Trách nhiệm xây dựng chuỗi thực phẩm sạch cho người tiêu dùng

Theo lời giới thiệu trên trang web soibien.vn, Sói Biển tự hào về sứ mệnh xây dựng một chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch chất lượng để bảo vệ sức khỏe và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, Sói Biển không chỉ tiên phong thay đổi ngành nông nghiệp theo hướng canh tác bền vững có lợi cho sức khỏe con người và tác động tích cực đến môi trường, mà còn đặc biệt mong muốn thay đổi thói quen ăn uống của người Việt theo hướng có lợi. Sói Biển đảm bảo 05 giá trị cốt lõi mang đến cho khách hàng:

- Trung thực trong mọi hành động và lời nói: Mọi thông tin về sản phẩm mà Sói Biển truyền đạt tới khách hàng đều được đảm bảo trung thực, chính xác, đem đến cho Quý khách hàng cái nhìn khách quan nhất về sản phẩm.

- Dù làm gì, ở đâu, với ai đồng tiền mình làm ra phải là đồng tiền chân chính, đến từ chính mồ hôi trí tuệ của mình. Thực phẩm ở Sói Biển là thực phẩm chất lượng cao với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt cho sức khỏe với giá cả phù hợp người tiêu dùng.

- Tận tâm phục vụ khách hàng như người thân: Sói Biển luôn coi Quý Khách hàng như người thân trong gia đình để tận tâm lắng nghe, chăm sóc và mang đến những sản phẩm chất lượng, phù hợp.

- Quyết liệt và tốc độ trong công việc: Để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất với sản phẩm, Sói Biển luôn cố gắng nhanh chóng và cẩn thận trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, Sói Biển cũng sẵn sàng lắng nghe và giải quyết tận tình mọi thắc mắc của khách hàng.

- Không sợ sai, dám thay đổi: Khi xảy ra những sự việc đáng tiếc, Sói Biển không ngại nhận lỗi, sửa sai, từ đó không ngừng hoàn thiện để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm sản phẩm dịch vụ tốt nhất.

Sói Biển đảm bảo các mặt hàng của mình thông qua 3 tiêu chí lựa chọn sản phẩm rõ ràng: Sản phẩm từ nhà cung cấp trung thực, tâm huyết hoặc đã có uy tín, thương hiệu trên thị trường; Vùng sản xuất nguyên liệu không bị ô nhiễm và đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ, an toàn. Nhà cung cấp phải cung cấp đầy đủ về giấy phân tích đất, nước không bị nhiễm kim loại nặng và những chất nguy hại cho sức khỏe; Luôn cung cấp nguồn hàng thực phẩm, đặc sản vùng miền trong nước và quốc tế với chất lượng và xuất xứ được kiểm định nghiêm ngặt.

Mục tiêu trong tương lai Sói Biển sẽ trở thành nơi đặt niềm tin, lựa chọn đầu tiên của mọi người tiêu dùng Việt khi nghĩ đến thực phẩm thiết yếu hàng ngày.

Theo thực tế phóng viên ghi nhận, các cửa hàng Sói Biển hiện nay đảm bảo chất lượng thực phẩm tới tay người tiêu dùng. Điển hình là 2 cửa hàng tại số 12C Láng Hạ và ngõ 106 Hoàng Quốc Việt. Các mặt hàng rau củ đến thực phẩm đông lạnh, thực phẩm khô đều có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ ràng nơi sản xuất, hạn sử dụng, ngày sản xuất đúng theo quy định pháp luật. Nhân viên tại đây cũng nhiệt tình hướng dẫn đầy đủ cách bảo quản sản phẩm sao cho tươi ngon tới tay tiêu dùng.

Thực phẩm tại Sói Biển 12C Láng Hạ luôn đảm bảo tem nhãn rõ ràng
Thực phẩm tại Sói Biển 12C Láng Hạ luôn đảm bảo tem nhãn rõ ràng.
Sói Biển Hoàng Quốc Việt chỉn chu trong việc niêm yết giá, đảm bảo tem nhãn thực phẩm
Sói Biển Hoàng Quốc Việt chỉn chu trong việc niêm yết giá, đảm bảo tem nhãn thực phẩm.

Tuy nhiên trái với giá trị cốt lõi mà thương hiệu đặt ra, không ít chi nhánh Sói Biển Trung Thực lại chưa được “trung thực” từ giá cả, chất lượng cho đến nguồn gốc xuất xứ. Với một chuỗi cửa hàng thực phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tường và được cho là “sạch”, liệu rằng Sói Biển có còn giữ được uy tín của mình khi vấn đề về hàng hóa, vệ sinh thực phẩm vẫn còn tồn tại?

