thể đem lại các trải nghiệm không vui vẻ.

Khi một người lo lắng về việc bị từ chối, họ sẽ càng chú ý hơn và cảnh giác hơn với các dấu hiệu tiêu cực hoặc bị chế giễu, điều này khiến họ nhận ra nguy cơ ở mọi nơi và tìm cách tránh né các tình huống xã hội. Dần dần, các kỹ năng xã hội của những người này sẽ bị giảm sút, hoặc họ dễ trở thành đối tượng bị phán xét hoặc chê cười - điều này càng củng cố thêm sơ cấu nhận thức sai lệch của họ. Tất cả tạo thành một vòng lặp đi lặp lại làm cho nét nhân cách né tránh của họ trở nên bền vững.

Điều Trị Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh

Việc điều trị các rối loạn nhân cách nói chung là rất khó khăn, vì những người gặp tình trạng này đã có những khuôn mẫu suy nghĩ và hành vi tồn tại sâu sắc trong nhiều năm. Tuy nhiên, ở những người có rối loạn nhân cách né tránh, sự mong muốn phát triển các mối quan hệ của họ có thể là yếu tố thúc đấy họ tuân theo các kế hoạch điều trị, qua đó giúp cho việc trị liệu trở nên hiệu quả hơn.

Sử Dụng Thuốc

Hiện nay, chưa có loại thuốc cụ thể nào được cấp phép cho việc điều trị rối loạn nhân cách né tránh. Dù vậy, các bác sĩ lâm sàng có thể kê một số các loại thuốc để điều trị các rối loạn liên quan khác như trầm cảm hoặc lo âu. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện tâm trạng của cá nhân, giảm thiểu các triệu chứng lo âu cũng như độ nhạy cảm với nỗi sợ bị từ chối.

LƯU Ý: Cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc và chỉ được dùng thuốc khi có sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ lâm sàng.

Trị Liệu Tâm Lý

Trị liệu tâm lý giúp cá nhân khám phá động cơ và nỗi sợ liên quan đến suy nghĩ và hành vi của họ, bên cạnh đó, cá nhân học cách duy trì mối quan hệ tích cực với những người xung quanh. Một số liệu pháp tâm lý được sử dụng để điều trị rối loạn nhân cách né tránh bao gồm:

  • Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT): Nhà tâm lý sẽ giúp cá nhân xem xét kỹ lưỡng những suy nghĩ và cảm xúc của mình, qua đó hiểu được cách suy nghĩ ảnh hưởng đến hành vi. Liệu pháp này giúp cá nhân giảm thiểu các kiểu suy nghĩ và hành vi tiêu cực, thay vào đó, họ sẽ học các áp dụng các thói quen và mô hình suy nghĩ lành mạnh hơn, đặc biệt là phát triển các kỹ năng xã hội.

  • Liệu pháp Tâm động học: Liệu pháp này tập trung vào gốc rễ tâm lý của sự đau khổ về mặt cảm xúc. Cá nhân sẽ nhìn nhận lại các mối quan hệ và kiểu hành vi có vấn đề trong cuộc sống của mình, từ đó hiểu rõ hơn về bản thân. Điều này có thể giúp họ thay đổi cách thức tương tác với người khác và môi trường xung quanh.

  • Liệu pháp Lược đồ: Cá nhân sẽ được tìm hiểu về các mô hình thích nghi kém (chẳng hạn như từ chối, quá cảnh giác, giảm quyền tự chủ…); những phong cách ứng phó họ đã được học từ khi còn nhỏ (chẳng hạn như tránh né, trừng phạt, tuân thủ…); các mô hình mà họ đang sử dụng để ứng phó với môi trường xung quanh; và các phương thức ứng phó lành mạnh của người trưởng thành để đáp ứng được các nhu cầu cảm xúc cốt lõi. Liệu pháp này giúp cá nhân cải thiện các chức năng hàng ngày và thay đổi dựa trên sự hiểu biết và tái thiết những trải nghiệm thời thơ ấu.

Hỏi - Đáp Về Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh

Sự Khác Biệt Giữa Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh Và Rối Loạn Lo Âu Xã Hội Là Gì?

Rối loạn nhân cách né tránh và rối loạn lo âu xã hội (SAD) có một số đặc điểm tương tự nhau. Tuy nhiên, rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh sợ xã hội) xảy ra khi một người có nỗi lo lắng mãnh liệt và dai dẳng về việc bị người khác phán xét và theo dõi. Điều này khiến họ tránh tham gia vào các tình huống xã hội. Trong khi đó, hành vi né tránh các tình huống xã hội và các mối quan hệ ở những người mắc rối loạn nhân cách né tránh có liên quan nhiều đến lòng tự trọng thấp của họ. Hay nói cách khác, sự lo lắng là đặc điểm cốt lõi phía sau rối loạn lo âu xã hội, nhưng nó không nhất thiết phải có ở rối loạn nhân cách né tránh.

Những Ai Có Thể Mắc Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh?

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc rối loạn nhân cách né tránh, song, tỷ lệ này cao hơn ở những người gặp một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn trầm cảm mức độ nặng, rối loạn lo âu xã hội (SAD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn hoảng sợ, rối loạn ăn uống…

Rối Loạn Nhân Cách Né Tránh Có Thể Phòng Ngừa Được Không?

Bạn không thể ngăn ngừa rối loạn nhân cách né tránh, nhưng việc điều trị có thể giúp giảm bớt các vấn đề mà nó gây ra. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi các triệu chứng xuất hiện, điều này có thể giúp giảm bớt sự gián đoạn đối với cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ của bạn.

Nếu bạn cảm thấy mình đang có những triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh, hãy tới các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, hoặc liên hệ Viện Tâm lý Việt - Pháp qua Hotline: 0977.729.396 để được tư vấn cụ thể. Can thiệp sớm là chìa khóa để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Tham khảo:

[1] Tâm bệnh học. Đặng Hoàng Minh (chủ biên)

[2] Diagnostic and statistical manual of mental disorders _ DSM-5-TR.

[3] Avoidant Personality Disorder. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9761-avoidant-personality-disorder

[4] Avoidant Personality Disorder: Symptoms and Treatment. https://www.verywellmind.com/avoidant-personality-disorder-4172959

-

Viện Tâm lý Việt - Pháp

Trụ sở chính & Trung tâm trị liệu tại Hà Nội: Số 54 Trần Quốc Vượng, P. Dịch Vọng Hậu, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Trung tâm trị liệu tại TP.HCM: Toà Landmark Plus, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP. HCM

Hotline: 0977.729.396 (Zalo, 24/7)

Email: [email protected]

Facebook: https://www.facebook.com/tamlyvietphap.vn

Link nội dung: http://lichamtot.com/nhan-biet-roi-loan-nhan-cach-ne-tranh-avpd-a17950.html