Thực phẩm hết hạn, không tem nhãn vẫn được bày bán trên kệ

Mặc dù được gắn mác là cửa hàng thực phẩm sạch, thời gian gần đây Sói Biển đang khiến không ít người tiêu dùng thấy băn khoăn sau khi một số người dân phản ánh chuỗi cửa hàng này đang bày bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng. Cụ thể, vào ngày 2/3, một tài khoản tiktok tên @tiep_colour đã đăng một video phản ánh về việc cửa hàng Sói Biển bán đồ ăn hết hạn, cụ thể hai sản phẩm bị hết hạn tên là Bánh dày nhân mặn và Bánh cuốn nhân mặn có thương hiệu MOM. Video trên được đăng tải lại trên trang facebok Alo 389.

Để kiểm chứng, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã khảo sát tại 5 trên tổng số 38 cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, cụ thể tại cơ sở 203 Trung Kính, 12C Láng Hạ, 65 Nguyên Hồng, ngõ 106 Hoàng Quốc Việt và 117 Phan Văn Trường.

Ngày 15/03, phóng viên Thương hiệu và Công luận có măt tại cơ sở Sói Biển số 203 Trung Kính để ghi nhận tình hình. Tại quầy đồ khô, phóng viên ghi nhận có sản phẩm bia thủ công Ibero hương vị Apple Cider đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán trên kệ. Cụ thể, trên bao bì sản phẩm ghi ngày sản xuất 15.08.22; hạn sử dụng: 06 tháng kể từ ngày sản xuất, như vậy sản phẩm này đã hết hạn từ 15.02.23 tức 1 tháng kể từ ngày ghi nhận. Liệu rằng, khi người tiêu dùng mua về sử dụng có bị ảnh hưởng tới sức khỏe hay không?

Bia Ibero vị Apple Cider đã hết hạn nhưng vẫn được bày bán trên kệ cửa hàng Sói Biển 203 Trung Kính
Bia Ibero vị Apple Cider đã hết hạn nhưng vẫn được bày bán trên kệ cửa hàng Sói Biển 203 Trung Kính.

Trong khi đó, tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác là 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định nếu sản phẩm là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;

Kế đến quầy thực phẩm, phóng viên nhận thấy khay Trứng gà tươi tại đây chỉ được đóng khay, không hề có nhãn mác gây khó cho người tiêu dùng khi tìm hiểu sản phẩm. Tương tự với sản phẩm Dâu tây Mộc Châu cũng chỉ được dán nhãn tên sản phẩm, hoàn toàn không có thông tin về nơi sản xuất, hướng dẫn bảo quản, ngày thu hái và hạn sử dụng.

Dâu tây Mộc Châu nhưng cũng không có thông tin về nơi sản xuất, ngày thu hái
Dâu tây Mộc Châu nhưng cũng không có thông tin về nơi sản xuất, ngày thu hái.
Trứng gà giỏ của chi nhánh Sói Biển Trung Kinh chỉ được đóng khay và bọc nilon, không có thêm thông tin gì
Trứng gà giỏ của chi nhánh Sói Biển Trung Kinh chỉ được đóng khay và bọc nilon, không có thêm thông tin gì.

Tại cơ sở 65 Nguyên Hồng, sản phẩm khay ổi 2 quả không rõ thông tin, giá cả, chỉ đến khi hỏi nhân viên mới biết được đây là sản phẩm Ổi Lê Trạch với mức giá 35.000/kg.

Không có nhãn mác hay tem sản phẩm, liệu rằng đây có phải Ổi Lê Trạch như lời nhân viên Sói Biển Nguyên Hồng?

Không có nhãn mác hay tem sản phẩm, liệu rằng đây có phải Ổi Lê Trạch như lời nhân viên Sói Biển Nguyên Hồng?.

“Mục sở thị” tại chi nhánh Sói Biển Phan Văn Trường, tương tự như cơ sở Trung Kính, sản phẩm trứng gà giỏ cũng chỉ đóng gói khay và bọc nilon, khi được hỏi nguồn gốc xuất xứ của loại trứng gà này, nhân viên thu ngân tại cửa hàng trả lời: “Trứng này là do bên em sản xuất ạ”.

Tương tự với cơ sở Trung Kính, khay trứng gà tại Sói Biển Phan Văn Trường cũng không có nhãn sản phẩm
Tương tự với cơ sở Trung Kính, khay trứng gà tại Sói Biển Phan Văn Trường cũng không có nhãn sản phẩm.

Tại khoản 5, điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

Trong đó, yêu cầu về hàng hóa là thực phẩm phải thể hiện rõ Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

Thực phẩm sạch nhưng chưa “sạch”

Ngay khi bước vào cửa hàng Sói Biển 203 Trung Kính, trước mắt phóng viên là 3 khay thức ăn chín được đặt ở lối ra vào, các khay không được đậy kín, đặc biệt là không niêm yết giá và tên sản phẩm khiến người tiêu dùng cảm thấy bối rối, chỉ đến khi phóng viên hỏi giá một khay bất kì trên kệ thì mới biết đây là chả cá hồi.

Cận cảnh các khay đồ ăn chín tại cửa hàng Sói Biển 203 Trung Kính
Cận cảnh các khay đồ ăn chín được bày bán tại cửa hàng Sói Biển 203 Trung Kính.

Trao đổi với nhân viên cửa hàng ch biết sản phẩm tại đây đảm bảo chín chỉ mới làm trong ngày. Miếng chả cá hồi được nhân viên cho vào khay đựng, đóng màng bọc thông thường, không hề có nhãn mác ghi tên sản phẩm, giá tiền, hạn sử dụng và ngày sản xuất. Thắc mắc với cửa hàng về cách bảo quản, nhân viên thu ngân trả lời rằng sản phẩm có thể để tủ mát 3 ngày, còn để tủ đông được 7 ngày.

Chả cá hồi liệu có đảm bảo đúng là đồ mới làm trong ngày như lời nhân viên Sói Biển Trung Kính, trong khi không hề có bất cứ tem nhãn sản phẩm
Chả cá hồi liệu có đảm bảo đúng là đồ mới làm trong ngày như lời nhân viên Sói Biển Trung Kính? Trong khi không hề có bất cứ tem nhãn sản phẩm nào.

Trước sảnh cửa hàng Sói Biển Phan Văn Trường cũng đặt một sạp chế biến nem thịt để bán cho khách, trên sạp cũng không công khai tên sản phẩm và giá cả cho người tiêu dùng. Khi phóng viên thắc mắc giá cả với nhân viên chế biến, nhân viên này ấp úng nói rằng một chiếc nem có giá hơn 10.000 đồng, đảm bảo nem được chế biến trong ngày. Nem sau khi rán được đóng gói trong hộp nhựa, không có tem nhãn thực phẩm.

Cơ sở Sói Biển Phan Văn Trường
Cơ sở Sói Biển Phan Văn Trường.
Cận cảnh sạp nem rán của Sói Biển Phan Văn Trường đặt ngay vỉa hè
Cận cảnh sạp nem rán của Sói Biển Phan Văn Trường đặt ngay vỉa hè.

Đáng chú ý, sạp chế biến trên được đặt ngay trên vỉa hè, trước mặt là nhiều xe cộ đi qua, khu vực vỉa hè có nhiều nước đọng, nem được rán chín không được che đậy bảo quản, điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Sói Biển.

Trong khi đó, báo chí cũng nhiều lần phản ánh về thực trạng các hàng quán chế biến ngay tại vỉa hè gây mất an toàn thực phẩm. Trong đợt giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đối với thức ăn đường phố vừa được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành cho thấy, tỷ lệ thức ăn bán đường phố nhiễm vi khuẩn khá cao, trung bình 55,6% - 66%, nguyên nhân là do ảnh hưởng khói xe, bụi bặm, ruồi nhặng, mùi hôi từ nước đọng, cống rãnh, rác thải. Như vậy, dù thức ăn đã được chế biến ngon đến đâu cũng sẽ bị giảm chất lượng, không bảo đảm vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo Nghị định 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức khi có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm

Bên cạnh đó, Theo khoản 6 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Niêm yết giá” được hiểu là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, tất cả hàng hóa, dịch vụ phục vụ kinh doanh phải được thông báo, công khai giá cả trước khi giao dịch.

Hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá được quy định cụ thể tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ.

Hàng hóa không niêm yết giá công khai, chính xác đều vi phạm pháp luật
Hàng hóa không niêm yết giá công khai, chính xác đều vi phạm pháp luật.

Khi tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm về lĩnh vực giá như: Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định; Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; Bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ,… thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Không thể phủ nhận rằng khi kinh doanh chuỗi chi nhánh, chắc chắn nguồn lực sẽ bị phân tán và có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Quá trình luân chuyển và kiểm tra hàng hóa là khâu mất nhiều thời gian nhất trong kinh doanh bán lẻ.

Chất lượng sản phẩm và dịch vụ luôn là yếu tố quan trọng trong mắt xích vận hành chuỗi cửa hàng
Chất lượng sản phẩm và dịch vụ luôn là yếu tố quan trọng trong mắt xích vận hành chuỗi cửa hàng.

Nếu chất lượng nguồn hàng đầu vào không tốt sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ của toàn chuỗi. Câu chuyện đảm bảo chất lượng đồng đều của ngành tiêu dùng nói chung và ngành thực phẩm nói riêng luôn là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp. Nhưng điều đó không khó cải thiện nếu Sói Biển sát sao hơn trong việc thống nhất quy trình cửa hàng, kiểm soát chất lượng thực phẩm, đảm bảo nguồn cung và thông tin sản phẩm minh bạch tới người tiêu dùng.

Thảo Nguyên